• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngọc Linh - Mùa con ong đi lấy mật

Nguồn tin: Báo Quảng Nam, 27/03/2009
Ngày cập nhật: 31/3/2009

Mùa này là mùa sâm ra hoa, kéo dài đến hết tháng 5. Con ong bắt đầu đi lấy mật. Mật từ sâm Ngọc Linh là thứ hảo hạng, không dễ tìm. Ngay tại thôn 2 Trà Linh, giá 100 nghìn đồng/lít, nhưng đâu có mà mua. Vườn sâm nhà ai có con ong vào làm tổ, là may mắn.

Không biết lơ mơ thế nào, lúc quay về chúng tôi bị lạc. Mưa rừng dữ dội. Chị chủ quán có chồng tên là Sáu, khi biết chuyện, cười: “Đoạn giáp thôn 2 và 1 phải không? Nhiều người bị lạc chỗ đó. Hôm trước có mấy người mua sâm bên Kon Tum sang cũng bị, đành ngủ lại rẫy của dân”. Tấp vào một nhà cạnh mấy khoảnh ruộng lúa nước. Vắng hoe. Phải đi, trời mà tối thì chỉ có chết. Bên kia đồi lúc nãy thấy mấy đứa con nít. Trượt dốc. Áo quần lem luốc. Hoàng Thọ, phóng viên Đài Truyền thanh và phát lại truyền hình Nam Trà My, áo đi mưa dành “chăm sóc” chiếc camera nên lạnh cóng. Thật may, ngôi nhà lọt giữa rừng tranh, có chủ. Anh chồng còn trẻ, chịu khó mặc áo mưa ra chỉ đường. Về đến huyện, tầm đã 21 giờ đêm, sau khi đã bộ hành mấy chục cây số, quăng quật xe máy bởi đường trơn.

Nóc Măng Lùng hiện ra trước mắt, xa lạ. Nhà nhiều hơn. Dỡ cánh cổng vào sân, ngó ra khung cửa tối, thoáng thấy chính giữa nhà nào cũng có một cái ti vi. Hôm qua, Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Ni bảo “hộ nghèo thì còn nhiều, nhưng đời sống bà con đã khá, nhờ sâm cả”.

Nhớ lại cái đêm ở lại đây, đã 3 năm, hiu hắt buồn tù mù đèn dầu tắt đỏ trong cái gió ào ào. Lúc đó và kéo dài mãi đến lúc này lên lại Ngọc Linh, vẫn cứ nghĩ rằng biết bao giờ bà con hết khổ. Lý do ư? Quá xa xôi hiểm trở. Dưới kia, mịt mùng xa xôi và tấp nập văn minh. Cất công lên được đây là cả kỳ tích đời người. Đó là nói chuyện người dưới xuôi, chứ cán bộ huyện trên này đi công tác xã là chuyện thường ngày. Nắng đầu mùa gay gắt. Những vạt rẫy ven đường cháy đen cõng trên vai người phụ nữ Xê Đăng đang cúi gập xuống trỉa lúa, trên lưng là đứa con mới mấy tháng tuổi. Hai ông bà già cùng hai đứa cháu đang làm cỏ bắp, cười hồn nhiên trước ống kính máy ảnh. Bắp đã lên ngang tầm đầu trẻ, mướt xanh. Mọc kín bờ ruộng là rau diếp cá. Non mướt. Dày đặc. Đang bụng đói và khát, ao ước có một tô canh diếp cá nhấp nhô lát thịt bò mà húp, đời như sống lại lần nữa. Ông Hồ Văn Reo, nguyên Chủ tịch HĐND xã Trà Linh (cũng tên Reo, nhưng ông Reo nguyên Trưởng ban Dân tộc và Miền núi tỉnh thì ở thôn 1 chứ không ở Măng Lùng- NV), nói về chuyện trồng sâm, đầy ưu tư. Bà con cần giống, muốn làm thật nhiều, nhưng khó quá.

Nguyễn Văn Lượng, được xem là triệu phú Măng Lùng, khi đưa tôi ra vườn sâm, đã chỉ cho xem tổ ong đông kín ong mẹ ong con đang tụ trong bộng cây. Tôi vào nhà Lượng đúng bữa cúng giàng vì trỉa lúa ngày đầu tiên trong năm. Phải cúng bằng một nồi xôi và một ché rượu cần. Trai gái, già trẻ đều uống. Khách cũng phải uống. Từ chén, chuyển qua vít cần. Trên này lạnh giá. Mùa nắng thì bắp, lúa may ra sống nổi, nhưng mưa thì cóng. Thảy đều trông vào cây sâm. Nói gì thì nói, cuối cùng qua về với cây sâm. Bà con Măng Lùng nói riêng và người Trà Linh nói chung, xem sâm là cứu cánh đời sống. Cả nóc trồng sâm, người nhiều như Lượng thì đến hàng chục nghìn cây, ít như ông Reo cũng đã 800 cây. Nhưng câu hỏi đặt ra: Làm ăn chụp giựt hay có chiến lược hẳn hoi để xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất? Tỉnh có trạm dược liệu, Sở Y tế lo. Bà con thì bám rừng, trồng được cây nào hay cây nấy, tự đi tìm nguồn giống, tự trồng tự bán. Năm 2007, huyện đã mua phát cho mấy chục hộ, mỗi hộ 500 cây. Có một thực tế là huyện cùng tỉnh chưa nhất quán về việc quản lý và phát triển cây sâm. Chuyện này kéo dài đã lâu, và không biết đến bao giờ mới có hồi kết. Ông Hồ Văn Ni, kể thêm chuyện vừa rồi ông đi dự hội thảo về sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Kết luận hội nghị, Bộ Y tế cho rằng sắp tới sẽ thống nhất tên gọi chung sâm Ngọc Linh ở vùng Nam Trà My và mấy huyện giáp ranh của Kon Tum, để tránh tình trạng giành giật thương hiệu. Bên Kon Tum, người ta qui hoạch bài bản, có đường ô tô chạy lên đến trại hẳn hoi. Còn ta, không biết đến bao giờ mới chấm dứt được cái cảnh đi thì đầu gối chạm mặt vì dốc thẳng đứng! Tôi nghỉ nhờ lại nhà của một cô giáo cắm bản ở Măng Lùng, biết thêm một chuyện. Tại đây có trường tiểu học Ngọc Linh. Hồi đó đặt tên này cho ngôi trường, bên Kon Tum cũng phản ứng, họ cho rằng Ngọc Linh là “bản quyền” của họ. Nghĩ mà buồn cười. Chung qui lại cũng vì cây sâm quý không mọc ở đâu tốt bằng Ngọc Linh này.

Đang là tháng ba. Vào nhà ai buổi sáng cũng vắng hoe. Họ đi rẫy, tối mịt mới về. Khá hân hoan và tự nhiên ở họ, ít ra tôi nghĩ rằng cũng nhận ra điều đó qua cái quán bé nhỏ của cô giáo Cơ. Đàn ông, tay chân còn nguyên đất rẫy, sà vào bàn gọi rượu uống. Không đủ ghế, đứng uống. Ly uống nước đầy, làm một phát, cạn. Không đủ ly, cho rượu vào bao ny lon, cắn đít, hút. Phụ nữ cũng uống. Tối ở nhà Nguyễn Văn Lượng, tôi thấy một chị lầm bầm rằng đang ngủ gọi dậy làm gì, nói vậy chứ cũng vén mái tóc ngái ngủ, uống xong một chén, lại vít rượu cần. Cô giáo Cơ bảo, trên này uống rượu là… dài tập. Cá nục cõng đến nóc Con Bin, giá 40 nghìn/kg. Sáng, cá ở Tam Tiến, 5 giờ chiều đã đến đây. Nếu đường đổ nhựa hết, nhanh hơn nữa. Gùi cõng là chính. Cá chuồn phơi khô, 2 nghìn/con. Tấp nập người mua. Đời sống bà con đã chuyển theo chiều hướng tốt, nhưng nói như các thầy cô là không bền vững. Thực tế đang đặt ra bao vấn đề mà những người hoạch định chiến lược cần có đầy đủ thông tin và lắng nghe, tốt nhất hãy đặt chân đến tận nơi, chứng kiến và chiêm nghiệm để đi đến quyết sách. Sâm quý, bà con có là bán ngay tiêu xài, nhưng liệu họ có biết thông tin giá cả thị trường sâm? Chắc chắn là không. Cao, thấp là do thương lái, đầu nậu định đoạt, bà con thì thấy đồng tiền trước mắt là vui “tiền tươi thóc thật” chứ mấy người biết sức lao động của mình đã được trả đúng nghĩa.

Quá khuya, tôi vẫn còn nghe tiếng nhạc bập bùng gần đó. Một kiểu văn minh tưởng đã mở, nhưng chưa hẳn. Trường học vắng học sinh, bởi nói như cô Cơ là học sinh lười lắm, phải dỗ mới đi. Hễ đau là cúng. Cúng không hết mới đến trạm xá. Không còn nạn tảo hôn nhưng kết hôn sớm còn rất nhiều. Người Ngọc Linh đang có đà để đổi đời, nhưng đặt bệ phóng cho họ, hình như không phải tự họ làm được. Con ong dâng cho họ mật sâm đại bổ, nhưng để nuôi dưỡng họ cường tráng, thì công phu chẳng kém gì ong xây tổ…

TRUNG VIỆT

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang