• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đời ngư phủ

Nguồn tin: Khánh Hòa, 29/10/2008
Ngày cập nhật: 31/10/2008

Đã thành thói quen, sáng nào cụ Nguyễn Thị Cần ở xóm chài Vân Đăng (xã Vĩnh Lương, Nha Trang) cũng dậy sớm ra biển, chờ những chiếc tàu cá đầu tiên cập bờ. Dường như, đối với mỗi người dân xóm chài, cảm giác chờ đón người thân trở về sau bao ngày đối mặt với sóng dữ khơi xa là một niềm hạnh phúc khó tả…

Nặng lòng với biển

Tờ mờ sáng, biển vẫn còn hơi sương. Các ngư dân quanh bãi biển Vĩnh Lương lục tục dậy từ sớm, tất bật chuẩn bị đồ nghề ra khơi. Khi mặt trời vừa mới ló dạng, không khí ở cảng cá càng trở nên sôi động hơn với tiếng máy nổ ầm ì của ghe, thuyền ra vào tấp nập; tiếng máy xay đá chát chúa xen lẫn tiếng cãi cọ, tranh giành của các ngư thương… Sau vài tiếng đồng hồ lân la hết tàu này đến tàu nọ, cuối cùng tôi cũng tiếp xúc được với anh Hùng, một ngư dân vừa trở về sau chuyến hành trình 10 ngày trên biển. 19 tuổi, Hùng đã có thâm niên 5 năm làm “ngư phủ”. Mới đầu, Hùng chỉ theo phụ giúp cơm nước trên thuyền, dần dần anh trở thành một “ngư phủ” chuyên nghiệp, gắn đời mình với biển. Hùng say sưa kể về những “ngón nghề” đánh lưới, giăng câu sao cho hiệu quả, cách dùng mồi, “cương nhu” thế nào khi giật cá... Không riêng Hùng, phần lớn thanh niên từ 14 - 40 tuổi trong các xóm chài Vân Đăng, Lương Sơn, Võ Tánh (xã Vĩnh Lương) đều chọn nghề biển làm kế sinh nhai. Hùng tâm sự: “Ở xóm em, chỉ những dịp lễ, Tết mới thấy thanh niên, đàn ông trong làng đông đủ, còn ngày thường làng vắng hoe, chỉ có phụ nữ, người già, trẻ con. Đời người đi biển cực lắm, lúc nào cũng sống giữa bốn bề mênh mông sóng biển, thu nhập thì bấp bênh. Mỗi chuyến biển đi chừng 13-15 ngày, trừ chi phí, chuyến nào trúng thì mỗi người được 500 - 700 ngàn, có nhiều chuyến đi về trắng tay, chủ tàu còn phải bù lỗ”.

Trong giới đi biển, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người đến với nghề này vì mưu sinh, có người vì duyên nghiệp cha truyền con nối, nhưng họ nặng lòng với biển. Trong tiềm thức của các ngư dân, mùi mặn chát của biển cũng quen thuộc như mùi oi nồng của đất mỗi lúc đi xa. Cách đây 5 năm, khi khăn gói theo bạn bè vào Nam kiếm sống, Nguyễn Văn Đức ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cũng hy vọng có được một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, sau vài năm vật lộn với đủ thứ nghề, cuối cùng Đức lại “bén duyên” với nghề đi biển. Hôm gặp tôi, Đức cùng các bạn thuyền đang chuẩn bị lưới, ngư cụ cho một chuyến đi biển mới. Anh tâm sự: “Những ngày đầu theo thuyền ra biển, mình nhớ nhà không chịu nổi, riết rồi cũng quen. Mấy năm trước, “biển no” (được nhiều cá), mỗi tháng tụi mình cũng được chủ ghe chia cho 2-3 triệu đồng. Còn bây giờ, “biển đói”, giá xăng dầu lại tăng, nhiều khi vài tháng, anh em mới kiếm được 1 triệu, có lắm chuyến đi về trắng tay”.

Sinh nghề, tử nghiệp

Cũng như bao gia đình khác ở xã Vĩnh Lương, cụ Nguyễn Thị Cần có chồng, 5 con trai, 2 con rể và các cháu làm nghề biển. Cụ Cần tâm sự: “Nghề biển bạc và khắc nghiệt lắm! Sau mỗi mùa mưa bão, trong làng lại đắp thêm mấy ngôi mộ mới; hôm trước còn gặp họ cười, nói chuẩn bị ra khơi, hôm sau họ đã không trở về. Sinh nghề tử nghiệp, biết làm sao được. Như nhà tôi, hết đời cha lại đến đời con, đời cháu nối nghiệp đi biển. Mỗi lần chúng nó ra khơi, lòng tôi lo trăm mối. Chỉ khi nào thấy con cháu trở về bình an, tôi mới trút được gánh lo, chú à!”.

Những ngày có mặt ởû xóm chài Vĩnh Lương, chúng tôi mới thấu hiểu sự nhọc nhằn của đời ngư phủ. Ở đây, nhiều đứa trẻ 13-14 tuổi đã phải bỏ học để theo tàu đi đánh cá. Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, cả làng vắng hiu hắt. Với ngư dân, mỗi chuyến đi biển là một hành trình gian khổ, chưa kể những hiểm nguy ngoài đại dương luôn rình rập, đe dọa sinh mạng của họ. Có hàng ngàn lý do khiến các ngư dân một đi không trở lại. Họ luôn đối mặt với bão tố, cuồng phong, nạn cướp biển…, và cả những rủi ro trong nghề. Anh Đặng Văn Tây - một ngư dân lâu năm ở làng chài chua chát nói: “Biển động mất mạng đã đành, có khi cái chết xảy ra trong gang tấc, không ai có thể lường trước được. Nhiều “ngư phủ” nửa đêm đi vệ sinh, gặp gió mạnh hay sóng lớn làm tàu chao đảo nên té xuống biển; có trường hợp ban đêm đứng trên mũi tàu, bất ngờ bị gió độc quật ngã lăn xuống biển, phải tìm hàng tuần mới thấy xác; cũng có người mải câu, ngủ quên trên thúng, giật mình tỉnh dậy thì thấy chiếc tàu hàng lững lững đâm vào mình, hay khi tỉnh giấc đã thấy đứt dây neo trôi giữa biển khơi…”.

Bão trời và bão giá

Một buổi chiều đầy nắng, hàng trăm chiếc tàu ở cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) vẫn còn cập bến, chưa muốn ra khơi. Cảnh mua bán nhộn nhịp tại cảng cũng không xóa nổi nét u buồn trên khuôn mặt những ngư phủ. Rảo quanh các tàu, chúng tôi làm quen với hai “ngư phủ” ở tàu BV 8047 TS (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Anh Nguyễn Văn Bảy lo âu: “Từ đầu năm đến giờ, bao nhiêu cá đánh được cũng không bù được tiền dầu. Anh em chúng tôi theo nghề biển từ thời còn trai trẻ. Bán thân cho nắng gió, bão biển khắc nghiệt đến nay cũng đã 6 năm trời. Càng ngày làm ăn càng khó khăn. Gần hai tháng nay, tôi chỉ mang về nhà đúng một triệu đồng. Cứ như thế này, biết sống sao đây?”. Ông Đặng Quang Tân, chủ tàu BT 9235 TS (Bình Thuận) cho biết: “Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, Nhà nước đã 5 lần điều chỉnh giá dầu khiến ngư dân trở nên bế tắc. Tính trung bình, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ (khoảng 40 ngày), tàu của tôi tốn chừng 10.000 lít dầu, chưa kể tiền chi tiêu các loại, tiền dầu đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Do giá dầu tăng, tôi phải bỏ thêm chừng 30-40 triệu đồng chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển. Trước đây, khi còn ăn nên làm ra, việc thuê lao động không mấy khó khăn, còn bây giờ, thuyết phục mãi họ mới ra khơi, nhưng trước khi đi đều phải ứng tiền để họ trang trải cho gia đình…”.

Thông thường, chi phí cho một chuyến đi biển đánh bắt xa bờ đối với loại tàu trên 90CV lên đến 150 - 170 triệu đồng. Chính vì vốn của những chuyến ra khơi rất lớn, nên phần lớn các chủ tàu đều tìm cách “vay nóng” tiền của những người buôn cá. Đó là cơ hội để giới này ép giá, khiến giá hải sản khó có thể nhích lên được. Tính ra mỗi chuyến, ông Tân và các chủ tàu chỉ kiếm được khoảng 200 triệu đồng, nhưng tiền nhiên liệu đã chiếm gần 2/3, chưa kể tiền ăn uống, tiền thuê bạn tàu. Những ngày gần đây, những chuyến tàu lỗ vốn ngày càng nhiều, khiến thu nhập của ngư dân bấp bênh như mạn tàu trước sóng cả.

Với ngư phủ, con tàu là nhà, biển là quê hương, đất liền chỉ là bến trọ. Đời ngư phủ cứ phải đi về giữa “bến trọ” và quê hương. Không một ngư phủ nào biết mình đã bao nhiêu lần vượt sóng ra khơi, nhưng có một điều họ biết rất rõ, đó là mỗi lần rời bến, họ đã đánh cược đời mình trước muôn vàn hiểm nguy ở đại dương.

A.T

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang