• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hai lúa sắm xe hơi chở bệnh nhân miễn phí

Nguồn tin: Lao Động, 18/02/2009
Ngày cập nhật: 18/2/2009

Với người nông dân lam lũ, phải lao động "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới làm ra được đồng tiền; vì thế, với một số "Hai lúa", tiền chỉ đứng hàng thứ hai sau con cháu trong danh sách "bảo bối cuộc đời".

Người dân xã Đào Hữu Cảnh chăm sóc chiếc xe cứu thương chuyên dụng, trị giá gần 500 triệu đồng này như con mọn.

Vậy mà ở An Giang, nhiều nông dân lại sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để sắm xe hơi làm... phương tiện chuyển bệnh nhân miễn phí. Thoạt đầu chỉ nhen nhóm ở các vùng sâu, giao thông trắc trở, dần dần lan tỏa khắp tỉnh với con số gần 100 xe, dẫn đầu cả nước về phong trào nông dân tự sắm xe hơi chuyển bệnh nhân từ thiện.

"Xả láng" để giúp đời

Đang ăn cơm, điện thoại di động reo, chỉ kịp hỏi gọn lỏn: "Ở đâu?" là anh Nguyễn Ngọc Lầu bỏ chén cơm phóng xe vào ấp Bình Chánh 2. Em gái ông Lầu giải thích: "Từ ngày tham gia lái xe chuyển bệnh nhân từ thiện của xã Bình Thủy, chuyện đi đứng, ăn ở của anh Hai luôn bất thường như vậy".

Người khai sinh ra mô hình xe chuyển bệnh nhân từ thiện này chính là lão nông Phan Thanh Châu - ấp Bình Đức, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, người được suy tôn là "ông Ba từ thiện".

Chuyện bắt đầu vào năm 1996, sau lần tận mắt nhìn người trong xóm chết vì không được cấp cứu kịp thời, ông Châu vét hết tiền của một đời tích cóp sắm chiếc xe hơi giá hơn 3 lượng vàng tặng cho Hội Chữ thập Đỏ Bình Phú làm xe chuyển bệnh nhân từ thiện. Lúc đó, giao thông ở Bình Phú chưa thông nên chiếc xe được mang đi gửi bên xã Bình Chánh, nơi có con lộ thẳng ra bệnh viện huyện và ông Châu "gánh" luôn khoản xăng dầu nên chỉ đảm đương được cho người dân 2 xã. Thấy chuyện hữu ích, nhiều người hảo tâm tham gia, kẻ góp công, người góp của, mở rộng phạm vi phục vụ sang tận các huyện Thoại Sơn, Châu Thành...

Bất kể nghèo - giàu, có bệnh nặng là được xe phục vụ, vì tất cả từ xăng, xe đến công tài xế đều miễn phí. Ai có khả năng, thì trực tiếp đến ban điều hành đóng góp, không thành viên nào được nhận tiền trong quá trình chuyển bệnh nhân. Thấy xe ông Châu "cải tử" được nhiều căn bệnh ngặt nghèo mà trước đây chỉ biết bó tay, như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não..., ông Nguyễn Văn Hượt - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú) - liền huy động nông dân góp lúa làm theo. Sau vụ lúa đông xuân 1997, Thạnh Mỹ Tây sắm cùng lúc 3 chiếc Daihatsu loại 1,5 tấn rồi trang bị thêm còi hụ, hàn thêm giá đỡ để mắc võng làm xe chuyển bệnh nhân.

"Bà con đã có truyền thống hùn tiền đóng tắc ráng, sắm xe Honda kéo thùng chuyển bệnh nhân từ thập niên 1980, nên dễ dàng chuyển sang đóng góp sắm xe hơi" - ông Hượt "bật mí". Rồi phong trào lan ra toàn huyện. Đến năm 2006, "hai lúa" ở Châu Phú tiếp tục tạo ra bước đột phá khi quyết định sắm xe chuyên dụng.

Ông Võ Văn An - Trưởng ban điều hành cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú - nhớ lại: "Sau khi xin chủ trương, chỉ sau 3 tháng phát động, có 5.873 lượt người đóng góp trên 630 triệu đồng ủng hộ mua xe. Sau đó, mỗi năm các nhà hảo tâm đóng góp hơn 2.500 giạ lúa làm chi phí xăng dầu chuyển bệnh nhân". Cũng với phương thức này, xã Đào Hữu Cảnh sắm xe cấp cứu Hàn Quốc gần 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Bờ - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Châu Phú - cho biết: "Hiện toàn huyện có 19 xe chuyển bệnh nhân từ thiện. Trong đó, có 3 xe chuyên dụng trị giá trên 1,5 tỉ đồng". Phong trào nhanh chóng lan tỏa ra khắp tỉnh. Đến nay, toàn An Giang có đến 84 xe chuyển bệnh nhân miễn phí do nhân dân đóng góp.

Lan toả ngọn lửa nhân ái

Làm việc thiện nguyện, nhưng từ tài xế, bộ phận trực điện thoại cho đến nhóm bảo dưỡng xe... đều lăn xả hết mình. Bất kể mưa - nắng, sớm - tối, xa - gần khi có nhu cầu là họ lên đường. Thậm chí, có trường hợp anh Nguyễn Văn Hàng (xã Đào Hữu Cảnh), ngoài việc tham gia làm tài xế còn bao luôn chi phí xây dựng nhà để xe, phòng trực, điện thắp sáng, điện thoại để tiếp nhận thông tin. Nhờ vậy mà họ đã làm được nhiều điều tưởng chừng như không thể.

Đã một năm trôi qua, nhưng anh Nguyễn Hữu Phước - xã Bình Mỹ - vẫn nhớ như in sự kịp thời của chuyến xe đã cứu người cha 80 tuổi thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc. "Nửa khuya, ba tôi khó thở rồi tím tái toàn thân. Vừa gọi điện, xe đã ào tới đưa thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa An Giang. Thấy cha được cải tử hoàn sinh, tôi gửi tiền càphê, nhưng không ai nhận". Nguyễn Ngọc Bờ - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Châu Phú - tính toán: "Nếu tính theo giá thu của bệnh viện, bình quân mỗi tháng, đội xe chuyển viện trong huyện "tiết kiệm" cho người dân trên 100 triệu đồng. Riêng năm 2008, con số này lên tới trên 1,5 tỉ".

Đó là chưa kể một số trường hợp, nhóm theo xe còn xuất tiền túi hỗ trợ thêm cho bệnh nhân nghèo. Anh Phạm Văn Hòa (Bình Mỹ, Châu Phú) xác nhận: Biết gia cảnh tôi khó khăn, sau khi chở lên tới TPHCM, các anh tài xế còn cho tôi mấy trăm ngàn gọi là ủng hộ tiền cơm trong thời gian nuôi người bệnh". Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Bình Mỹ Bùi Thanh Hướng cho biết thêm: "Có những hôm, đang trên đường về sau chuyến đi dài, nhưng nhận điện, họ lại quay đầu xe tiếp tục cuộc hành trình".

Đó chính là những đóm lửa nhen nhóm cho sự lan tỏa ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng. Thấy tổ xe từ thiện Bình Mỹ phục vụ nhiệt tình, tháng 9.2008, ông Năm Quang (79 tuổi) ở Long Xuyên đã tặng chiếc xe Toyota 7 chỗ trị giá gần 100 triệu đồng để có thêm phương tiện giúp đời.

Không dừng lại ở đó, nhiều y - bác sĩ đang công tác tại các cơ sở lớn cũng tự nguyện không mở phòng mạch tư, dành toàn bộ thời gian ngoài giờ hành chính để theo hỗ trợ các chuyến chuyển bệnh, như: Cán sự Quyện và y sĩ Lý (BVĐK Châu Phú), y sĩ Vệ và y sĩ Xuân (khoa Nội - BVĐK An Giang), bác sĩ Long (BV Nhật Tân - Châu Đốc). Thậm chí, có người chưa có tay nghề, nhưng cảm động trước nghĩa cử này đã lao vào học lấy bằng lái rồi tìm sang địa phương có xe từ thiện xin tham gia. Đó là trường hợp anh Võ Hồng Linh (xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên). Do xã nhà chưa có xe chuyển bệnh nhân, nên sau khi học lái ôtô, hàng ngày anh đi gần 7 cây số sang xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú) để làm tài xế chuyển bệnh nhân.

"Khoảng trống" từ thiện

Bác sĩ Từ Quốc Tuấn - GĐ Sở Y tế An Giang - khẳng định: "Việc nông dân hùn tiền sắm xe chuyển bệnh nhân là rất đáng trân trọng, bởi nó không chỉ thể hiện nét đẹp đạo lý dân tộc: "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", mà còn là sự bổ sung cần thiết cho ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, do chưa được tập hợp, hướng dẫn nên hoạt động này diễn ra một cách tự phát...".

Tiếng là chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị, nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn "tách biệt" với ngành y tế. Thay vì chuyển đến hệ thống y tế gần nhất để được sơ cứu, hướng dẫn, thì họ lại "chạy" theo yêu cầu của gia đình người bệnh. Vì vậy, nhiều trường hợp, bệnh không nặng, nhưng lại chuyển lên tuyến tỉnh, thậm chí lên TPHCM. Bác sĩ Tuấn bức xúc: Trong điều trị bệnh, sớm một vài phút là có thể cứu được một mạng sống. Nhưng nếu chỉ làm bằng cảm quan, hoặc tuân thủ theo sự "nóng ruột" của gia đình, nhiều lúc sự chuyển bệnh lẹ làng ấy vô tình lại "làm chậm" đi những ca cần cấp cứu khác... với những hậu quả khó lường. Vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng, kêu gọi liên kết theo dạng trung tâm cứu hộ của ngành y tế, nhưng tiếc là vẫn chưa tìm được tiếng nói chung".

Không dừng lại ở đó. Do phần lớn lấy từ phương tiện giao thông cũ "lên đời", nên phần lớn xe chuyển bệnh nhân thiếu an toàn giao thông. Thế nhưng, nhiều lúc nó lại được điều khiển bởi bác tài "học lỏm". Chuyện đã mấy năm, nhưng mỗi lần nhắc lại nhiều người vẫn chưa hết nghẹt thở.

Do tài xế chính bận việc mà người nhà bệnh nhân lại hối thúc dồn dập nên anh Ngô Văn Cho - thành viên Ban điều hành xe từ thiện xã Thạnh Mỹ Tây - đã "phóng" xe lên Bệnh viện Châu Đốc trong tình trạng không bằng lái, không giấy tờ đăng kiểm... nên bị cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ xe. Trớ trêu thay, cũng vì thiếu liên kết chuyên môn mà nhiều "hai lúa" đã gián tiếp biến xe chuyên dụng trị giá vài trăm triệu đồng thành xe chuyển bệnh nhân thông thường, khi nhiều thiết bị y tế trị giá hàng trăm triệu đồng không phát huy hiệu quả.

Tính từ chiếc xe đầu tiên, mô hình xe chuyển bệnh nhân từ thiện ở An Giang đã có 13 năm hình thành và phát triển. 13 năm, khoảng thời gian đủ để một bé gái trở thành thiếu nữ, vậy mà thời gian dài hoạt động nhân đạo ấy vẫn diễn ra một cách tự phát. Như thế là coi thường lòng nhân ái của nhân dân.

Lục Tùng

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang