• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi săn “Tó khum”

Nguồn tin: Nông Nghiệp Việt Nam, 25/11/2008
Ngày cập nhật: 28/11/2008

Năn nỉ mãi, tôi mới được đội săn “Tó khum” (ong đất) cho đi theo. Ba ngày ba đêm xuyên rừng thẳm, mới vỡ lẽ để kiếm được chút “đặc sản” cho thượng khách, biết bao người phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”...

Thả mồi săn ong

So về đồ nghề đi săn trong rừng thì đồ nghề của thợ săn ong đất được xếp đầu bảng về mức độ lỉnh kỉnh và lặt vặt. Ngoài những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu khi đi dài ngày trong rừng, mỗi thợ săn phải có 3 bộ quần áo vải thật dày và một bộ quần áo mưa; bốn đôi găng tay, loại chuyên dùng để rửa bát đũa vào mùa đông; một đôi ủng; hai ống tre có chu vi 8 cm đến 9 cm và dài 30 cm.

Kèm theo những chiếc túi lưới dài rộng đều 50 cm, loại dùng để làm vách ngăn chạn đựng bát; cuốc, xẻng, dao, xà beng, đèn pin và một chiếc gùi; những chú dế mèn hay cào cào làm mồi nhử ong; một cuộn dây thừng. Ngoài ra, còn hai thứ không thể thiếu là một chiếc mũ bảo hiểm cùng một túi lưới đánh cá được các thợ săn cải tiến trùm ngoài mũ bảo hiểm để tránh ong đốt mặt. Trong suốt quá trình đi săn ong đất mỗi thợ săn cần phải có đôi mắt tinh nhanh, một tinh thần thép và sức bền của một vận động viên chạy việt dã…

Thật may mắn, khi tôi được đi cùng với một đội săn ong đất chuyên nghiệp của bản Hìn (thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La). Đây cũng là nơi cung cấp nguồn ong chủ yếu cho những người chuyên buôn ong trong tỉnh. Đội săn này có ba người. Ông Lò Xuân Thuỷ, nhiều tuổi nhất trong nhóm nên được bầu làm đội trưởng. Còn lại hai thành viên là anh Tòng Văn Hom (sinh năm 1974) và Tòng Văn Điện (sinh năm 1984).

Địa điểm được chọn để tổ chức đi săn là những khu rừng thồ lộ (một loại cây thân gỗ, dùng để làm nhà; gỗ rất cứng) thuộc bản Thẳm Cọng, xã Hua Trai, Mường La (Sơn La). Đây là một bản vùng cao có 12 hộ dân tộc H’Mông sinh sống. Để lên Thẳm Cọng, phải vượt gần 60 km từ thị xã đến xã Hua Trai. Sau đó vượt tiếp hơn 15 km từ trung tâm xã qua những đoạn dốc đá hay những đoạn đường mòn vắt vẻo trên những triền núi có vực sâu ngút tầm nhìn. Mỗi khi gặp những đoạn dốc đá, để đưa được xe máy lên hay cho xe xuống đều phải có người hỗ trợ.

Bắt những chú dế mèn còn non đựng trong một hộp nhựa cắm vào đầu nhọn những chiếc que dài chừng 2 m, cả 3 thợ săn tản về 3 phía, mỗi người cầm một chiếc que ngồi lom khom dưới gốc cây thồ lộ, ngửa cổ chăm chú nhìn lên. Cứ như vậy, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, các thợ săn kiên trì ngồi chờ những chú ong đất đi bắt mồi bay qua...

Đang đánh vật với cơn buồn ngủ và những chú muỗi rừng, tôi giật mình khi giọng ông Thuỷ hô “bắt rồi, chạy theo mau”. Thì ra, một chú ong đất sau vài giây lượn quanh chiếc que của anh Lò Văn Hom, nó đã bất ngờ lao xuống cắp lấy con dế mèn bay đi. Sáng hôm sau, mất thêm gần 4 giờ đồng hồ thả mồi câu ong và chạy theo ong, các thợ săn đã phát hiện được nơi trú ngụ của những chú ong đất ngay tại quả đồi chúng tôi trọ qua đêm. Đó là một ụ đất dưới một gốc cây thồ lộ có đường kính khoảng 60 cm, xung quanh là những cây cỏ dại mọc um tùm.

Theo tiếng Thái, loài vật này có tên "Tó khum", nổi tiếng hung dữ, có nọc độc gần như nọc rắn hổ mang. Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm vào rừng săn "Tó khum"

Ong đất có tên khoa học Xylocopa dissils, thuộc họ ong đen (Xylocopidae). Y học cổ truyền gọi ong đất là Trúc phong. Ong đất có 3 loại: Loại màu đen, đen vằn vàng và mầu vàng.

Tác dụng của ong đất (thổ phong) giống như ong mật (mật phong tử) trừ phong, giải độc, sát trùng. Ngoài ra, còn dùng chữa đầu phong, phong tê thấp, ma phong, đơn độc, phong chẩn… Ấu trùng ong đất (thổ phong tử) ngoài những tác dụng trên còn dùng để chữa nhiệt tích trong bụng, đại tiểu tiện khó khăn, phụ nữ khí hư, bạch đới...

Nghề nguy hiểm

Các nhà khoa học cho rằng, một người dù khoẻ đến mấy cũng không thể chịu nổi 5 con ong đất đốt cùng một lúc. Đặc biệt, với một con trâu trưởng thành cũng chỉ có thể sống vài giờ khi bị 20 con ong đất đốt cùng một thời điểm.

Đưa những minh chứng của các nhà khoa học mà tôi tìm hiểu ra trao đổi với các thợ săn, mọi người đều khẳng định rất đúng. Bởi, như những thợ săn mà tôi được đi theo đều đã từng bị ong đốt.

Cởi chiếc áo đang mặc, để lộ ra tấm thân trần với 11 vết sẹo hình đồng xu, to nhỏ khác nhau nằm rải rác trên người, trong đó có một vết thâm đang mưng mủ nơi bắp tay trái, Tòng Văn Điện cho hay: “Vết này em bị đốt cách đây một tuần trong một đêm bắt ong cũng tại bản Thẳm Cọng. Mặc tới ba cái áo vải và một chiếc áo mưa mà nó vẫn đốt xuyên qua được. Chỗ nào mà bị ong đốt là thịt bị thối và phải mất 2 tháng đến 3 tháng mới lành hẳn, nhưng sẹo thì không bao giờ mất”.

Giống như Điện, Tòng Văn Hom cũng có gần chục vết sẹo trên cơ thể do ong đất đốt trong những lần đi săn. Anh Hom kể: Lần đầu tiên mình bị ong đốt vào ngón tay. Ngay sau khi bị đốt, chỗ đó đau nhức, tấy đỏ, cơ thể vã mồ hôi và rất háo nước. Lần đó, mình phải nghỉ mất gần một tháng ở nhà. Từ khi biết bắt ong đến nay, đã bị 12 vết đốt, trong đó nhiều nhất là 3 vết đốt/ngày.

Không người nào là không bị ong đốt

Khó khăn và nguy hiểm là vậy nhưng với những thợ săn thì đây là công việc “hái ra tiền” để giúp họ nuôi sống gia đình. Bởi một mùa đi săn ong, như đội của ông Thuỷ bình quân mỗi người cũng mang về 20 triệu đồng từ tiền bán ong. Do vậy, niềm vui lớn nhất của những thợ săn ong là sáng hôm sau mang được ong xuống núi cho kịp phiên chợ. Bởi ở dưới núi nơi có những người chuyên buôn ong theo lịch hẹn từ trước đang ngồi chờ sẵn. Họ ngồi chờ cho đến khi những thợ săn “Tó Khum” lếch thếch từ rừng trở về.

Với giá bán đổ cho những người chuyên buôn ong ở các chợ, các thợ săn bán được từ 100 - 110.000 đồng/kg nhộng và 300 - 350.000 đồng/kg ong già. Thậm chí, vào cuối mùa giá bán đổ còn cao hơn.

Vậy là, trong chuyến đi săn này, đội săn của ông Thuỷ đã săn được 14,5 kg ong đất, trong đó có 1,2 kg ong già. Và cũng bởi “Tó khum” của đội săn không dùng khói hun hay tai hại hơn là dùng bình xịt muỗi để bắt nên “Tó khum” của đội luôn bán được giá cao...

Khi chúng tôi xuống tới chợ Rặng Tếch (thị xã Sơn La) lúc 7giờ 15 phút sáng, ở đó đã có hơn chục người chuyên buôn ong chờ sẵn. Thấy đội săn từ xa, họ đã ùa ra như ong vỡ tổ để kịp dành được cho mình vài kg “Tó khum”. Bởi với việc mua lại và bán ra như hiện tại ở các chợ họ lãi từ 40 - 50 ngàn đồng/kg nhộng ong và 100 - 150 ngàn đồng/kg ong già... Sau 30 phút những người buôn ong tranh nhau sản phẩm của mấy ngày đi săn, toàn bộ số “Tó khum” đã hết nhẵn. Thậm chí có người còn buồn ra mặt và tỏ vẻ hậm hực khi mình chậm chân không mua được cân ong nào...

Được biết, ong đất không chỉ được người sành ăn ưa dùng, là thứ hàng tiêu dùng đắt đỏ, mà tại các nhà hàng của thị xã Sơn La cũng đã bổ sung vào danh sách những món ngon của Tây Bắc để thu hút khách thập phương. Mặc dù không được thưởng thức món ăn chế biến từ ong bày biện đẹp mắt trong các nhà hàng nhưng đến giờ tôi vẫn không thể quên mùi vị hấp dẫn của món nhộng ong, chiến lợi phẩm đêm ấy trong ống tre nướng trên bếp củi của anh Hom; nhộng ong xào với măng chua của Điện; ong già rán giòn với lá chanh hay nộm ong với các vị của rau thơm, ớt nướng cay xè của ông Thuỷ...

Nguyễn Quốc Tuấn

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang