• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Vườn cò đang kêu cứu!

Nguồn tin: Cần Thơ, 23/11/2008
Ngày cập nhật: 4/12/2008

Vườn chim, cò ở ĐBSCL là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn, thu hút nhiều khách phương xa đến tham quan, chiêm ngưỡng, đặc biệt là được nhân dân và chính quyền các địa phương ủng hộ. Nhưng, các vườn du lịch này đang bị đe dọa bởi tình trạng săn bắt chim, cò bừa bãi...

Vườn cò sinh thái

Cò về vườn Bằng Lăng khi chiều xuống, ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 21-11-2008. Ảnh: H.V

Rời quốc lộ 91 bên chân cầu Mống (cách Rạch Sỏi, TP Rạch Giá, Kiên Giang 7 cây số), chúng tôi đi theo con lộ nhỏ đến Vườn cò Phước Chung (xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Đến đây khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi đứng cách vườn cò khoảng 100m mà đã nghe tiếng cò kêu râm ran khắp khu vườn. Thằng bé, cháu chủ vườn cò thấy chúng tôi đến, nhanh chân bước theo, giải thích: “Giác này còn vậy (tiếng kêu của cò) chớ chừng 5 giờ chiều tới 5 giờ sáng thì ì xèo tiếng chim và chúng bay trắng trời”.

Chị Trần Kim Phượng, vợ chủ vườn cò Phước Chung, cho biết, vườn mới đưa vào khai thác du lịch khoảng 5 năm nay, sau khi chồng chị - anh Quách Thanh Hồng mua miếng đất rộng 5 ha, trồng tràm, cây bình bát. Cái tên vườn cò Phước Chung cũng ra đời và tồn tại cũng ngần ấy thời gian. Chị Kim Phượng nói: “Trước đây, miếng đất này toàn là cây tràm nên cò về ở nhiều lắm. Chính vì vậy mà tràm mỗi ngày một tàn lụi. Để giữ cò, anh Hồng chia mảnh đất làm hai lô, một lô gầy lại tràm nội địa, lô kia trồng rặt bình bát. Vì bình bát là loại cây rất thích hợp cho cò ở, nhất là nó chịu được phân cò. Cây xanh tốt vừa giữ chân cò, vừa giúp chúng ngày càng sinh sôi nảy nở”.

Đến nay, vườn cò Phước Chung của vợ chồng anh Hồng, chị Phượng đã có trên 15 ngàn con. Trong đó có cả cồng cộc, bồ nông, diệc, diệc lửa, diệc mốc, trích, trích cồ, trích ré, cúm núm, bìm bịp, vạc... Vườn cò Phước Chung là vườn chim hiếm hoi của tỉnh Kiên Giang, thu hút khách từ các địa phương lân cận như Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang), Hà Tiên, đông nhất là thành phố Rạch Giá... Để thu hút thêm khách, năm nào anh Hồng cũng cải tạo, nâng cấp vườn, tốn phí chừng 5 tới 10 triệu đồng. Năm 2009, anh sẽ bắt tay xây dựng nơi đây thành vườn du lịch sinh thái, có đài quan sát cò cho du khách...

Vườn cò Bằng Lăng (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng là một sân chim nổi tiếng, khu du lịch sinh thái độc đáo ở TP Cần Thơ. Người chủ vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, ngụ tại ấp Thới An, xã Thới Thuận.

Trước kia, vườn cò là ruộng lúa thuộc gia đình ông Thuyền, được bao quanh bởi các hàng xoài, dừa... Vào năm 1983, có vài trăm con cò về đây cư ngụ. Vốn bản tính yêu thích thiên nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thuyền không xua đuổi hay săn bắt cò, ông nói: “Đất có lành, chim mới đậu. Bảo vệ loài cò tức là tôi đã góp phần bảo vệ thiên nhiên. Từ đó, tôi quyết tâm xây dựng khu đất này thành vườn cò. Đồng thời, tôi cũng muốn mọi người biết đến xứ sở quê tôi vẫn còn có thắng cảnh vườn cò Bằng Lăng, nơi vui chơi, giải trí lành mạnh”.

Đến năm 1994, số lượng cò về ngày càng nhiều. Chim, cò bắt đầu xây tổ nên cây cối chết dần. Trước tình hình đó, ông bàn bạc cùng vợ con đào ao nuôi cá làm thức ăn cho cò, trồng thêm cây cho chúng cư trú. Dưới sự miệt mài chăm sóc của gia đình ông, cây cối trong vườn xanh tốt, lượng cò rủ nhau về và sinh sản trên phần đất này ngày càng nhiều hơn. Đến nay, vườn cò Bằng Lăng đã có trên 300.000 con với gần 20 chủng loại: cò quắm, cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò rán, cò lép, cò đúm, cò sen, cò nhạn. Các loại “bạn cò” có: cồng cộc, bạc má, điên điển, bồ nông, bìm bịp... Nhiều nhất vẫn là cò cá, cò ruồi, cò ma. Trung bình mỗi năm cò đẻ ba đợt, mỗi đợt có khoảng 100.000 ổ, mỗi ổ có từ 2-4 trứng.

Ông Thuyền nói: “Điều kỳ lạ là cò chỉ thích quanh quẩn trong “ngôi nhà xanh” mà tôi đã cố công vun đắp cho chúng, chứ tuyệt nhiên không “xâm phạm” sang các khu vườn kế cận khác, mặc dù điều kiện sống cũng giống nhau. Vào mỗi buổi chiều, nếu đứng trên chòi cao quan sát đàn cò trắng bay về nơi cư trú, màu trắng của đàn cò lấn át cả màu xanh của lá. Hàng ngày, vườn cò của tôi tiếp rất nhiều khách du lịch từ các địa phương khác đến tham quan, có cả khách du lịch nước ngoài. Hiện nay, điều lo lắng của tôi là tình trạng bẫy bắt cò ngày càng nhiều. Nếu tình trạng này còn tồn tại thì tương lai lượng cò về vườn sẽ ít lại”.

Săn bắt bừa bãi

Trồng cây, bảo vệ vườn, giữ chân cò là việc làm của chủ vườn cò làm khách du lịch như chúng tôi rất cảm kích. Tuy nhiên, bắt cò làm nhiều món nhậu cho khách khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc, vì với các món nhậu như thế sẽ làm đàn cò - loài động vật hoang dã này thưa dần... Ở vườn cò Phước Chung, rải rác dọc theo các lối đi là 11 tum lá, sàn lót vạt tre xây cất khá đẹp mắt. Khách có thể ghé vào, xếp bằng tròn trên chiếu chờ thưởng thức những đặc sản cò. Chị Phượng, chủ vườn cò “tiếp thị” với chúng tôi những món cò ướp chao chiên, cò chiên hoặc khìa, cò xào củ hành, cò nấu cháo đậu xanh, cò sống để khách mua đem về... Lý giải cho việc “tàn sát” cò của mình, anh Hồng, chủ vườn cò Phước Chung, nói: “Từ tháng giêng tới tháng 5 là cò đẻ nhiều lắm. Cò đẻ một ổ tối đa 3 con. Chỉ cần bị phá ổ một lần, cò dứt khoát dời đi chỗ khác, không bao giờ về làm ổ trên cây đó nữa. Vì vậy, những cây nào yên ổn thì cò rủ nhau về làm tổ rất đông. Nhưng bí quyết bắt cò là phải biết bắt vào lúc nào để không động ổ. Đó là vào lúc 9 giờ sáng tới 1 giờ trưa. Thời điểm này cò đi ăn, bắt con sẽ không bị động đến chúng. Ổ cò có 3 con, bắt 2 con, chừa 1 con. Việc này giúp cò mẹ có điều kiện nuôi con tốt, còn nhằm “giảm tải” cho cây”. Chúng tôi thì nghĩ ngược lại, việc làm này sẽ góp phần tiêu diệt loài động vật hoang dã này.

Còn ở vườn cò Bằng Lăng, tình trạng dùng bẫy lưới bắt cò của người dân địa phương thường xuyên diễn ra. Theo người nhà ông Thuyền, mỗi buổi sáng cò đi kiếm ăn và có con bị mắc bẫy. Đó là những cái bẫy lưới dài hàng chục mét được giăng trên ruộng lúa... Người giăng lưới dùng vài con “cò mồi” để nhử đàn cò đến bẫy. Ông Thuyền cho biết: “Có hôm, gia đình tôi đi tháo gỡ những con cò bị mắc lưới. Tôi đã nhiều lần khuyên bà con xung quanh không nên bẫy cò và giải thích cho họ biết dùng lưới bắt cò là tiêu diệt động vật hoang dã nhưng họ không nghe, vẫn thản nhiên bắt cò đem bán”.

Ngoài việc bẫy cò, theo ông Thuyền, một số người dân còn dùng cả thuốc độc tẩm vào thức ăn rồi rải khắp bờ ruộng. Ông Thuyền nói “Có hôm cò ăn phải thức ăn tẩm thuốc độc, một số con chết tại chỗ, nhiều con bay về vườn thì đuối sức rũ cánh chết tức tưởi, nằm vất vưởng trên cây. Khi ấy gia đình tôi phải bưng thúng rảo quanh vườn để đi lượm xác cò”.

Khi đêm đến, họ còn dùng đèn “ắc quy”, luồn lách trong ruộng lúa để “chụp” chim cò. Hoặc dùng thuốc Furadan trộn cá con rải dọc theo các vũng nước cạnh bờ mương, đìa hoặc dùng máy cassette phát những tiếng kêu mô phỏng tiếng các loài chim. Khi nghe những âm thanh này, cò tưởng tiếng bạn tình gọi, bay đến và bị sập bẫy ngay. Ông Thuyền cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần báo với chính quyền địa phương về tình trạng bẫy cò, chính quyền địa phương cũng xuống ngăn chặn một vài lần. Nhưng khi chính quyền đi thì mọi chuyện vẫn như cũ”.

Ông Ngô Hùng Dũng, Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Chế biến nông sản TP Cần Thơ (cơ quan quản lý động vật hoang dã), cho biết: “Cò không phải là động vật hoang dã nằm trong danh mục quý hiếm, cấm săn bắt. Tuy nhiên, mọi người dân cần có ý thức hạn chế săn bắt chúng, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái. Các chủ vườn cò cũng cần liên hệ với các ngành chức năng để được hỗ trợ trong việc chăm sóc, bảo tồn loài động vật này. Đặc biệt cần có biện pháp phòng trị, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xảy ra ở đàn cò, lây lan sang gia cầm, người, nhất là khách tham quan”.

Rời Vườn cò Phước Chung, Bằng Lăng, trên đường về nhà, tâm trạng của chúng tôi cũng chứa chan bao điều suy nghĩ về việc bán cò con, săn bắt cò như thế. Tình trạng này sẽ làm cạn kiệt đi nguồn chim, cò ở vùng sông nước ĐBSCL. Đặc biệt là môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên về vườn cò sẽ không còn tồn tại trong tương lai. Thiết nghĩ, các địa phương cần có biện pháp kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn tình trạng này, để vườn cò - khu du lịch sinh thái - mang đậm bản sắc vùng quê Nam bộ.

P. KIỀU - H.VĂN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang