• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Xóm nhà bè” với khát vọng... lên bờ

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 21/03/2009
Ngày cập nhật: 27/3/2009

Nằm cách thị trấn Vĩnh An - huyện Vĩnh Cửu - tỉnh Đồng Nai 7km, xã Mã Đà với hơn 1.700 hộ dân trong đó có tới 400 hộ dân là người gốc Campuchia sinh sống bằng nghề đánh cá. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nguồn thủy sản đánh bắt được ở lòng hồ thủy điện Trị An. Thu nhập bấp bênh, nguy hiểm luôn rình rập khiến cuộc sống người dân nơi đây ngày một khó khăn.

Những ngôi nhà tạm bợ

Chạy men theo con đường nhựa đi vào Chiến khu D, luồn qua hơn 1km rừng, cuối cùng chúng tôi đã đến được xóm nhà bè thuộc tổ 5, ấp 1, xã Mã Đà. Nhìn từ xa, xóm nhà bè hiện ra thật nhỏ bé nằm lẩn khuất trong các eo nước của hồ thủy điện. Lại gần hơn đó là những ngôi nhà lúp xúp, tạm bợ, có thể bị gió thổi sụp bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà bè lợp tranh tạm bợ có thể bị gió thổi bay bất cứ lúc nào

Hiện tại cả xóm có tất cả 10 hộ gia đình đang sinh sống. Theo lời của ông Lê Văn Hiển, trước năm 1995 cả xóm có trên vài chục hộ dân nhưng mấy năm trở lại đây, nguồn cá dần khan hiếm nên nhiều hộ đã chuyển đi nơi khác hoặc đã chuyển lên bờ để kiếm sống.

Sống trong cảnh bốn bề là sông nước, nay đây mai đó, cuộc sống không mấy ổn định nên những ngôi nhà của người dân nơi đây hết sức tạm bợ.

Leo lên nhà anh Lương Văn San nằm sát gần bờ, chúng tôi cảm nhận được sự chông chênh của nó. Ngôi nhà lắc lư, nghiêng nghiêng theo sóng nước.

Bên dưới ngôi nhà là những chiếc thùng phuy làm phao được kết nối với nhau bởi một sợi dây, phía trên là những miếng tre mỏng và tấm ván mục được lót để làm nền. Sống ở đây nhà nào có điều kiện mới có tôn để lợp, còn chủ yếu là lợp bằng mái lá tranh không mấy lành lặn.

Mọi sinh hoạt của người dân đều ở trên căn nhà bè rộng chưa đầy 10m², cao khoảng 2m. Phải khom thật thấp người chúng tôi mới bước vào được những căn nhà “tạm bợ” này. Ngôi nhà có một “phòng khách” vừa là chỗ ngủ, nơi nấu ăn, và cũng là “nhà kho” chứa tất cả các vật dụng sinh hoạt cũng như dụng cụ đánh bắt cá để mưu sinh.

Cuộc sống của người dân xóm nhà bè chủ yếu dựa vào lượng cá đánh bắt được. Thường 3, 4g sáng là thời gian làm việc chính của người dân. Ngồi tháo lưới để chuẩn bị cho một ngày đánh bắt mới, anh Lê Văn Thách tâm sự: “Dân tụi tui thu nhập bấp bênh lắm các chú ạ, ngày nào gặp may thì mới có vài ký cá đem bán trang trải cuộc sống còn không thì chịu đói”. Anh cho biết thêm, “những hôm trời giông gió người dân chúng tôi lại nơm nớp lo. Biết là nguy hiểm nhưng cũng không biết làm sao cả, chỉ mong gió bớt mạnh, trời bớt giông cho tai qua nạn khỏi”.

Mong đời con đời cháu khá hơn

Sống gần trọn cả cuộc đời với sông nước, cụ ông Lê Văn Hiển năm nay đã bước sang tuổi 80, cái tuổi xưa nay hiếm. Mắt đã mờ và tai không còn nghe rõ nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. “Không có tiền để cất nhà nên mới phải sống tủi nhục dưới nước vậy đó. Tui thì đã già rồi, sống sao cũng được, chỉ mong cho đời con, cháu sau này kiếm được miếng đất lên bờ mà ở cho đỡ khổ”, cụ tâm sự. Cụ nói như đùa, chắc là quanh năm suốt tháng ăn độc món cá nên sức khỏe cụ vẫn được dẻo dai như vậy.

Không riêng gì ông Hiển, người dân ở nơi đây không còn mặn mà với cuộc sống dưới nước. Một cuộc sống nổi trôi và đầy rẫy sự nguy hiểm. Căn chòi nhỏ khoảng chừng 10m², nằm trơ trọi giữa hồ là mái ấm của gia đình chị Huỳnh Thị Thu Dân.

Hôm chúng tôi đến, trong căn nhà chật chội của chị không lúc nào ngớt tiếng khóc của trẻ nhỏ. Chồng chị, ngoài công việc đi đánh cá, anh còn cố gắng lên bờ đi sửa máy thuê để kiếm thêm tiền đong gạo nuôi con. Trung bình một ngày, cả tiền bán cá và tiền công chồng đi làm thuê, gia đình chị kiếm được từ 40.000 đến 50.000đ.

Chị tâm sự: “Cuộc sống dưới nước cực khổ và nguy hiểm lắm các chú ạ, có con nhỏ trong nhà mà không cẩn thận là con rơi xuống nước như chơi. Nhiều khi muốn lên bờ giúp chồng con nhưng khổ nỗi không có ai trông coi bọn trẻ. Tui và chồng đang tính, cố gắng dành dụm ít tiền, chạy vạy mượn thêm người thân để mua đất, cuối năm nay chuyển lên bờ sống”.

Đang ngồi nấu ăn ở góc bếp, em Lương Thị Thùy Linh, con gái đầu của chị Dân, im lặng không nói một lời khi chúng tôi hỏi. Chị Dân phân trần: “Con bé nó ngại tiếp xúc với người lạ lắm, gia đình không có điều kiện nên cháu chỉ học tới lớp 3 rồi nghỉ ở nhà đi đánh cá phụ giúp cha mẹ. Bây giờ đọc thì đọc được nhưng cháu viết chưa thành thạo”.

Năm nay đã 15 tuổi nhưng Linh chưa một lần rời khỏi xóm nhà bè, chưa bao giờ được thấy cảnh đông vui, nhộn nhịp của thành phố. Bạn bè của Linh cũng rất ít, chỉ quanh quẩn những đứa bé “thất học” ở trong làng.

Cuộc sống khó khăn, việc lo cho từng bữa ăn đã khó nên việc học hành đến nơi đến chốn của những đứa trẻ trong xóm trở nên quá xa vời đối với các bậc cha mẹ nơi đây. Đến xóm nhà bè, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là, đa số trẻ nhỏ không có điều kiện học tập. Gia đình nào có điều kiện thì cho con học hết lớp 9, còn thường thì lớp 3, lớp 4, thậm chí có em thất học.

Nằm gần như tách biệt với người dân trên bờ, cuộc sống của người dân nơi đây chỉ bó gọn trong mấy gia đình sống trên sông. Ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt của cụ Lê Văn Hiển không khỏi nhìn xa xăm về phía những ngôi nhà mọc trên bờ. Nhìn ánh mắt của cụ Hiển, chúng tôi càng thấu hiểu khát vọng một cuộc sống trên bờ của người dân nơi đây. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phong trào xóa nhà tạm trên sông để vừa đảm bảo môi trường vừa đảm bảo đời sống cho bà con nơi đây.

Khoa Nguyễn – Hà Nguyên

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang