• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghề bắt hàu ở Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Nguồn tin: Khánh Hòa, 17/12/2008
Ngày cập nhật: 18/12/2008

Người phụ nữ cúi mình trong nước, bặm môi, lùa sâu 2 tay xuống dòng nước lạnh rồi dùng sức nạy con hàu bám chặt trên thân đước và bỏ vào ghe. Cứ như vậy, mỗi ngày, dì Hai (làng Hà Liên - xã Ninh Hà - Ninh Hòa) lại bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng, lúc con nước xuống cho đến tận khi con nước lên…

Phải đến lần thứ tư ghé nhà, chúng tôi mới gặp được dì Hai (tên thật là Nguyễn Thị Hưng). Tuy ngoài 50 tuổi nhưng trông dì Hai còn rất nhanh nhẹn. “Cái nghề này phụ thuộc vào con nước, hễ nước xuống là tôi phải đi ngay kẻo không kịp” - dì Hai giải thích với chúng tôi. Theo lời hẹn với dì Hai, 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại làng Hà Liên để cùng dì đi bắt hàu. Con thuyền câu bé xíu chở 3 người men theo sông Gò Trạm ra khu vực đầm Nha Phu. “Nghề này là vậy, lúc con nước xuống phải tranh thủ đi ngay. Vì không biết lặn nên có hôm tôi phải đi từ 1 - 2 giờ sáng. Lạnh cắt da cắt thịt nhưng cũng phải ráng” - vừa chèo ghe, dì Hai vừa kể. Làm nghề này chỉ được lúc nước xuống; khi con nước lên, nước chảy xiết, chẳng ai dám mạo hiểm. Ngoài ra, làm một tuần cũng phải nghỉ một tuần… Dụng cụ để bắt hàu của dì Hai chỉ là cái búa, mũi de, con dao dày và chiếc mặt nạ lặn. Thực ra, để bắt hàu có nhiều cách: lặn xuống nước nạy ra; dùng chân rà dưới đáy rồi gắp lên; dùng búa, dao dày (hoặc mũi de) đục vào đá để nạy ra mà không bị hư hoặc bể vỏ. Nhưng do không biết lặn nên dì Hai luôn phải ngâm mình trong nước cả buổi cho đến lúc nước dâng lên tận cổ mới thôi.

Trên đường ra đầm, dì tranh thủ nhìn hàng đước dọc bờ sông. Tới gần một bụi đước, dì bảo chúng tôi ngồi cho vững, rồi dì - một tay cầm búa, một tay cầm mũi de, xuống nước, thoăn thoắt đục từng con hàu bỏ lên ghe. “Đám hàu này tui “nuôi” cách đây 2 tuần rồi, bây giờ chắc chắn chúng đã lớn”, dì trả lời khi chúng tôi thắc mắc vì sao dì biết ở đây có hàu. “Nuôi” có nghĩa là trong quá trình đi bắt, dì đã để ý kỹ vị trí hàu sống, kích cỡ của chúng, rồi áng chừng đến thời hạn là tấp ghe vào bắt, vừa tiết kiệm thời gian vừa đỡ tốn công tìm kiếm. Ra đến ven đầm Nha Phu, dì Hai lại xuống nước, cẩn thận bước từng bước, chốc chốc lại dùng chân gắp lên một con hàu sần sùi, to có, nhỏ có. Con nào nhỏ quá, dì lại thả xuống. Vừa bắt hàu dì vừa tâm sự: Sinh trưởng trong gia đình có cha là liệt sĩ, thời con gái, dì Hai cũng học bổ túc văn hóa rồi tham gia dạy xóa mù chữ ở các xã vùng sâu vùng xa, nhưng chẳng được bao lâu. Từ ngày chồng mất (khi đó con còn chưa thôi nôi, dì mới hơn 30 tuổi), một mình dì phải làm đủ việc để nuôi con. Gần đây, nghe người ta chỉ, dì thử đi bắt hàu. Lúc mới vào nghề, không có kinh nghiệm nên mỗi chuyến dì không kiếm được là bao, đã vậy còn bị hàu cắt chảy máu. Dì cho chúng tôi xem lòng bàn tay, bàn chân chai sần vì bị hàu cắt đến không còn biết đâu là vân tay, đâu là sẹo. Người trong làng thường gọi vui là “bản đồ”. Chuyện “đổ máu” thường xảy ra đến nỗi dì cũng chẳng quan tâm nữa, nguồn nước lợ trong đầm chính là “thuốc khử trùng” tốt nhất! Dì chỉ lo tần tảo bắt hàu nuôi con. Khi cu Tý mới 4 tuổi, nhiều đêm, mới 1 giờ sáng, dì phải liều để con ngủ ở nhà một mình để đi bắt hàu. “Nghề này tuy vất vả nhưng cũng giúp tôi nuôi được con, làm được cái nhà cấp 4 che nắng che mưa”, dì Hai khoe. Dù vậy, đây vẫn là nghề cho thu nhập bấp bênh do phụ thuộc vào con nước. Trúng mùa (tháng 1 - 3 và tháng 7 - 11 âm lịch) mỗi chuyến còn kiếm được kha khá, vậy mà cũng có khi về không. Còn khi trái mùa, dì Hai phải đi vớt rong qua ngày. Do vất vả nên dân làng Hà Liên chẳng mấy ai mặn mà với nghề này, họ chỉ làm khi rảnh rỗi. Ngoài dì Hai, ở làng Hà Liên còn có bà Sáu đã trên 70 tuổi nhưng vẫn bám nghề để phụ giúp gia đình…

Sau 5 giờ, dì Hai chỉ bắt được khoảng 10kg. Thấy chúng tôi ái ngại, dì phân trần: “Mùa này bắt được thế này là nhiều rồi”. Hàu là loại động vật rộng nhiệt, rộng muối, sống bám trên nền đá, vách đá ven bờ biển hoặc các cửa sông, nơi có dòng chảy hoặc thủy triều thường xuyên lên xuống, có độ mặn dao động từ 12 - 35ppt (phần nghìn). Ở huyện Ninh Hòa, hàu tập trung ở các xã ven đầm Nha Phu như: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà và Ninh Phú nhưng không nhiều. Hàu bắt lên giữ sống được khoảng 24 giờ vào mùa lạnh và 15 giờ vào mùa nắng nóng. Để phân biệt, người dân ở đây còn tự đặt tên cho hàu: hàu bám vào gốc đước gọi là hàu đước, hàu trong mé đá gọi là hàu de… Giá trị nhất là hàu sữa (còn gọi là hàu muỗng) thường tập trung ở giữa lạch. Ở thôn Tam Ích (Ninh Ích), dân còn dùng vỏ hàu làm nền nhà. Những năm trước, khi đầm còn nhiều hàu, nhiều người dân thôn Tam Ích cũng làm nghề này. Nhưng những năm gần đây, lượng hàu giảm đáng kể, nhiều người dân chuyển nghề khác, chỉ còn vài người theo nghề. Anh Thanh (thôn Tam Ích - Ninh Ích) than thở: “Cách đây 10 năm, tôi có thể nuôi cả gia đình 4 người nhờ nghề bắt hàu. Nhưng giờ tôi phải đi biển; chỉ khi đến mùa tôi mới đi bắt hàu nhưng cũng chẳng được là bao. Nghe nói ở Vũng Tàu người ta đã nuôi được hàu rồi. Người dân ven đầm Nha Phu cũng nuôi được hàu thì đỡ khổ biết bao”.

NHÃ UYÊN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang