• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sống ở đáy sông

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 06/04/2009
Ngày cập nhật: 7/4/2009

Những người thợ lặn, những ngư dân chọn dòng sông làm nơi kiếm kế sinh nhai. Ở đó, biết bao chuyện vui buồn, số phận cuộc đời...

Ngư dân Bảy Dẫu nhẩm tính: "Mồng 8, khoảng 2 giờ đêm nước ròng sát đáy. Mồng 9, nước cạn lúc 4 giờ. Mồng 10 là 6 giờ sáng. Lúc đó, tôi dẫn mấy chú đi xem người ta vớt trùn chỉ, cào hến dưới sông là vừa".

* Mưu sinh lúc rạng đông

Chờ cho con nước ròng (cạn) hết cỡ, ông Bảy Dẫu bắt đầu nổ máy đưa chúng tôi đi gặp những người vớt trùn chỉ, cào hến dưới đáy sông Đồng Nai. Đúng như những gì ông Bảy Dẫu nói, mới 5 giờ sáng nhưng có rất đông người trầm mình dưới dòng nước sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua cù lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Mọi người tất bật xúc xúc, cào cào những "sản vật" mà dòng sông ban phát cho họ.

Chúng tôi cho ghe tắp vào chỗ anh em Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Phúc (sống tại khu nhà bè Tân Mai, TP.Biên Hòa) đang hì hục dùng vợt lưới cào hến, xúc trùn dưới đáy sông. Bùn đen bị khuấy động xông lên mùi nồng nặc. Chúng tôi hắt xì liên tục, nhưng Nghĩa thì tỉnh bơ: "Chỗ nào gần các đường cống nhà máy xả nước thải thì mới có nhiều trùn. Sông Đồng Nai chỉ có đoạn gần Nhà máy giấy Tân Mai và bờ kè bến đò An Hảo (phía bờ KCN Biên Hòa 1 thuộc phường An Bình) mới có trùn chỉ, chứ không phải chỗ nào cũng có trùn mà xúc đâu". Còn Phúc thì vô tư kể: "Ngứa lắm chú ơi. Dầm mình dưới nước dơ bẩn riết nên người con ghẻ lở, xức thuốc hoài mà không hết".

Không riêng gì anh em Nghĩa, khúc sông Cái chảy qua cù lao Phố vốn bình yên nhưng sáng sớm hôm ấy có hàng trăm người trầm mình trong nước lạnh giá và dơ bẩn. Trong đó, chỉ đoạn đáy sông dài chừng 1 km gần Nhà máy giấy Đồng Nai nhưng có trên 50 người xúc trùn chỉ, cào hến. Họ bám vào các bãi bồi, vùng nước cạn để mưu sinh. Ông Bảy Dẫu ví von: "Họ như là những nàng tiên cá, lúc nào cũng trầm nửa thân mình dưới nước vậy đó". Còn chị Hai Bình đang xúc trùn gần chỗ anh em Nghĩa thì nói: "Chỉ có người nghèo mới dầm mình dưới đáy sông lúc này mà thôi. Chứ người khá giả thì có ghe máy để cào, để xúc hoặc thuê tụi tui làm. Công việc của tụi tui là tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, dơ bẩn vì nơi nào bùn lầy nhiều thì mới có nhiều trùn, nhiều hến".

Chúng tôi hỏi những người xúc trùn, cào hến đang trầm mình dưới đáy sông Cái lợn cợn bùn, rác, mảnh sành sứ... thu nhập được bao nhiêu sau mỗi con nước? Chị Nga (ở xóm bè Tân Mai) không giấu giếm: "Mỗi con nước (ngày) xúc được 2-3 thùng trùn chỉ (loại thùng 20 lít), bán được 40-45 ngàn đồng là cùng. Còn hến thì kiếm được khoảng 20 ngàn đồng/ngày (mỗi ngày xúc được khoảng 4-5 thùng). Bây giờ, trùn, hến đều hiếm, dầm mình cả buổi mới kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhưng không đi xúc, đi cào thì tụi tôi không biết làm nghề gì để sống".

* Mơ vào đất liền!

Rời bãi xúc trùn, cào hến (bờ kè Nhà máy điện KCN Biên Hòa 1), ông Bảy Dẫu tăng ga cho ghe chạy ngược dòng giữa con nước chảy xiết. Do nước ngược nên để đến được khu nhà bè Tân Mai (cách nơi xuất phát khoảng 3 km), chúng tôi phải mất hơn nửa giờ. Trên đường đi, ngư dân Bảy Dẫu giải thích rất lập lờ: "Chỉ có người nghèo mới làm nghề cào hến, xúc trùn. Và chỉ có dân ở làng bè mới cào hến, xúc trùn".

Nghe tiếng máy ghe cặp vào bè của mình, bà Trần Thị Ngoan (ở làng bè Tân Mai) đang đi chơi bè nhà hàng xóm lật đật đạp ghe (chèo bằng chân) về bè mình. Nơi ở của ba mẹ con bà Ngoan chỉ là một cái lồng nuôi cá với diện tích 8 m2 thấp lè tè, nổi bồng bềnh trên mặt nước. Được khơi đúng chỗ, bà Ngoan than: "Ba mẹ con tôi không sợ chỗ ở chật chội, mà chỉ lo bệnh tật, không có việc làm. Hai đứa con tôi lên bờ làm thuê, làm mướn bữa được, bữa mất. Còn tôi thì xúc trùn ngày kiếm được khoảng 20 ngàn đồng. Cuộc sống khó khăn quá, không biết bao giờ tôi mới có tiền lên bờ để mua miếng đất ở cho sướng". Thấy chúng tôi ghé bè bà Ngoan, nhiều người khác cũng chèo xuồng sang chơi. Bà Nguyễn Thị Mến kể: "Dân bè tụi tôi mỗi lần cưới dâu, gả con gái hoặc có chuyện hữu sự thì lên xin ban hành giáo nhà thờ chỗ để tổ chức. Chứ chật chội như vầy thì lấy chỗ đâu mà lo chuyện cưới hỏi, ma chay. Còn thuê nhà hàng để tổ chức thì nghèo quá, làm gì lo nổi!".

Anh em Nghĩa, Phúc đang xúc trùn.

Những người dân nghèo làng bè Tân Mai (thuộc xã Hiệp Hòa và các phường Thống Nhất, Quyết Thắng, Tân Mai của TP.Biên Hòa) ngoài dầm mình mưu sinh dưới bùn ô nhiễm, họ còn phải thức canh từng con nước để gọi nhau đi xúc trùn, cào hến. "Ngày cũng như đêm, mùa mưa hay mùa nắng, miễn sông Cái cạn đáy là tụi tui tất tả đạp ghe đi làm" - ông Lê Văn Oanh, một ngư dân ở làng bè, cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Thê thì lo xa: "Sống thì mơ chỗ ở trên bờ. Còn chết thì mơ được vào nghĩa địa. Vậy mà đời này sang đời khác chúng tôi vẫn chưa có nổi miếng đất cắm dùi".

Nói rồi bà Thê dẫn chúng tôi đến bè gia đình ông Lê Văn Luyện cách đó không xa. Cũng cảnh mái bè cách mặt nước 2m, hầm hập nóng, nhưng 7 nhân khẩu trong gia đình ông Luyện đã quen sống với 12m2 diện tích mặt sàn. Ông bộc bạch: "Phía trên thì cha con tôi ở, dưới thì dành cho cá. Chỗ ở chật chội tôi không sợ, chỉ sợ là chật quá cá chịu không nổi chết hết thì gia đình tôi phải bán bè trả nợ". Cũng theo ông Luyện: "Vừa rồi tôi bị bạo bệnh, nên hiện đang gánh nợ gần 4 triệu đồng. Các con tôi muốn lên bờ đi làm công nhân, tìm lối thoát và trả nợ nhưng vì địa phương chưa cho đăng ký tạm trú, không xác nhận hồ sơ xin việc làm nên đành chịu. Các con tôi tiếp tục cái nghề xúc trùn, cào hến để sống qua ngày".

Chờ nước lớn, ông Bảy Dẫu cho ghe xuôi về nhà. Dọc đường chúng tôi gặp rất nhiều ghe đạp, ghe máy trong khoang đầy trùn, đầy hến đang ngược xuôi kiếm mối tiêu thụ (bán cho các hộ nuôi cá bè). Kiếm được miếng ăn, lo cho cuộc sống thường nhật với những người dân nghèo ở làng bè Tân Mai quả là khó khăn đến vậy!

Đoàn Phú

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang