• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Heo sữa từ vùng dịch tai xanh được bán cho nhà hàng?

Nguồn tin: Người Lao động, 13/3/2009
Ngày cập nhật: 14/3/2009

Có ai dám chắc rằng những con heo sữa vàng rộm đặt trên những bàn tiệc sang trọng ở các nhà hàng lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM không phải là nguồn heo sữa được cung cấp từ các tỉnh miền Trung đang bị dịch tai xanh hoành hành?

Một thương lái nhiều năm buôn bán heo sữa tại chợ heo Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cam đoan với tôi rằng, lượng lớn heo sữa được cung cấp cho các nhà hàng tại các thành phố trong thời gian qua được đưa từ các vùng dịch ở Quảng Nam đi tiêu thụ với giá rẻ như bèo…

Xâm nhập đường dây giết mổ heo sữa

Trước khi chưa có dịch bùng phát, chợ heo Bà Rén (huyện Quế Sơn) và chợ Hà Lam (huyện Thăng Bình) là hai chợ chuyên cung cấp heo sữa cho toàn quốc và cả nước bạn Lào. Bình quân mỗi ngày, tại hai chợ heo lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên này cung cấp khoảng hơn 20.000 con heo sữa. Trong đó hơn 2/3 là heo giết mổ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn chế biến thành món heo sữa mà thực khách vẫn thường dùng mỗi ngày.

Còn khi dịch bùng phát và dịch tai xanh được công bố trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam, hai chợ heo lớn này tạm thời đóng cửa. Do đó, một lượng lớn heo sữa không thể tiêu thụ được. Người nông dân không đủ sức nuôi, nên đã phải bán đổ, bán tháo cho thương lái đến tận nhà mua để chuyển đi tiêu thụ.

Trong vai một gã buôn heo, lân la làm quen với một trùm buôn heo lớn, tên T. tại chợ Hà Lam, khi tôi đặt vấn đề mua heo sữa vận chuyển ra Hà Nội và vào TP. HCM tiêu thụ. Mừng "như bắt được vàng", T. vồ vập mời tôi ra quán vắng để bàn chuyện.

Câu chuyện heo sữa mà tôi đề cập, được T. than ngắn thở dài rằng tại thời điểm này mà tôi yêu cầu cung cấp 1 lượng lớn heo sữa như vậy là... hơi bị khó. Bởi, nguồn cung cấp heo sữa không thiếu, giá rẻ như bèo nhưng khâu vận chuyển mới là quan trọng.

Mở đầu cho chuyện ký kết hợp đồng cung cấp heo sữa, T. nói chắc như đinh đóng cột: "Nếu mua theo con không phân biệt lớn nhỏ bình quân 40.000 đồng/con làm sạch lông và mổ lấy lòng ruột".

Khi tôi đề nghị cung cấp hàng số lượng lớn mỗi ngày 1.000 con, nhận hàng tại TP.HCM và Hà Nội, T. lắc đầu bảo: "Nếu vận chuyển giao hàng tận nơi, giá gấp 5 lần". Bởi như lời T. bảo là trong thời điểm này, muốn chuyển được heo sữa vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội rất khó lọt, bởi nhiều trạm kiểm soát đã được dựng lên. T. bảo, nếu muốn qua được phải "mua trạm", nhưng không dễ mua, bởi còn các đội kiểm soát liên ngành lưu động tại các huyện thị đang túc trực ngày đêm.

Như để chứng minh cho nguồn heo sữa là vô tận, T. đưa tôi đi xem các lò giết mổ di động nằm xa khu dân cư, mà như lời T. là "cần bao nhiêu có bấy nhiêu".

Ngay giữa một rừng dương nằm ở vùng cát xã Bình Phục, huyện Thăng Bình trong đêm tối mịt mùng, tôi bước thấp bước cao bám theo T. để tận mắt thấy lò giết mổ heo sữa di động vừa mới dựng nên. Một ít củi nhóm bếp lò được đào sâu dưới cát, một nồi đun nước sôi và mấy tay chuyên giết mổ. T. bảo, lò giết mổ di động này bình quân mỗi đêm cho ra lò hơn 300 con. Toàn bộ số heo sữa giết mổ này được ướp đá cho vô thùng xốp để vận chuyển đi tiêu thụ.

Những ngày dịch tai xanh hoành hành lại là thời điểm "ăn nên làm ra" của các tay trùm heo sữa. Bởi vì, nguồn heo sữa cung cấp "rẻ như bèo", nếu vận chuyển lọt vào thành phố bỏ mối cho các nhà hàng, giá sẽ đội lên bình quân 150-200 nghìn đồng/con, tuỳ theo lớn nhỏ.

Tôi hỏi lượng heo sữa được vận chuyển như thế nào? T. bộc bạch: "Trước đây khi chưa có lệnh cấm, heo sữa được vận chuyển sống về thành phố mới giết mổ. Nhưng kể từ khi có lệnh cấm, việc vận chuyển gặp khó khăn, nên phải chuyển sang đánh du kích. Heo sữa được giết mổ lén, sau đó ướp lạnh, cho vào thùng xốp rồi tập két lên quốc lộ 1A, gửi xe tải, xe hàng, mỗi chuyến khoảng 5-10 thùng xốp.

Hơn 2 đêm xâm nhập vào đường dây vận chuyển heo sữa lậu tại vùng dịch tai xanh, tận mắt tôi chứng kiến những lò giết mổ heo sữa di động giữa rừng hoang hay giữa những bãi cát nằm ngay trong nghĩa địa không một bóng người.

Hỏi có bao nhiêu lò giết mổ di động như thế này? T. lắc đầu bảo làm "sao biết hết được". Nhưng những người hành nghề như T. có đến cả trăm ở các huyện thị. Bởi như lời T. tiết lộ, nếu cần số lượng lớn, T. có thể điện thoại gọi thêm anh em chiến hữu cung cấp. Tôi đề nghị cho gặp một số chiến hữu của T., nhưng T. lắc đầu từ chối mà như lời T. bảo là mối làm ăn, tất cả đều phải bí mật. Đó là nguyên tắc của chuyện làm ăn, nếu khách thích thì đặt cọc, sẽ có hàng ngày theo yêu cầu, số lượng bao nhiêu cũng có.

Không kiểm soát được

“Không thể nào kiểm soát hết được việc giết mổ heo sữa tại các vùng dịch để đưa đi tiêu thụ. Bởi hệ thống giao thông ở vùng nông thôn Quảng Nam chằng chịt, việc giết mổ heo sữa rất đơn giản, chỉ cần vài ba người thợ, mỗi đêm có thể giết mổ cho ra lò hàng trăm con heo sữa. Việc vận chuyển nhỏ lẻ, làm sao kiểm soát hết được…” - một cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch tai xanh đề nghị không nêu tên cho biết.

Heo sữa ướp lạnh đem đi tiêu thị bị bắt giữ

Lật sổ kiểm tra, kể từ ngày dịch bùng phát, lực lượng liên ngành đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển heo từ vùng dịch vượt trạm về các thành phố lớn để tiêu thụ.

Điển hình như vụ phát hiện hàng chục thùng xốp đựng heo sữa đã ướp đá vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3, trên tuyến Quốc lộ 1A, qua địa bàn phường Tân Thạnh, Tp.Tam Kỳ. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành của tỉnh đã phát hiện ô tô tải BKS 92K 3688 do Nguyễn Văn Tuấn (trú xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) điều khiển, chở 940 con heo sữa (hơn 2/3 đã giết thịt) trên đường đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Theo lời khai của lái xe tên Tuấn thì toàn bộ số heo trên được một số người buôn thu gom từ những vùng đang xảy ra dịch tai xanh ở Thăng Bình vào lúc đêm khuya, tập kết tại thị trấn Hà Lam, sau đó thuê xe tải của Tuấn vận chuyển vào TP. HCM tiêu thụ. Toàn bộ số heo sữa trên được thu giữ và tổ chức tiêu huỷ. Đoàn kiểm tra liên ngành lập bien bản và ra quyết định xử lý hành chính lái xe Nguyễn Văn Tuấn 15 triệu đồng.

Trước đó, vào trưa 6/3, tại địa bàn xã Bình An, huyện Thăng Bình, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện 179 con heo sữa có tổng trọng lượng 500 kg đã giết thịt, ướp lạnh bỏ trong 10 thùng xốp, chuẩn bị đưa lên xe ô tô đường dài nhằm hướng Hà Nội tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ.

Đến 11 giờ ngày 9/3, cũng trên tuyến Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Quản Nam đã kiểm tra xe ô tô BKS 92K - 7009, lưu hành theo hướng Bắc Nam, đang vận chuyển trái phép 102 con heo sữa đã giết thịt, được ướp lạnh trong nhiều thùng xốp. Toàn bộ số heo trên bị cơ quan chức năng tịch thu và giao cho chính quyền xã Tam Hiệp tiêu hủy.

Một lò giết mổ heo sữa di động tại Bình Phục, huyện Thăng Bình

Đến khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thú y huyện Quế Sơn và chính quyền xã Quế Xuân 1 đã bắt quả tang bà Nguyễn Thị Thương, trú xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc và Nguyễn Thị Một, trú tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên dùng xe máy vận chuyển 16 con heo từ vùng đang xảy ra dịch tai xanh ở Duy Xuyên vào bán cho ông Nguyễn Em, trú tại thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1 để giết mổ heo sữa đưa đi tiêu thụ.

Theo chính quyền địa phương huyện Quế Sơn cho biết, ông Em là một trong hàng chục ông trùm buôn heo sữa tại chợ Bà Rén. Mỗi ngày, lượng heo mà ông Em cung ứng cho các thành phó lớn như Hà Nội, TP. HCM và cả Lào lên đến hàng trăm con. Ngay lúc bị phát giác, tại chuồng heo nhà ông Em có 115 con heo sữa đang nhốt chờ đưa đi tiêu thụ...

Tình trạng người dân mang heo trong vùng dịch đi tiêu thụ ngày càng nhiều, trong khi đó, chính quyền địa phương tại các ổ dịch ở Quảng Nam lại lơ là trong công tác phòng chống. Việc không kiểm soát hoặc chặn đứng được tình trạng giết mổ heo sữa tại các vùng dịch đưa vào các thành phó lớn tiêu thụ là cực kỳ nguy hiểm.

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang