• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng lương y ở Tam Đảo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 22/02/2009
Ngày cập nhật: 27/2/2009

Nơi núi rừng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bạt ngàn cây xanh, hiện có 126 lương y hành nghề bốc thuốc nam. Họ đa phần là người dân tộc Sán Dìu và sinh sống rải rác ở lưng chừng các dãy núi. Xã Hồ Sơn là xã đông nhất với gần 70 lương y, người dân vẫn quen gọi là “làng lương y”.

Những lương y xóm núi

Con đường từ thị trấn Tam Đảo đi Tây Thiên dạo này đất, đá gập ghềnh, lô nhô vì đang được thi công làm đường. Hai bên đường, thỉnh thoảng có nhà treo biển phòng mạch khám bệnh, bốc thuốc.

Theo lời giới thiệu của một người dân, tôi tìm vào nhà Lương y Trương Hữu Tài ở thôn Đồng Bả (xã Hồ Sơn). Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, trước cửa có treo biển 9 điều y đức của danh y Hải Thượng Lãn Ông và 12 điều y đức của y học ngày nay.

Tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, mái tóc đã điểm bạc nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông bảo: “Mỗi lần cứu sống được một người bệnh là tôi lại cảm thấy trẻ ra mấy tuổi. Gia đình nào có phòng mạch cũng đều treo bảng những điều y đức để khi hành nghề mà tuân theo”.

Tranh thủ lúc nghỉ trưa, ông Tài kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà nội truyền nghề cho. Tính đến tôi cũng là đời thứ chín hành nghề này. Hồi đó, ngày nào tôi cũng được ông bà giáo huấn, không bao giờ được dửng dưng với đau đớn của người bệnh, không được ngại khó, ngại khổ, không vì tiền mà chữa bệnh… Đến bây giờ, tôi đều nhớ như in những gì ông bà đã dạy. Vì thế, những bệnh nhân nghèo khó, tôi đều kê đơn, bốc thuốc miễn phí”.

Chủ tịch Hội Đông y huyện Tam Đảo, ông Nguyễn Công Phượng cũng là một trong những lương y có tiếng ở vùng. Vốn gốc ở Mê Linh (Hà Nội), năm 1957, ông tham gia lính Sư đoàn 351 pháo binh. Không lâu sau, ông kết duyên cùng bà Phó Thị Man, người con gái Sán Dìu.

Ông Phượng nhớ lại: “Mẹ vợ tôi rất giỏi thuốc nam. Trong tất cả các người con, bà chỉ truyền nghề thuốc cho tôi, đến tôi là bảy đời rồi đấy anh ạ”. Mở tủ ra, ông Phượng đưa tôi xem một xấp thư cảm ơn của người bệnh, trong đó có những thư từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Yên Bái, Lạng Sơn… gửi đến.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Lương y Lê Quang Trung đã có kinh nghiệm bốc thuốc hơn chục năm. Anh Trung quan niệm: “Những vị thuốc ở đây là những thứ trên núi, của thiên nhiên nên mình chỉ tốn công đi hái thuốc thôi. Nhiều bệnh nhân vốn nghèo, gia đình lại bị kiệt quệ vì những năm tháng đi cứu chữa nhiều nơi nên chúng tôi giúp họ không hết, lấy tiền họ làm gì”.

Được biết, những lương y nơi đại ngàn này tự đặt ra một số quy định như: Mới hành nghề bốc thuốc tuyệt đối không được lấy tiền thuốc của bệnh nhân, các lương y khác không được lấy tiền khám chữa bệnh… Những quy định đã như là “lệ làng”, ai không tuân theo, trong các cuộc họp của Hội đồng y sẽ bị đem ra khiển trách, kỷ luật.

Nguy cơ thất truyền

Tam Đảo vốn nổi tiếng với những cây thuốc, động vật quý hiếm. Nhưng thời gian gần đây, cùng với nạn săn bắn thú rừng, nhiều cây thuốc, bài thuốc quý đã bị khai thác một cách triệt để. Nếu trước đây người dân chỉ cần đến ven rừng để hái thuốc thì giờ họ phải leo lên tận các đỉnh núi cao, rừng sâu mới tìm được cây thuốc. Cây thuốc ngày càng khan hiếm, một số phòng mạch không thể tự đi lấy thuốc được mà phải mua từ bà con trong bản.

Cũng vì trăn trở với nguy cơ những cây thuốc, bài thuốc quý dần mất đi mà nhiều lương y đã không quản ngại khó khăn lên rừng tìm lại những giống quý đem về trồng và bảo tồn ngay tại vườn nhà mình.

Lương y Trương Hữu Tài cho biết: “Trước đây rừng Tam Đảo có trên 600 loài cây thuốc nhưng nay chỉ còn gần 300 loài. Ngày đó, chỗ nào cũng thấy cây thuốc. Cây thuốc mọc rậm rạp, um tùm nhưng giờ thì tan hoang chỉ còn một ít trong rừng sâu hoặc do các lương y tự trồng”.

Hiện, vườn thuốc nhà ông Tài có diện tích hơn 1 mẫu, nhưng nhiều cây thuốc không thích hợp với đất, cách chăm sóc nên cũng chết dần, chết mòn.

Trước đây, vườn thuốc nhà Lương y Phượng cũng xấp xỉ một mẫu nhưng phần vì dành đất làm đường, xây cất nhà cho con cái… nay cũng “teo” dần. Ông Phượng cho biết: “Năm sáu năm trước, cây thuốc ở vườn trồng được nên không lo thiếu. Thời gian gần đây, đất đai bị thu hẹp, môi trường ô nhiễm nên nhiều cây thuốc đã chết và không tìm được giống trồng lại”.

Nhiều lương y ở chân núi Tam Đảo đang cố gắng tự bảo tồn những cây thuốc quý trong vườn, nhưng theo họ, nguy cơ thất truyền những cây thuốc, bài thuốc hay đang là điều đáng lo ngại.

Các nhà khoa học Viện Dược liệu đã xác định được 134 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng. Viện đang nhân trồng được 65 loài tại các vườn dược liệu trên toàn quốc và trong ngân hàng hạt. Trong số 134 loài được coi là có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta, được chia làm ba nhóm: Nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) có 18 loài như: ba gạc hoa đỏ, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng liên...; nhóm nguy cấp (EN) có 42 loài như sâm Ngọc Linh, mã đâu linh, hoàng tinh vòng... vốn không thật hiếm song đã bị khai thác kiệt quệ, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chúng sẽ chuyển sang nhóm cực kỳ nguy cấp; 74 loài còn lại được xếp ở dạng sẽ bị nguy cấp (VU) như hà thủ ô đỏ, đẳng sâm... Đây là các loài vốn có nhiều nhưng bị khai thác tàn phá hết sức nghiêm trọng.

Kỳ Ninh (SGGP 12G)

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang