• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quà của biển

Nguồn tin: Báo Quảng Nam, 06/02/2009
Ngày cập nhật: 9/2/2009

9 giờ 30 sáng. Sóng xanh. Cát trắng. Nắng vàng. Chút se lạnh của đầu xuân và gió biển. Từng nhóm người túm tụm lại quanh thuyền thúng vừa cập bờ. Cứ ngỡ giờ này những gánh cá nồng tanh mùi biển đã chạy hết về Tam Kỳ sau một đêm chong đèn trên biển. Cá trải dưới đất. Lem luốc cát trên những thân hình trắng nhẫy. Vợ gọi có cá mua về nấu lẩu vì chiều họp bạn bè tại nhà. Minh ngoắt tôi “5 con cá thu, 20 nghìn, mua đại đi! ”. Tươi rói. Ừ, biết đâu mắc rẻ, cứ mua. Bỏ thùng đá, 4 giờ mới chạy về đến nhà, còn tươi. Vợ và mấy bà bạn ồ lên “Trời, chi mà rẻ rứa!”. Sau trận rượu lếch thếch ngoài biển, vào nhà anh Nhựt làm một chai nữa. Anh đãi khách đầu năm cũng bằng cá kho. Thứ cá gì đó giống cá nục nhưng thịt thơm và dai hơn. “Phải ăn hết, tôi mua đó nghe, 2 nghìn một con”. Từ lúc vào tết đến giờ, chưa có trận rượu nào sướng bằng trận này…

Tôi quen anh Nhựt đã mấy năm, qua Minh. Năm ngoái tôi lang thang ở Tắc Pỏ (Nam Trà My), tạt vào một quán bên đường tránh nắng trưa. Chị chủ quán lên đây đã hơn 20 năm, tự giới thiệu là dân quê Tam Tiến (Núi Thành). Tôi hỏi có biết ông Nhựt râu đen và nổi tiếng lý sự không thì chị cười, chỉ thằng con “Nó mới về thăm ông ngoại Nhựt đó”. Hóa ra chị gọi anh bằng cậu. Anh nói: “May có tôi anh mới được mắc võng cho ngủ trưa”. Với tôi, anh là ngư phủ đặc biệt. Thông minh vốn ở tính trời. Cứng cỏi và bản lĩnh. Hay lý sự. Yêu sự thật. Có mấy bài “gài” khách uống tới bến thiệt hay. Mỗi lần gặp, tôi đều tìm cách moi ở anh chuyện biển. Đêm kia nằm nghĩ, ra tết ai cũng phải đi làm lại, bắt đầu giành giật với một năm cơm áo, nghề nào cũng nhọc nhằn cực khổ, nhưng có lẽ biển giã là nặng nề hơn, nên phóng xe về đây. Sau cái họa Chanchu, cứ đi lại trong mình về lòng của biển. Có thật biển phóng khoáng và vô tư như sự bao la cố hữu không? Năm nay dân biển ăn tết khá vì được mùa, giá dầu xuống, lại được khoản trợ cấp tiền dầu Chính phủ rót cuối năm, nên bia 333 hàng quán hết sạch, có đâu như mấy năm uống rượu sưng cả họng. Ngồi quanh bàn nhậu, anh em bảo là có. So với nghề nông, người ở biển sướng hơn nhiều. Quà của biển gần như là biệt đãi, quanh năm suốt tháng không một chút cân đo. Ở đâu không biết, chứ vùng Tam Tiến này, chắc chắn là cái ăn không lo. Công đoạn con cá đến tay người dùng đâu chỉ ngắn ngủi là đánh được và bán, đâu chỉ có ngư dân và người ăn hưởng lợi. Họ thuyết minh cho tôi: Anh đi làm công, ngoài giờ rỗi, thiên hạ ngủ, anh có thể câu thêm cá và mực, để riêng, kiếm ít tiền. Cá vào bờ sẽ có 3 nhóm thực hiện. Có người chỉ chơi món bơi thúng ra thuyền mua cá, mực lẻ đưa vào kiếm lời. Thuyền tấp vào là thương lái sẽ thuê người gánh chạy qua bãi cát dài quýnh chân, một gánh tiền công 4 nghìn. Chưa hết. Cá lên mẹt không phải đổ lộn xộn mà có đội quân sắp đặt đầu đuôi cho bắt mắt, tiền công 2 nghìn/rổ. Việc này ai cũng làm được. Thanh niên dưới này đâu không sợ thất nghiệp vì thuyền luôn cần lao động. Chiều lên thuyền, sáng vào, có trăm nghìn tiêu xài…

Anh Nhựt bước lên thuyền năm 13 tuổi, nay đã chạm tuổi ngũ thập. Biến cố sinh tử đời ngư phủ chưa một lần đến với anh. Chỉ một lần vào năm 1999, cả đoàn suýt nữa toi mạng vùng cửa Thuận An (Huế) vì bão bất ngờ, nhưng anh thì cập bờ an toàn trước. Duyên do là anh đã xác định được hướng ngay từ đầu, nên điều khiển thuyền chạy trúng đích. “Tôi không qua trường lớp mô hết, chỉ kinh nghiệm thôi. Thuở trước đây, phương tiện cho người đi biển, giỏi lắm thì có la bàn, sau này có thêm bộ đàm. Trước nữa là kinh nghiệm dân gian, đó là cách nhìn sao trời của cha ông mà đoán hướng gió và đất liền. Bây giờ thì có thêm người bạn thật tốt trong mọi tình huống là máy định vị”. Sức biển và sức người. Lòng biển và lòng người. Sự vô tư của biển và nghiệt ngã phận người. Biển có thật rộng rãi với người không? “Có, biển đãi người rộng rãi lắm”. “Nhưng biển lấy đi lại của người cũng không ít. Anh có nghĩ sống chết với biển là định mệnh không?”. Có quá nhiều con số và câu chuyện tang thương phận người trên biển, thậm chí có người một lần thoát chết, tuyên bố bỏ hẳn thuyền, chạy vào Đắc Lắc làm cà phê, thế nhưng sau đó trời xui đất khiến quay về đi biển lại, chết vì bão. “Tôi không đồng ý là định mệnh, tuy nhiên đi biển sự mau mắn là trên hết. Tất cả là do lòng người tham lam. Tàu xa bờ ư? Tàu có lớn hơn sóng, máy có khỏe hơn bão tố không? Không có thứ gì mạnh hơn biển đâu. Tôi luôn cho rằng, đi biển thì câu đầu tiên cần phải biết là “ta là ai”. Hãy lượng sức mình. Hãy tỉnh táo trước khi xuống thuyền. Nhiều người chết trên biển là do tham quá, đã biết gió lớn mà vẫn ráng kiếm thêm chút đỉnh, tiếc mấy trăm nghìn tiền dầu, đến khi nó ập đến thì bó tay chịu chết. Đi biển là đi cả đời, đâu phải một hai bữa. Có ông nói tôi: Đêm qua ngủ mơ thấy có ông già nói mai mi mà đi, tau tát nước ướt hết. Thôi, mai nghỉ. Ừ, thì nghỉ. Rứa mà mai ổng thấy họ đi hết, cũng xách chèo chạy theo. Y như thật. Gió lớn, chặt lưới chạy không kịp ”.

Có thật lòng biển thật rộng rãi và bao la không? Tôi không biết. Tôi luôn nghĩ về họ, những phận ngư phủ một đời đánh đu với sóng vì áo cơm, luôn đi về trong tôi hình ảnh ông già Santiago trong “Ngư ông và biển cả” của Hemingway với kết quả hàng giờ chiến đấu là bộ xương cá khổng lồ. Anh Nhựt tổng kết một câu như triết gia: “Hãy hiểu biển như vợ. Lúc dịu dàng thì dễ thương. Lúc nổi giận thì khác gì bão tố. Hãy luôn nhớ điều đó”.

Ghi chép của LÊ TRUNG VIỆT

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang