• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Họ là công nhân trên biển

Nguồn tin: Lao Động, 21/04/2009
Ngày cập nhật: 21/4/2009

Xã Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) có gần 450 tàu đánh bắt biển khơi, hằng năm mang về đất liền khoảng 16 ngàn tấn hải sản. Khoảng 4.000 người đàn ông gắn bó đời mình với những chiếc tàu quanh năm lênh đênh trên sóng nước.

Người ta gọi họ là ngư phủ hoặc thủy thủ. Nhưng với công việc thực thụ mà họ làm, đúng hơn phải gọi họ là công nhân trên biển.

Ngày "tớ" làm chủ

Tôi có thói quen từ cách đây vài chục năm, khi còn sống với "nghề cá", là năm nào cũng về Vàm Láng dự lễ "Nghinh ông" vào ngày mùng 10 tháng ba âm lịch. Bây giờ tôi không còn gắn bó với "nghề biển", nhưng tới ngày lễ là bạn bè lại "rủ rê". Tôi lại về Vàm Láng, xuống tàu đi 1 vòng ra biển để "Nghinh ông", rồi về bến ngồi bẹp dưới sàn nhậu với các ngư phủ...", Chủ tịch UBND xã Vàm Láng - ông Trần Văn Nhỏ - cho biết. Năm nay tàu về dự "Nghinh ông" khá nhiều, hơn 350 chiếc, nhờ mùa đánh bắt sau Tết "trúng", xăng dầu lại giảm giá, rồi Nhà nước hỗ trợ chi phí...

Lễ hội năm nay "hoành tráng" hơn, người đi dự "chật như nêm", nhiều hoạt động phong phú, lắm trò chơi... Anh Huỳnh Văn Danh, chủ của 4 chiếc tàu, đã "chơi ngông" mua cả đàn heo (mỗi con khoảng 30kg, giá hơn 2 triệu đồng/con) thả chạy trên bến cho ngư phủ nào đuổi theo bắt được thì ôm về nhà cho vợ. Ngày lễ "Nghinh ông" ở Vàm Láng có nhiều cái lạ (và thú vị), nhưng lạ hơn hết là chuyện người làm công trên biển được chủ tàu đối xử như thượng khách. Đây là ngày họ không phải làm lụng gì, được chủ tàu cung phụng, ăn thoải mái (thường là heo quay, vịt quay) và bia uống bao nhiêu tuỳ thích. Trong ngày "Nghinh ông" vừa qua, ở Vàm Láng tiêu thụ khoảng 200 con heo quay, 1.000 con vịt quay, 1.000 thùng bia...

Tại nhà anh Nguyễn Văn Thái, người có 3 chiếc tàu, mấy chục ngư phủ ngồi quanh bàn tiệc bày dưới sàn nhà, xung quanh "bia chất tới đầu". Chủ chạy tất bật, còn các ngư phủ ngồi bật nắp lon bia kêu như pháo. Anh Thái nói: "Anh em gắn bó với mình quanh năm trên biển, có dịp phải lo cho "bạn" chu đáo". Danh xưng "bạn" được dùng nhiều nhất trong giao tiếp ở Vàm Láng, nó dùng để chỉ mấy ngàn người làm công trên tàu. Mỗi chiếc tàu ra khơi có "biên chế" khoảng 10 người, chủ tàu kiêm luôn tài công, còn lại là "bạn".

Sự phân công trách nhiệm và phân chia quyền lợi giữa chủ và "bạn" rất sòng phẳng. Chủ chịu toàn bộ chi phí cho chuyến đi, từ xăng dầu, nước đá đến cơm nước, thậm chí cả rượu để nhậu "cho ấm". "Bạn" đảm nhiệm việc đánh bắt, phân loại, sơ chế, muối ướp sản phẩm... Sản phẩm được chia theo tỉ lệ 6 - 4, chủ hưởng 6, "bạn" chia nhau 4 phần. Kết quả chuyến biển càng cao, chủ càng có lời và "bạn" thu nhập càng khá, vì vậy mà tính cộng đồng trách nhiệm luôn được phát huy.

Một chuyến đi biển kéo dài khoảng 1 tháng, nếu "trúng", được 4 - 5 tấn sản phẩm, bán được vài trăm triệu, trừ hết chi phí chủ còn lời 40 - 50 triệu đồng, còn "bạn" được chia mỗi người 8 - 10 triệu đồng. Tiền thu nhập của "bạn" là tiền "sống", luôn còn nguyên vẹn, đem về trao tận tay vợ, vì mọi chi phí trên tàu chủ đã lo hết. Trong số mấy trăm chủ tàu ở Vàm Láng có không ít người xuất thân từ "bạn", nay trở thành chủ họ đối xử với "bạn" như bạn là lẽ thường tình.

Một người chủ tên Hùng vốn là "bạn", hiện đang sở hữu 3 chiếc tàu. Nhà nghèo, Hùng bắt đầu làm công trên tàu cá từ tuổi 15, nhờ chí cốt làm ăn, giỏi về kỹ thuật, sau khi lập gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu. Nay ở tuổi gần 50, anh tiếp tục gắn bó với biển cả bằng cách ngồi trên bờ điều hành 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ.

Công nhân trên biển

Những người làm nghề biển ở Vàm Láng luôn tự giác chấp hành 3 thứ kiêng cữ: Không nướng cá tôm, không lật úp con cá khi ăn và không... ngủ với vợ trước khi ra khơi. Khi tàu ra biển, ai cũng mong "tôm cá đầy khoang", mong cho sàn tàu luôn "ướt" với những mẻ lưới nặng tay, đó là chuyến đi biển "cái". Khi nướng cá tôm, họ sợ bị "khô sân", tàu ra khơi không "chạm mặt" luồng cá, bãi tôm, chuyến đi biển bị "đực"! Đối với những người đánh bắt biển khơi, có lẽ hình ảnh đáng sợ nhất chính là chiếc thuyền bị lật úp.

Con cá sau khi ăn hết một nửa phần trên (dọc theo xương sống), nếu "lật úp" để ăn phần còn lại, nó hao hao giống chiếc thuyền bị lật. Vì vậy mà ngư phủ không bao giờ "lật úp" cá, họ từ tốn tách bỏ đi phần xương để ăn nốt phần cá còn lại. Còn chuyện kiêng ngủ với vợ trước khi ra khơi mới thật là khó!

Biển cả thật khắt khe với người phụ nữ, họ không bao giờ được "bén mảng" ra khơi, ngay cả chuyện gửi gắm chút "tình" cho chồng trong đêm chia tay cũng bị từ chối, mặc dù ở lại trên bờ người vợ cũng phải nếm trải thử thách trong những chuyến "đi biển", "vượt cạn" mồ côi một mình! Bây giờ những ngư phủ trẻ hay "phá rào". Ngày xưa, trước mỗi chuyến ra khơi cha ông của họ phải chuẩn bị hàng tháng, nên có "hy sinh" 1 đêm cuối cũng chả sao. Còn ngày nay, mỗi chuyến đi biển kéo dài hàng tháng trời, về đất liền một vài hôm rồi lại ra khơi, bắt họ "kiêng khem" với vợ mới cưới thì quả là "nhẫn tâm"!

Ngày trước, công việc của ngư phủ gói gọn trong việc đánh bắt và muối ướp cá tôm. Ngày nay, theo yêu cầu của thị trường, để làm tăng giá trị sản phẩm, ngư phủ đồng thời cũng phải là công nhân trên biển. Ngoài việc đánh bắt, họ phải thành thạo các công việc phân loại, sơ chế, lắm lúc cũng phải chế biến như công nhân thực thụ trong các nhà máy trên đất liền. Mực được tách khỏi tôm, loại bỏ tạp chất, muối ướp riêng theo cỡ loại..., vừa giúp giảm lượng nước đá bảo quản, vừa giữ được chất lượng, khi lên bờ không bị xáo trộn lần nữa, đưa thẳng vào nhà máy.

Việc sơ chế bước đầu trên tàu ngay sau khi đánh bắt càng có ý nghĩa khi thị trường nước ngoài đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn vi sinh trong sản phẩm. Nguy cơ này cao hay thấp tuỳ thuộc rất nhiều vào công việc của những "công nhân" trên tàu. Ngư phủ - công nhân Lê Văn Bé của chủ tàu Huỳnh Văn Danh dù mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có thể đánh giá chất lượng, phân theo cỡ loại hải sản không thua kém bất cứ chuyên gia KCS nào trong các nhà máy hiện đại trên đất liền.

Chủ vựa Huỳnh Văn Tình, người chuyên đầu tư cho tàu đi đánh bắt và thu hồi sản phẩm, cho biệt: Các nhà máy chế biến thủy sản XK bây giờ nhận nguyên liệu rất khắt khe, vì vậy phải đầu tư đúng mức cho khâu đánh bắt và bảo quản nguyên liệu. Vai trò của người ngư phủ - công nhân trên tàu vì vậy mà càng trở nên quan trọng trên suốt quy trình từ đánh bắt cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Làng chài trở thành xóm vắng

Những ngày tàu ra khơi, các xóm chài trở nên vắng vẻ vì hầu hết đàn ông đều ở ngoài biển. Nó chỉ xôn xao, rôm rả khi tàu về bến với "tôm cá đầy khoang". Duy chỉ có Xóm Lưới là luôn vắng lặng dù tàu đi hay về. Khi cơn bão số 5 Linda đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ tháng 11.1997, ấp Xóm Lưới với gần 100 nóc gia nằm ngoài vùng tâm bão, nhưng đó lại là nơi chịu nhiều tổn thất nhất vùng biển Vàm Láng với 27 người mãi mãi nằm lại biển khơi (trên tổng số hơn 100 người đi biển).

Hộ ông Nguyễn Văn Lợt có 5 đàn ông (ông và 4 con trai) thì cả 5 đều đi biển. Sau bão số 5, chỉ còn lại 3 người. Hai người con của ông mãi mãi không về, để lại vợ và con nhỏ. Ông Lợt và 2 đứa con thoát nạn đã bỏ nghề đi biển, trong khi những đứa cháu thì còn quá nhỏ để có thể thay thế cha ông trên những chiếc tàu. Ông Nguyễn Văn Tơn cũng thoát chết từ cơn bão, nhưng đứa con trai 13 tuổi Nguyễn Bá Tùng đi cùng trên một chiếc tàu với ông thì không may mắn như cha.

Ông Tơn cũng đã bỏ nghề biển. Anh Ngô Minh Hùng, một người lênh đênh mấy ngày trên biển trước khi gặp tàu cứu hộ, nói rằng thế hệ các anh ít học, vừa lớn lên là đi biển, bây giờ ở trên bờ cũng không biết làm gì nuôi vợ nuôi con, nên anh tiếp tục theo nghề. Anh hy vọng thế hệ sau cũng không bỏ biển, nhưng đi biển an toàn hơn, chứ không gặp quá nhiều rủi ro như các anh.

Ở Xóm Lưới có nhiều phụ nữ goá chồng, nhiều trẻ con mồ côi cha! Nhưng bù lại, tỉ lệ sinh con trai ở đây lại cao hơn nhiều so với bình thường, khoảng 70%. Mà cao tự nhiên, chứ không "chọn giới tính". Người ta lý giải rằng do đi biển nguy hiểm, chết nhiều, không sinh con trai thì lấy đâu người thay thế! Bây giờ "đàn ông đi biển" đã bớt nguy hiểm hơn nhiều so với cha ông họ ngày trước. Các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, cho phép ngư phủ "bắt mạch" thời tiết, "né" bão, thậm chí "sống chung với bão". Thế nhưng, vào ngày lễ "Nghinh ông" hằng năm, họ vẫn phải về bến để cầu cho một mùa biển "sóng lặng gió êm".

Nguyễn Phấn Đấu

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang