• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đời gánh cá thuê

Nguồn tin: Nông Nghiệp Việt Nam, 24/03/2009
Ngày cập nhật: 27/3/2009

Dạt trôi đến cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), tất thảy họ đều nhập cuộc mưu sinh chỉ bằng đôi gióng và chiếc đòn gánh với chính sức vóc có được của mình. 23 giờ mỗi đêm, họ bắt đầu công việc tưởng như đã qúa nhàm chán này.

Chuông báo thức từ chiếc điện thoại vang lên lúc 0 giờ 15 phút, thời điểm mà sương đêm buông xuống ướt đẫm những con đường phố thị. Tôi khoác vội lên mình chiếc áo, lặng lẽ phóng xe về phía Âu thuyền Thọ Quang để tận mắt chứng kiến quang cảnh hoạt động náo nhiệt ở một cảng cá công nghiệp sầm uất bậc nhất của miền Trung bộ. Đập vào mắt tôi là những núi cá cao ngất mà những ngư phủ đã vất vả mang về từ lòng biển cả. Trong bóng đêm, cả cảng cá vang rền tiếng gọi nhau í ới của cánh bạn hàng, tiếng giục của chủ thuyền và những bước chân thoăn thoắt lầm lụi của những người đi gánh cá thuê…

Có thể nói rằng: Mỗi ngày từ 23 giờ đêm hôm trước cho đến 10 giờ sáng hôm sau, trên cảng cá Thuận Phước trước đây cũng như trên cảng cá Thọ Quang bây giờ thường xuyên náo nhiệt bởi sự hoạt động bán mua, khiêng vác của mấy nhóm người.

Nhóm thứ nhất có thể kể đến là các nậu cá (nhóm này được xem là giàu có nhất cảng cá). Nậu cá là những người thu mua hải sản trực tiếp từ các chủ tàu (đương nhiên là với giá rất thấp) vì giữa chủ tàu với nậu cá có nhiều ràng buộc. Đại loại là những nậu cá sẵn sàng cho chủ tàu vay tiền để mua sắm ngư cụ, nhiên liệu phục vụ cho việc ra khơi và tiếp đó là một cam kết bất thành văn rằng: Tôi vay của anh để đi biển thì phải bán hải sản cho anh lúc cập bờ.

Nhóm thứ hai là những người buôn bán nhỏ, những người này vốn liếng không nhiều nhưng họ có thâm niên nhiều năm lăn lộn mưu sinh nơi cảng cá. Những người này mua hải sản từ các nậu hoặc mua trực tiếp từ chủ tàu rồi bán lại cho con buôn ở các chợ hoặc là con buôn đến từ các địa phương lân cận khác.

Nhóm thứ ba và cũng là nhóm mà tôi muốn đề cập, là những người đi gánh cá thuê. Phải nói rằng: Những người đi gánh cá thuê ở cảng cá này là những người quá nghèo khó, họ dừng chân kiếm sống ở mảnh đất này từ rất nhiều vùng quê khác nhau. Có người quê ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, có người quê ở Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…thậm chí còn có người phiêu dạt từ Thanh Hóa, Nghệ An…Dù ở bất cứ nơi đâu, nhưng khi đã đến kiếm sống ở bến cảng này họ cũng đều có chung một "đặc sản" là nguồn gốc xuất thân khốn khó, lam lũ, vì vậy mà họ phải ly hương.

Bà Ngô Thị Nờm ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, năm nay đã bước qua tuổi 58 và cũng là người có thâm niên lâu năm nhất lăn lóc kiếm sống nơi trên bến dưới thuyền này. Bà Nờm đã theo những người quen đến gánh cá thuê cho những người buôn cá trên đất Đà Nẵng này từ khi còn trẻ con. Bà nói: Ngày trước khi cảng cá còn ở bên Thuận Phước, những người gánh thuê như bà dễ kiếm cơm hơn, nhiều việc làm hơn vì thuyền ghe và người buôn nhiều và tấp nập lắm. Bây chừ qua đây (Thọ Quang) ghe thuyền vô ra cũng giảm, người mua kẻ bán cũng vơi dần, trong khi đó người đâu từ tứ xứ ngày càng tập trung về đây để khiêng vác, gánh gồng một lúc một nhiều thêm. Đông người làm thì phải chia việc, mà việc ít thì thu nhập cũng ít theo…

Bà Nguyễn Thị Túc (50 tuổi), nhà ở tổ 28, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cũng là người sống bằng nghề gánh cá thuê từ năm 1996. Mọi vui buồn, no đói của bà và gia đình đều gắn với những gánh cá trên vai. Khi có nhiều việc làm thì gia đình có cái ăn, cái mặc, khi ít việc thì phải chịu cảnh túng quẫn, cơ hàn…

Bà Đặng Thị Hát (45 tổi), quê ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cùng với hơn chục người đồng hương tìm đến cảng cá này gánh thuê mưu sinh độ nhật. Các bà cùng thuê chung một nhà trọ với giá 5.000 đồng/người/ngày. Nói là nhà trọ cho ra vẻ , chứ thực ra đấy chỉ là nơi đặt manh chiếu nhỏ để ngả lưng chờ việc mà thôi. Bà Hát kể: Lúc nào có thuyền vào bán cá là chị em lại í ới gọi nhau xuống bến tìm hàng gánh thuê.

Nhiều khi biển chẳng chiều lòng người, mấy ngày liền sóng to gió cả, thuyền ghe không vào ra bến đỗ, những người đi gánh cá thuê cũng phải chịu cảnh thiếu ăn. Lúc đó thuyền cá vào thì ít mà người làm thuê lại nhiều nên sinh ra cảnh tranh giành, chửi bới lẫn nhau, mỗi năm cũng đôi ba vụ dùng đòn gánh phang nhau sứt đầu, mẻ trán phải nhờ đến sự phân xử của Đội bảo vệ cảng cá mới thôi. Có người sau khi bị "đồng nghiệp" đánh đòn, không dám quay trở lại cảng cá…

Anh Quang, anh Chín là những người có thâm niên bảo vệ ở cảng cá cho biết: Trước đây cảng còn ở bên Thuận Phước thì đội quân gánh thuê này đông hơn, bây giờ chuyển về bến mới, đội quân gánh thuê chỉ còn lại độ trên dưới 200 người. Đó là những phận đời nghiệt ngã. Quanh năm suốt tháng, bất kể mùa đông hay mùa hè, họ đều phải tất tả ngược xuôi bám lấy bến cảng nồng sặc mùi tanh cá này để kiếm sống.

Để có việc làm, họ thường xuyên phải ngâm mình trong dòng nước đen sền sệt dễ đến cả gấp nghìn lần ô nhiễm ấy. Đôi khi gặp những cần xé cá nặng đến gần cả tạ, một người gánh đến oằn vai mà vẫn không nổi là họ phải nhờ thêm người cùng gánh, rồi cùng chia tiền công. Có người bám víu ở đây cho đến khi sức cùng lực tận, rồi con cái họ lại tiếp bước theo nghề. Và cứ thế, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn như một vòng quay nghiệt ngã cứ từng ngày gieo lên những mái đầu.

Bình minh lên, khi những gánh cá trĩu nặng được các chủ buôn mang về khắp mọi miền quê để phục vụ mọi người, cảng cá vốn dĩ ồn ào dần tan vào vắng lặng. Những người đi gánh cá thuê lại rảo bước quanh bến cảng để nhặt nhạnh những con cá nhỏ còn rơi rớt lại, những con cá đã ươn mềm mà các chủ hàng vứt lại vì biết sẽ khó bán. Họ gói ghém những thứ thừa phẩm ấy một cách cẩn thận trong từng chiếc túi ni lông để mang về chỗ trọ làm thức ăn cho những bữa cơm đạm bạc…

Tôi rời cảng cá Thọ Quang khi mặt trời đã lên quá nửa hàng cây ven đường xuôi ra cửa biển, trở về nơi phố thị sầm uất mà lòng vẫn nặng trĩu.

Từ nhiều năm qua, ở cảng cá này, các chủ hàng đã có chung một quy ước: Dù đoạn đường gần hay xa những người gánh thuê cũng chỉ được chủ hàng trả một mức tiền công cố định là 1.000 đồng/gánh.

Người nào siêng năng nhất, có nhiều chủ hàng gọi gánh nhất ở cảng cá mỗi tháng cũng chỉ thu nhập được chừng trên dưới một triệu đồng. Với khoản tiền công ít ỏi đó, những người gánh cá thuê ở cảng cá Thọ Quang phải chắt bóp dè xẻn lắm mỗi tháng mới dư được vài trăm ngàn đồng để gửi về quê.

BẢO THY

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang