• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi càn ong ruồi

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 05/03/2009
Ngày cập nhật: 9/3/2009

Nếu đem so với ong mật rừng U Minh thì ong ruồi chỉ thuộc hàng nhãi nhép, không đáng nói tới cả về kích thước ổ lẫn sản lượng mật, nhưng đi ăn ong ruồi có cái thú riêng của nó, nhất là vào những buổi nông nhàn...

Khi lúa vụ đông xuân đã thu hoạch xong, từng bao được cột cứng miệng nằm im như… thóc trong nhà; khi những ao đìa đã được tát cạn nằm tênh hênh phơi đáy, nứt nẻ dưới cái nắng nồng nã của tháng mùa khô; khi vừa ăn Tết xong, tay chân rảnh rang nên ngứa ngáy muốn "mần" một cái gì đó giống như khởi động cho tan lượng mỡ tích tụ sau mấy ngày Tết… tôi bèn rủ rê thằng em: "Ê, đi càn ong ruồi không mậy?". "Đi thì đi, lâu quá không ăn ong, mới nghe nhắc là thấy thèm chảy nước miếng!".

Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Hương vị quê mùa

Thằng em tôi hí hửng xách dao đi mài, chặt thêm tàu lá chuối lót vô cái rổ tre của bà già làm đồ đựng tàng ong. Còn tôi thì khỏi phải đợi phân công, phóng lại đằng tiệm mua một gói Nha Trang. "Vũ khí" như vậy tạm coi là trang bị đầy đủ cho buổi đi càn ong của hai anh em, còn có ổ nào hay không lại là chuyện… hên xui.

Nhớ hồi nhỏ, anh em tôi thường lẽo đẽo theo mấy cậu đi càn ong ruồi. Càn ong tức là đi ăn ong, có lẽ vì "tính chất nhỏ lẻ" và người đi ăn ong thường phải càn vào bụi rậm để kiếm ổ ong. Lúc đó, cậu tôi thường dùng khói rơm con cúi để xua ong, thỉnh thoảng mới "xài sang" vấn điếu thuốc gò để lấy. Lấy xong, mấy cậu cháu ngồi dưới bóng râm của cây trâm bầu chỗ bờ đìa thưởng thức ong non.

Tôi dám cá rằng, ai đã từng ăn ong non thì tới già, tới chết vẫn không thể nào quên được vị béo ngậy của tàng ong non quệt với mật vàng quánh, ngọt lịm ngất ngây cổ họng. Phảng phất xung quanh là mùi thơm của khói rơm con cúi đang nghi ngút cháy. Và nắng. Và gió, hòa quyện với nhau thành một thứ "mật quê" đê mê, quyến rũ…

Khác với ong mật U Minh, ong ruồi chỉ nhỏ cỡ con ruồi (vì vậy nên mới mang tên ong ruồi?!). Đường kính ổ ong ruồi cũng chưa thấy vượt quá ba tấc, thường chỉ bằng hoặc lớn hơn cái dĩa kiểu chút đỉnh. Ong ruồi xây "ngôi nhà" khiêm tốn của mình trong những lùm cây dại ngoài vườn, ngoài vuông, nơi tương đối vắng vẻ, ít người qua lại. Chúng cũng chỉ chọn những cây kèo mảnh khảnh nằm xuôi theo hướng gió, xung quanh là chan hòa nắng. Ổ của chúng được những bụi lứt, chùm gọng, dây giác… che chắn tạo thành bóng râm kín đáo.

Ăn ong ruồi cũng... thành nghề!

Đi càn (ăn) ong ruồi, người ta chọn những ngày nắng gắt, chưa đến mùa trăng. Cũng chẳng phải kiêng kị gì nhưng nếu nhằm những ngày trời râm mát hoặc không nắng thì thế nào cũng bị "chủ nhà" rượt chạy xịt khói; còn những ngày có trăng thì chẳng thể tìm thấy một giọt mật nào trong chiếc ổ.

Muốn kiếm một ổ ong ruồi cũng chẳng phải là việc khó khăn, chỉ cần chịu khó càn vào những nơi rậm rạp một chút, chịu khó lom khom người căng mắt tìm kiếm trong lùm cây thể nào cũng phát hiện được ổ ong nằm nép mình trong đó. Nhặt nhạnh vài nắm cỏ vừa khô, vừa tươi để khi đốt lên có nhiều khói, quấn lại thành bó hoặc chỉ với một điếu thuốc gò là đủ lấy một ổ ong. Người đi ăn ong chọn hướng trên gió, dùng dao khẽ dọn một lối vào, cứ thế mà nhè ngay ổ ong thổi khói vào liên tục, sau đó lấy dao gõ trên cây kèo cho ong bay đi rồi nhanh tay chặt kèo, rút ổ ong ra. Thế là xong! Nghe thật đơn giản nhưng đòi hỏi phải nhanh - gọn và nhẹ nhàng, người lành nghề thì chỉ mất ít phút với vài hơi thuốc là đủng đỉnh mang ổ ong ra, nhưng dân tay ngang đi ăn ong thường lóng nga lóng ngóng hoặc mạnh tay thì lôi ra chỉ có cây kèo còn bọng mật với tàng ong đã rớt lại dưới đất. Bọng mật của ong ruồi nằm ngay phía trên cây kèo (ong mật thì nằm phía dưới kèo nằm về một đầu tàng ong), phía dưới là tàng ong bám vào, thường bọng mật chỉ bằng nắm tay con nít nên chẳng có bao nhiêu mật. Thường một ổ ong ruồi nhiều lắm là hơn nửa xị mật chút đỉnh, còn muốn có một lít mật thì phải kiếm vài ổ may ra mới đủ.

Lúc trước, muốn lấy được một lít mật ong ruồi không phải là chuyện khó lắm, chỉ cần chịu lội lặn một chút. Khi đó còn ruộng, còn vườn, còn bạt ngàn những bờ bụi. Bây giờ đất đai nông thôn ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho những khu công nghiệp, những biệt thự ngất ngưỡng của những người lắm tiền nhiều của chán mớ phồn hoa đô hội nên về nông thôn hưởng thú điền viên, yên ả. Ong ruồi vì thế cũng mất đi những bụi bờ lý tưởng để làm ổ nên muốn đi kiếm một ổ ong ăn "lấy vị" cho đỡ nhớ nhung cái ngày xưa ấy cũng đỏ con mắt chớ chẳng phải chuyện chơi.

Ấy vậy mà gần đây lại xuất hiện cái nghề lấy ong ruồi, những người này không vì mục đích chơi cho vui mà là đem đi bán hẳn hoi. Hằng ngày họ quần nát những bờ bụi còn sót lại kiếm được vài ổ ong, để nguyên như thế đựng trong bọc ni-long mang ra phố bán mỗi ổ vài mươi ngàn đồng.

Có còn giữ được "ngày xưa"?

Hai thằng đi hơn nửa ngày trời, lội rã cặp giò mới kiếm được hai ổ ong ruồi nhỏ xíu, đã vậy còn bị bụp mấy phát vào tay. Vậy cũng đỡ thèm, có còn hơn không. "Bữa nay tổ trác mới bị nó đánh chớ hồi đó mày nhớ không? Một ngày tao lấy cả chục ổ có bị dính phát nào đâu!" - Rứt mấy cây kim ong ruồi nhỏ xíu ra khỏi da, tôi lên mặt chống chế với thằng em mà quên mất nó đã lớn tồng ngồng nên dễ gì dụ khị như hồi xưa được nữa.

Vừa nhồm nhoàm miếng ong non quệt mật vàng óng, thằng em tôi vừa cười hinh hích: "Thôi đi cha nội ơi, nổ vừa vừa thôi, tay nghề ăn ong của ông bị "lụt" lâu rồi! Mà lâu rồi mới ăn lại miếng ong non, đã thiệt!".

Ừ, lâu rồi anh em tôi mới được thưởng thức lại hương vị quê mùa này. Chẳng biết mươi mười lăm năm nữa, con cái của chúng tôi có cơ hội thưởng thức được cái món dân dã này hay không? Không chừng đến lúc ấy, đến mặt mũi cái ổ ong ruồi tròn méo ra sao chúng còn chưa biết, chớ đừng nói gì đến ăn một miếng ong non vừa rứt ra khỏi ổ với giọt mật còn ấm nóng, thơm lừng mùi nắng./.

Bút ký của Lê Minh Nhựt

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang