• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Miền Trung ngập chìm trong “cơn đại hồng thủy”

Nguồn tin: SGGP, 13/11/2007
Ngày cập nhật: 13/11/2007

Một lần nữa miền Trung lại hứng chịu cơn lũ lịch sử tàn phá khủng khiếp với đỉnh lũ cao hơn cả cơn lũ lịch sử xảy ra năm 1999. Trong suốt 2 ngày đêm (11, 12-11), các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định đã xảy ra mưa lớn khủng khiếp trên diện rộng. Mưa to khiến lũ trên các sông lên nhanh chưa từng thấy.

TP Đà Nẵng: Quốc lộ 1A hoàn toàn bị chia cắt

Khoảng từ 4 giờ sáng 12-11, hàng chục ngàn hộ dân nằm ở các quận huyện Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã phải di tản để trốn lụt. Nước lũ từ các sông đổ về ào ạt khiến người dân không kịp trở tay.

Theo BCH PCLB TP, lũ trên các sông đang tiếp tục lên đến mức báo động 3, và trận lụt năm nay, đến thời điểm 9 giờ cùng ngày, đã vượt cả đỉnh lụt năm 1999 đến 0,3m.

Ngay sáng 12-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Trần Phước Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với ngành chức năng triển khai các biện pháp cấp bách chống lũ.

Đến trưa cùng ngày, đã có 10/11 xã của huyện Hòa Vang ngập sâu trong lũ, hơn 15.000 nhà của 78 thôn đã phải di dời khẩn cấp. Tại huyện Ngũ Hành Sơn, đã có 1/5 khu vực bị ngập nặng. 2 phường Hòa Xuân và Hòa Thọ Tây của quận Cẩm Lệ, nước lụt đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân.

Thống kê sơ bộ, đã 22.000 hộ với gần 100.000 nhân khẩu đang phải sơ tán, bởi nước đã vào nhà đến hơn 1m. Tuyến đường giao thông huyết mạch QL1A ngang qua địa phận Đà Nẵng hoàn toàn bị cắt. Tại khu vực chợ Miếu Bông và cầu Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), nước lũ đã vượt lên cả mặt quốc lộ với tốc độ chóng mặt.

Tính đến cuối giờ chiều 12-11, tại Đà Nẵng đã có 2 trường hợp mất tích do đợt mưa lũ này. Đó là chị Trần Thị Đông (29 tuổi, trú thôn Trung Lương, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), bị lũ cuốn trôi khi đi từ Trung Lương qua Quá Giáng. Trường hợp thứ 2 là anh Trần Văn Tý (32 tuổi ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu) cũng bị lũ cuốn trôi vào sáng 12-11.

Quảng Trị: 30 điểm sạt lở

Do mưa lớn kéo dài, mực nước trên các con sông dâng rất cao. Đến chiều 12-11, hàng chục tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập nặng và sạt lở nghiêm trọng.

Trong đó, tỉnh lộ Tà Rụt – La Lay (Đakrông) bị sạt lở hơn 30 điểm với hàng ngàn mét khối đất, đá đổ ập xuống lòng đường; tỉnh lộ 68 - Triệu Phong, tỉnh lộ 8 - Hải Lăng, tỉnh lộ 7 – Đakrông bị ngập sâu từ 1 – 1,5m, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Ở xã Triệu Thuận (Triệu Phong), nước sông dâng cao cộng với nước thượng nguồn đổ về đã làm vỡ một cây cầu phao và làm ngập nặng nhà cửa hàng trăm hộ dân. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời dân trong tình huống khẩn cấp.

Theo báo cáo của Ban PCLB - TKCN Quảng Trị, đến chiều 12-11, có khoảng 7.000 hộ dân ở các vùng trũng, vùng ven sông bị ngập lũ, có nơi ngập sâu đến 1,2m.

Quảng Ngãi: mất thông tin liên lạc

Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng nhấn chìm gần 70.000 ngôi nhà. Tính đến chiều ngày 12-11, tỉnh Quảng Ngãi đã có 8 người chết.

Hệ thống thông tin liên lạc cố định tại các huyện Bình Sơn, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây và Ba Tơ bị tê liệt. Mưa lũ cũng đã làm tắc nghẽn giao thông trên tuyến quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi-Kon Tum đoạn thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) nhiều ngày liền.

Huyện miền núi Tây Trà bị cô lập hoàn toàn vì tuyến đường huyết mạch Trà Bồng, Trà Phong bị sạt lở nhiều đoạn. Hệ thống giao thông từ trung tâm các huyện miền núi đi về các xã cũng lâm vào cảnh tương tự. Nước lũ cũng đã làm chia cắt 68 xã đồng bằng làm cho người dân không thể đi lại được.

Tỉnh Quảng Ngãi đã di dời khẩn cấp 1.100 hộ dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Chiều qua, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ 2.000 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương cấp phát cho dân, kiên quyết không để hộ dân nào thiếu đói.

Bình Định: Lũ tràn qua đê

Đến chiều 12-11, nuớc lũ đã nhấn chìm nhiều xã phía Đông ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… Các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã phía Đông các địa phương nói trên đã bị ngập chìm trong nước lũ.

Hàng chục kilômét đê khu Đông bị nước lũ tràn qua từ 0,5m - 1m. Nhiều tuyến đê sông, kênh mương, cầu đường mới vừa được hàn khẩu, gia cố, khắc phục trong đợt lũ trước đã tiếp tục bị sạt lở, hư hỏng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bảo tại miền Trung, tính đến 16 giờ ngày 12-11, miền Trung đã có 17 người chết 4 người mất tích trong lũ và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập sâu dưới lũ.

Nhiều khu vực người dân phải leo lên nóc nhà chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu, di dời.

Tuyến đường giao thông QL1A bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Các xã khu Đông của huyện Phù Cát, như Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Nhơn… hai ngày qua tiếp tục bị nước cô lập hoàn toàn. Tại các xã khu Đông Phù Cát, 8.600 học sinh cấp 1 và cấp 2 phải nghỉ học.

Tại Tuy Phước, chiều 12-11, các xã khu Đông huyện lại bị nước lũ cô lập. Tuyến tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn… nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, người dân phải dùng xe độ chế để di chuyển.

Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm sạt lở và làm vỡ đứt 1.193m đê sông ở các xã Sơn, Phước Thuận, Phước Quang… Hơn 10.000 học sinh ở địa phương tiếp tục phải nghỉ học.

Theo báo cáo của BCH PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ từ 9 đến 12-11 đã làm 6 người chết, 1 người mất tích, 13 nhà sập, hư hỏng, 2.380 nhà ngập nước, 4 hồ chứa sạt lở,…

UBND tỉnh cũng đã nhanh chóng phân bổ 1.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ đến các địa phương giúp dân có cái ăn trước mắt.

Nhóm PV

Thừa Thiên - Huế: Dân không còn đủ sức chống lũ

Lũ tràn vào Đại Nội - Huế. (*)

Cả ngày 12-11, giao thông tại Huế đều bị ách tắc do nước lũ dâng cao. Trên Quốc lộ 1A, 49 và các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã đều có mức nước dâng cao hơn so với mặt đường từ 0,5-2,2m.

Nhiều đoàn tàu buộc phải tạm tránh lũ ở ga Huế hay ga Đông Hà vì tuyến đường sắt đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế tại ga Mỹ Chánh - Phò Trạch và Văn Xá bị ách tắc do nước lũ dâng cao so với đường ray từ 0,3-0,7m.

Duy nhất bằng ca nô, chúng tôi đến được xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tại đây, 90% nhà cửa của nhân người dân bị ngập trong nước từ 1-2,2m. Cụ Ty (80 tuổi) nói với chúng tôi: “Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến nay, chưa bao giờ tui phải đối mặt với trận lũ hung dữ như trận lũ này.

Trận đại hồng thủy năm 1999 có mức nước lũ tương đương nhưng lúc đó sức dân khỏe còn ngày hôm nay… dân tui đã quá mệt mỏi khi phải chống chọi với 4 trận lũ liên tiếp. 8 người trong gia đình tui cùng hàng trăm hộ dân khác từ sáng đến giờ chỉ ăn mì tôm sống.

Gạo Chính phủ cứu trợ trong trận lũ trước còn nhưng các anh bảo lấy gì mà đun với chả nấu”. Ông Nguyễn Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu nói: “Dân tui làm sao còn đủ sức để chống lũ nữa các nhà báo ơi! Lũ không chỉ nhấn chìm nhà dân mà còn làm sạt lở 2,2m dài, rộng 5m trên sông Hương đoạn đi qua thôn Thanh Tiên xã chúng tui. Gần 600 triệu hoa màu bị mất trắng rồi…”.

Đến chiều 12-11, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cứu trợ 60 tấn gạo (huyện Phong Điền 30 tấn, huyện A Lưới 30 tấn), 12 tấn mì tôm cho các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Alưới.

Trong khi đó, Bệnh viện TƯ Huế cũng cho biết, hiện tại bệnh viện có khoảng 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Do ngập lụt nên người nhà không thể mang thức ăn đến, hoặc bệnh nhân không tự ra ngoài ăn được.

Trước tình hình đó, Bệnh viện TƯ Huế đã cấp miễn phí cho các bệnh nhân trong suốt thời gian lũ xảy ra, đồng thời cử nhân viên bảo vệ mang thức ăn đến tận giường cho các bệnh nhân. Được biết, mỗi suất ăn trị giá từ 5.000-7.000 đồng.

V.V.TH.

Hội An (Quảng Nam): Xin máy bay trực thăng sơ tán dân

Các khu vực huyện, thị như: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... chỉ thấy một màu nước lũ trắng xóa, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà và cướp đi sinh mạng ít nhất 4 người. Ngoài ra, có đến 72 xã, phường thuộc 6/17 huyện, thị của Quảng Nam bị ngập với khoảng 15.000 hộ dân cùng hàng trăm ngàn ha hoa màu, công trình thủy lợi, trường học bị ngập, hư hại nghiêm trọng.

Nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt là hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn, Nam Trà My, Tây Giang, các xã vùng Tây Quế Sơn. Lực lượng ứng cứu Quảng Nam đã sơ tán hơn 300 hộ dân bị nước lũ đe dọa. Nước lũ cũng chia cắt QL1A gây ách tắc giao thông.

Nước lũ lên bất ngờ khiến người dân trở tay không kịp. Ngoài 4 người chết, Đại Lộc có đến hơn 90% hộ dân bị ngập trong lũ và rất nhiều hộ dân bị mất lương thực, gia súc gia cầm.

Trong khi đó, đến đến 14 giờ chiều ngày 12-11, lũ tại Hội An đã vượt ngưỡng đỉnh lũ năm 1999 là 0,3m. Khiến cho 9/13 xã phường tại Hội An ngập chìm trong lũ sâu từ 1m đến 4,7m nước, có nơi ngập 5m như xã Cẩm Kim, khối Ngọc Thành phường Cẩm Phô, Khối Đồng Hiệp, An Hội, khu phố cổ phường Minh An, phường Cẩm Châu....thị xã Hội An. 50 khách sạn các loại đã chìm sâu trong lũ, hàng ngàn du khách phải sơ tán gấp trong ngày.

Chính quyền thị xã Hội An đã huy động tất cả lực lượng để giúp dân thoát khỏi vùng lũ lớn. Đặc biệt phải cần sơ tán người già và trẻ em trước mắt. Tuy nhiên, sự cố gắng nỗ lực của chính quyền vẫn không giải quyết kịp số người đang còn mắc kẹt tại các vùng nguy hiểm, bởi do sự chủ quan của người dân nên khi gặp lũ lên nhanh không kịp trở tay.

Theo ghi nhận của PV, cho đến 16 giờ chiều nay, công tác sơ tán dân kẹt lũ vẫn tiếp tục triển khai. Mặt dù trước đó chính quyền thị xã đã vận động nhân dân sơ tán khẩn cấp nhưng không ai chịu sơ tán trong đêm. Đến khi nước lên thì kêu cứu khiến cho phương tiện bị thiếu hụt nặng.

Trước tình hình lũ ngày càng lên nhanh, thị xã đã chỉ đạo cho các ban ngành chuẩn bị một ngàn thùng mì tôm, sữa, nước uống để cứu trợ khấn cấp cho dân sơ tán đang ở tập trung. Hội An đã sơ tán trên 10.000 dân đến nơi an toàn, nhưng số lượng người bị kẹt vẫn còn nhiều.

Riêng xã Cẩm Kim bị cô lập hoàng toàn, không có một phương tiện nào tiếp ứng được, hiện tại khoảng 6.000 người đang gặp nguy hiểm giữa biển nước hung tợn.

Ngay trong chiều qua, thị xã phải xin máy bay trực thăng Quân khu 5 để sơ tán dân và cứu trợ thức ăn, nước uống cho dân.

Tại xã Duy Hải, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên đã có 65 thuyền của ngư dân neo đậu bị lũ cuốn trôi ra biển.

Thủ tướng chỉ thị: Huy động mọi lực lượng cần thiết đối phó với mưa lũ

Ngày 12-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký công điện số 1704/CĐ-TTg gửi Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các bộ ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương về việc chống lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương.

Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động mọi lực lượng cần thiết (quân đội, công an và các lực lượng khác trên địa bàn) để triển khai nhanh việc cứu hộ dân vùng bị lũ lụt chia cắt, vùng ngập sâu, các vùng cửa sông, ven biển và sạt lở nguy hiểm; sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.

Các địa phương trên, thực hiện các biện pháp cần thiết để cứu trợ kịp thời, không để người dân nào bị đói, đứt bữa do thiếu lương thực; chỉ đạo, huy động ngành y tế và các đoàn thể, lực lượng để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường vùng bị thiên tai, kiên quyết không được để dịch bệnh lây lan, nhất là bệnh tiêu chảy cấp.

Tổ chức thực hiện tốt công tác tự quản tại chỗ để không được xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, không quản lý tốt sau mưa lũ. Các tỉnh phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Phố cổ Bạch Đằng, Hội An bị ngập trong lũ. (*)

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tối qua, lũ trên sông Hàn tại Cẩm Lệ và sông Thạch Hãn đạt đỉnh; sông Hàn tại Cẩm Lệ lên mức 4,2m (trên BĐ3: 2,5m); sông Thạch Hãn tại Quảng Trị lên mức 5,0m, dưới BĐ3: 0,4m.

Các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại và dao động ở mức rất cao. Lũ trên các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đang ở mức đặc biệt lớn và còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Tình trạng ngập lụt xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng, lũ có khả năng lên lại.

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có các công điện đề nghị Đà Nẵng hỗ trợ khẩn cấp 15 tấn mì ăn liền và Quảng Ngãi hỗ trợ khẩn cấp 15 tấn mì ăn liền cho Quảng Nam để cứu đói nhân dân vùng ngập lụt.

TH. Nam - Lê Văn (*) Ảnh: Minh Hải, Hà Minh, TTXVN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang