• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người đàn bà dơi…

Nguồn tin: SGTT, 28/10/2008
Ngày cập nhật: 29/10/2008

“Nói rằng ngay, tui tên Tư Hết, Bùi Thị Hết, nhưng mấy đứa nhỏ lối xóm cứ gọi là bà Tư Dơi riết thành tên. Tui cũng chẳng la rầy gì chúng, bởi nhờ có con dơi tui mới nuôi được đàn con khôn lớn tới giờ…”. Bà Tư mộc mạc với khách phương xa tới chơi.

Chòi dơi trong vườn nhà bà Tư Hết

Câu chuyện bà Tư cất chòi cho dơi ở, bà con ở ấp 4, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) không ai xa lạ. Ban đầu người ta nói bà khùng, sau này khi dơi về ở lên tới hàng vạn con, người ta nói bà hên, cho tới mấy năm nay khi dơi của bà bị bọn bắt trộm hàng trăm con một đêm mà bà không cãi lý được, người ta lại gọi bà xui.

Mọi chuyện bắt đầu từ mùa nước nổi năm 1978, không riêng gì bà, cả làng đói kém tha phương cầu thực khắp nơi. Bà Tư – vợ liệt sĩ, một nách ba con càng khó khăn hơn. Bà đi tận Châu Đốc làm thuê, cuốc mướn kiếm từng lon gạo gởi về nuôi con. Trong những ngày làm thuê trên vùng biên giới, bà thấy vườn nhà ông Chín cất mấy cái chòi cao cẳng, phủ lá thốt nốt đơn giản là vậy, mà dơi kéo về đeo muốn sập nhà chòi. Thì ra ông Chín dụ dơi về không để mần thịt, mà ông lấy phân, loại phân dơi mà người xưa gọi là “dạ minh sa” – hạt cát lấp lánh trong đêm.

Phân dơi làm thuốc nam trị bá bệnh, mà tốt nhất là mát gan, hạ hoả. Nhưng ở đồng bằng người ta lấy phân dơi làm phân bón. Mấy vườn cam, xoài, nhãn,… mà vô phân dơi thì thôi khỏi nói, trái to, ngọt lịm. Bà con quanh vùng đói kém, vậy mà ông Chín chỉ cần sáng sáng ra quét vài giạ phân dơi là có tiền ăn cả tháng. Bà Tư hỏi: “Tui về quê cất chòi dụ dơi được không bác Chín?” Ông Chín từ tốn: “Nếu có mạng thì nó về thôi mà”.

Bà Tư ky cóp tiền làm mướn nhờ người cắt nửa thiên tàu lá cây thốt nốt mang về Mỹ Đông, mua cây gòn cất chòi dụ dơi. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng thì dơi về, ban đầu vài chục con, sau vài trăm, vài ngàn… cứ sáng sáng bà ra quét phân, mang phơi khô rồi đội đi bán cho nhà vườn quanh vùng. Đã có cái ăn cho ba đứa nhỏ. Một chòi, rồi hai chòi, mấy đứa cháu thấy dì Tư nó làm ra tiền từ phân dơi, cũng đến hỏi chuyện cất chòi, bà Tư chỉ hết từ cách chọn lá thốt nốt, đến chọn gốc gòn, vệ sinh nâng niu dơi như con trẻ và cũng nói như ông Chín rằng: “Nếu có mạng thì nó tới, chứ mình có biết đường đi ăn đêm của đàn dơi ở đâu mà cất?”. Cho đến giờ ngoài năm chòi dơi của bà Tư và mấy chòi dơi của đám cháu đã lên đến 15 chòi ở Mỹ Đông. Đứa cháu nào “có mạng” thì dần dà cất nhà tường như bà Tư, đứa nào “không có mạng” thì vẫn nhà lá vách đất vậy.

Bà Tư tâm sự: “Thúng phân dơi đầu tiên tui bán xong, mang tiền ra chợ mua liền ký thịt về cho đám nhỏ, chúng mừng như tới ngày tết. Cả ba đứa đều cho đi học đến hết cấp ba cũng từ tiền bán phân dơi. Con Hai làm công ty lâm sản trên Sài Gòn, con Ba ở nhà mở tiệm may, thằng Út Lâm học xong trung cấp y tế, giờ đã là lương y mở tiệm thuốc nam trên chợ Đường Thét vẫn chưa chịu lấy vợ vì bà con lối xóm hay chọc ghẹo: Thằng này được đi ăn học nhờ phân dơi. Nó mắc cỡ chứ tui chẳng ngại gì, bà con nói đúng chớ chơi đâu, không có phân dơi chắc giờ này thằng Lâm còn mù chữ đi mò cua bắt ốc…”.

Đàn dơi túa ra đi ăn đêm

Dơi bà Tư dụ về là loài dơi muỗi chỉ ăn côn trùng, chứ không phải loài dơi chó, dơi quạ, ăn cây trái. Bà cũng không biết nó từ đâu tới, nhưng mỗi đàn đều có con dơi chúa, rất tinh khôn. Khi chạng vạng tối, chúng tôi ra rình chụp hình cảnh dơi đi ăn đêm, bà Tư nói: “Chú cứ vô nhà ngồi chơi, chút nữa con đầu đàn ra thám thính xong, cả đàn mới ra”. Quả thật, cả chòi dơi tiếng rúc rích ngày càng lớn, một chú dơi vụt ra bay hai vòng xem có chim bù cắt, chim săn mồi không rồi quay trở lại chòi, cả đàn dơi ùa ra cả ngàn con trông thật ấn tượng… Bà Tư giải thích: “Loại này tinh khôn, đi ăn ở đâu thì ăn, nhưng về tới chòi mới ỉa, rồi lại bay đi ăn tiếp tới rạng sáng mới về chòi ngủ. Của trời cho vậy mà không chăm sóc là nó đi liền, lá thốt nốt phải thay liên tục, không thôi nó thấy dơ hổng thèm ở, phải cắt thiếc bọc chân cây gòn chống rắn, cứ có rắn bò lên bắt dơi con là cả bầy cũng bỏ đi mất… coi vậy chứ cực lắm, phải cưng dơi như cưng trứng mỏng”.

Bây giờ bà Tư không còn phải đội từng thúng phân dơi đi bán. Điện thoại từ Cái Bè, Cai Lậy, Sa Đéc, Cầu Bắc… gọi tới đặt hàng và cho xe qua lấy tận nhà, mỗi giạ bán được 120 ngàn đồng, vậy mà cũng không đủ phân để bán. Bà Tư chép miệng: “Phân hổng đủ bán vậy mà tụi nó cứ giăng lưới bắt mỗi đêm cả trăm con, dơi muỗi nhỏ xíu có ăn được đâu mà cứ bắt, mình ra la rầy thì nó cãi bướng: “Chim trời, cá nước, có phải của bà đâu mà bà la tui?”. Bà Tư tự an ủi: “Ừ thì chim trời cá nước, nhưng cả trăm người dụ mà dơi có về đâu? Mà hổng hiểu sao đàn dơi cứ tìm đúng vườn nhà tui mà làm tổ, thôi thì mình có mạng trời cho mà…”.

Binh Nguyên

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang