• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một nghề cũng lắm công phu

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 28/1/2009
Ngày cập nhật: 30/1/2009

Bán buôn cũng có trăm nghề, anh Thảo nhà ở tổ 3A, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) đã chọn nghề độc - nghề buôn trâu - mà theo cách nói dân gian là "lái trâu".

Cũng nhờ cái nghề độc này mà tiếng tăm anh lừng lẫy, chí ít cũng là phạm vi huyện Bảo Yên. Nổi tiếng là lái to, hành nghề nhiều năm, đường buôn dài, nổi tiếng vì sự "ăn nên làm ra" và anh nổi tiếng bởi việc… đột ngột bỏ nghề. Bà hàng xén chỉ tay về con phố trước mặt: "Các anh cứ đi thêm vài trăm mét. Bên phải. To, đẹp nhất là nhà lái Thảo". Quả thực, dinh cơ nguy nga của lái Thảo choán cả một khúc cua của dãy phố. Mở cửa cái xoạch. Anh lái trâu hồi nào giờ đang tĩnh tại trên trường kỷ lơ mơ nhả khói thuốc lào trong phòng khách thênh thang với những tiện nghi bóng lộn. "Mình giải nghệ rồi, nhưng chẳng quên thứ gì", anh phấn chấn.

Cách đây hơn chục năm về trước, lái Thảo còn là một trong những lái trâu không tên tuổi ở đất Bảo Yên. Cưỡi chiếc Minsk khắp xã này, làng nọ nhưng do vốn ít nên cả tháng cũng chỉ buôn (có khi là nước bọt) được dăm, ba con trâu gầy. Lúc lãi bù khi lỗ, tính ra mấy năm trời lưng vốn vẫn chỉ là chiếc xe máy cà tàng. Rồi chẳng biết run rủi thế nào mà ông trời cho lái Thảo gặp mấy ông ở Hải Phòng lên miền rừng tìm mua trâu chọi. Tìm trâu chọi rất tỷ mỷ và vô cùng khó khăn nhưng lại kiếm được tiền nhiều. Chỉ làm mỗi cái việc tìm 3 con trâu chọi mà anh Thảo kiếm được vài chục triệu làm lưng vốn sau này. Lái Thảo tâm sự: Đất Bảo Yên được nhiều người Hải Phòng lên tìm trâu nhất. Trâu ở Long Khánh, Long Phúc, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến thường có mình to, khoẻ. Trâu thả rông trên rừng đậm chất hoang dã hơn trâu chăn thả ngoài đồng. Nài trâu chọi Đồ Sơn chỉ chấp nhận những trâu 6 đến 7 tuổi vì đây là độ sung sức nhất của đời chú ngưu đực. Kinh nghiệm để tính tuổi chính xác của trâu thì lái Thảo có thừa. Đến 3 tuổi trâu thay 1 đôi răng, 4 tuổi thay 2 đôi, cứ như thế đến 6 tuổi thì trâu thay hết cả hàm răng 8 chiếc. Từ đây về cuối đời, răng trâu chỉ có mòn đi, trâu già có hàm răng mòn vẹt.

Làm quen với dân nài trâu chọi Đồ Sơn, lái Thảo mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Trâu chọi phải là con đực, sừng cong hình cánh cung, trâu mình trắm, chân trước thấp hơn chân sau, mình trường, mõm ngắn, da càng màu mốc càng tốt. Để trâu chọi được giá thì lông phải cứng như sợi cước, mắt trâu chọi có màu đỏ hoặc hồng tía, trâu nhìn dữ dằn. Nếu tìm được con trâu có thêm ức rộng, cổ tròn và dài (trâu cổ cò), lưng dày, háng rộng càng tốt. Tuy nhiên, khó nhất là tìm được con có "4 khoáy đóng chuồng" với hai khoáy tiền treo trên đùi trước và hai khoáy hậu tụt xuống phía khoeo (tiền treo, hậu trễ) là tuyệt hảo. Trong đời lái trâu của mình, lái Thảo đã may mắn kiếm được 1 con như vậy và nghiệp bán buôn của anh chính thức đi lên từ đấy.

Có khi đi cả tháng, khắp các huyện trong tỉnh và sang đến cả Hà Giang mới chọn được 1 trâu chọi mà nài to của Đồ Sơn ưng ý. Hàng trăm, thậm chí cả ngàn con mới kiếm được 1 chú có đủ tiêu chuẩn. Vậy là có lưng vốn, lái Thảo quyết định mở đường buôn trâu từ Bảo Yên tới các lò mổ tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Không những thế, lái Thảo còn nhận cả việc thuê mổ, bán thịt trâu ngay tại các lò gia súc này. Anh tâm sự: "Lò mổ ở đây lớn lắm, riêng 30 con trâu của mình chỉ một đêm là thịt đi đằng thịt, da đi đằng da. Gần chục tấn thịt bán buôn tại lò chỉ lúc sau là hết veo". Ban đầu chỉ 1- 2 chuyến, dần dà lái Thảo có 6-7 chuyến trong một tháng và duy trì trong 6-7 năm liền. Mỗi chuyến ô tô, anh Thảo nhốt trâu thành 2 tầng trên thùng bệ, đủ 30 trâu mới bõ chuyến. Trâu miền rừng vừa khoẻ lại dai sức chịu đựng, hơn 2 ngàn cây số nhưng xe chỉ nghỉ cho trâu ăn, uống nước 2 lần. Kinh nghiệm của lái Thảo là không cho trâu ăn cỏ dọc đường mà cho ăn mía, như thế trâu vừa đỡ khát lại bền sức, không hao thịt.

Gần 10 năm buôn trâu đường dài, anh Thảo trở thành lái to nhất của huyện Bảo Yên. Có một thời gian dài, lái Thảo thâu tóm gần như toàn bộ nguồn trâu xuất chuồng của huyện thông qua việc mua lại của các lái đầu mối. Lượng trâu trên địa bàn không đủ, anh còn gom hàng từ lái trâu các huyện khác, như Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà và sang tận Hà Giang. Hàng nhiều như vậy nhưng chưa bao giờ lái Thảo lo ế hàng. Thực ra lái Thảo mới là cỡ khách hàng trung bình của các lò mổ hạng vừa và nhỏ ở phía Nam. Có một "ước mơ cháy bỏng" mà trong cả nghiệp lái trâu của mình anh chưa bao giờ thực hiện được là được đổ hàng vào lò của Công ty thực phẩm Vissan tại thành phố Hồ Chí Minh.

Không phải vì hàng không đạt tiêu chuẩn mà không đủ để đứng trong danh sách của Vissan, vì mỗi ngày công ty này hoá kiếp hàng ngàn con trâu, bò. Thời kỳ cao điểm, tính ra mỗi tháng lái Thảo chuyển trâu từ Bảo Yên vào miền Nam 200 đến 250 con. Càng làm lâu năm kinh nghiệm "cân trâu" càng sát. Chả thế mà sau 3 năm "rửa tay gác kiếm" lái Thảo vẫn hùng hồn tuyên bố chỉ liếc mắt qua cũng biết con trâu đó có bao nhiêu cân thịt với sai số chỉ là 3 đến 5 kg.

Đến đây thì băn khoăn của chúng tôi vẫn là đang ăn nên làm ra, sao lái Thảo lại "giải nghệ"? Bỗng nhiên có phút suy tư, trầm mặc như nỗi đau giằng xé. Hồi lâu lưỡng lự, lái Thảo tiếp: Chuyến hàng cuối cùng trong đời lái trâu của anh đến một cách rất tự nhiên. Con trâu nái trong lượt cuối cùng của chuyến hàng không lồng lộn trước khi bị lột da. Hai hàng nước mắt tuôn rơi trong tiếng đe, tiếng dao, tiếng búa chan chát của lò mổ. Gần 10 ngàn con trâu được lái Thảo đưa từ Bắc vô đây, nhưng anh chưa thấy trâu có nước mắt bao giờ, nó ám ảnh anh suốt chặng đường về. Và lúc biết con trâu nái kia là của gia đình nhà nọ ở Bảo Yên, vì khó khăn nên khi nghé con vừa biết gặm cỏ đã phải bán trâu mẹ, thì lái Thảo quyết định bỏ nghề ngay.

"Mình dồn tiền mua mấy máy xúc cho thuê làm công trình. Cả ngày ngồi hút thuốc lào vặt, nước chè đặc và chơi cờ". Có thể nhiều người cho rằng lái Thảo dại, ai lại động lòng trước cả "kiếp trâu, ngựa" bao giờ. Chúng tôi thì nghĩ khác, đó là sự thức dậy của lương tri, sự hữu hạn trong mỗi con người.

Cao Cường

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang