• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hai ông U.70 cùng tốt nghiệp đại học

Nguồn tin: Lao Động, 11/03/2013
Ngày cập nhật: 12/3/2013

Ông Xê thực tập trên đồng ruộng.

Ở miền Tây Nam Bộ, trong khi một bộ phận không nhỏ trẻ em chỉ học qua loa đủ để đọc viết được tên mình, còn người lớn thì quen với “rượu đế” hơn là chữ nghĩa, thì lại có hai ông “già gân” ngoài 70 tuổi kiên trì theo học từ trung cấp, cao đẳng, đến tốt nghiệp đại học và giờ chuẩn bị học lên... cao học.

Hai ông già chịu chơi

Ngồi trước mặt tôi là ông Lê Văn Xê, hay còn gọi là Ba Xê ở Bình Thành, Thủ Thừa, Long An - một “tân cử nhân” vừa tròn 70 tuổi với tấm bằng “kỹ sư nông học” còn thơm mùi mực. “Khi còn trẻ, bạn có suy nghĩ là khi lớn lên sẽ tốt nghiệp đại học, tìm việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình, trả ơn sinh thành của cha mẹ, trả công xã hội...? Khi còn tuổi teen, tôi đã ước mơ như vậy” - ông hỏi rồi tự trả lời. Ông ngậm ngùi nhớ lại thời trai trẻ của mình. Do hoàn cảnh gia đình, đất nước chiến tranh, cố gắng lắm ông cũng chỉ lấy được bằng “tú tài hai”, rồi lập gia đình, sinh con, sống với nghề nông. Năm đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng ông quyết tâm lo cho con học đến nơi đến chốn, chứ không dở dang như cha mẹ. Để có tiền lo cho con ăn học, ông mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Ông Xê (thứ nhất) và ông Biểu (thứ ba từ trái qua) trên đồng ruộng.

Năm 2000, khi đứa con út của ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, cũng là lúc Nhà nước quy định điều kiện kinh doanh thuốc BVTV là chủ cơ sở ít nhất phải có bằng trung cấp nông nghiệp. Không muốn bỏ nghề, ông Xê phải hằng ngày vượt 70 cây số đến học ở Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ đặt ở tỉnh Tiền Giang. Dưới mái trường trung cấp, sự thèm muốn học tập ngày nào bỗng trỗi dậy mạnh mẽ và nó đã dẫn dắt ông Xê học tiếp lên cao đẳng, rồi đại học. Ngày đầu tiên bước vào lớp trung cấp, bao lo lắng của ông Ba Xê bỗng dưng tan biến khi ông chợt thấy trong lớp học còn có một “ông già” khác, nhỏ hơn ông 2 tuổi, cũng quê Long An. Đó là ông Năm Biểu (Nguyễn Văn Biểu) ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành.

Trong lớp học phần nhiều học viên tuổi trung niên, còn lại là thanh niên, duy chỉ có 2 “ông già” đã qua tuổi “tri thiên mệnh”. Vậy mà 2 “ông già” lại là “linh hồn” của lớp, ở nhiều lĩnh vực: Chăm chỉ học tập, tính kỷ luật, tinh thần tập thể... Đặc biệt, trong khi ông Ba Xê với tửu lượng khá và “duyên ngầm”, luôn là người “đối ngoại” của lớp, thì ông Năm Biểu với ngón đờn điêu luyện và giọng ca “vượt thời gian” (cả tân nhạc lẫn cổ nhạc), luôn là “cây đinh” trong các cuộc sinh hoạt của lớp và giao lưu với bên ngoài.

Từ nhỏ, ông Năm Biểu đã có giọng ca “trời phú”, cùng với sự khổ luyện, chẳng mấy chốc giọng hát của ông đã có tiếng ở tỉnh Long An. Năm 18 tuổi ông Năm Biểu đoạt giải nhất cuộc thi ca hát toàn tỉnh (ca cổ), đại diện tỉnh Long An về Gia Định dự thi toàn miền và đoạt giải nhì, đồng giải với thí sinh Hoàng Oanh - người sau đó đã trở thành danh ca ở Sài Gòn. Bây giờ đã gần tuổi “cổ lai hy”, nhưng mỗi khi có dịp là ông Năm Biểu “hớp hồn” người nghe bằng những bài hát “Tình anh bán chiếu”, “Đài hoa dâng Bác” (ca cổ), “Ông lái đò” (ca nhạc)... Mê ca hát, tập tành với rượu bia sớm... đã là nguyên nhân làm ông học hành dở dang, không lấy nổi “tú tài hai”. Để “trốn quân dịch”, ông Biểu “nhảy” vào sư phạm, về tận Bến Tre làm nghề “gõ đầu trẻ”. Sau ngày giải phóng, ông trở về quê làm ruộng, năm 1981 ông học bổ túc và tốt nghiệp THPT.

Càng học càng thấy dốt

“Ban đầu chỉ là học để đủ điều kiện làm ăn, nhưng càng học càng thấy mình dốt. Bao nhiêu điều về nghề nông trước đây tưởng như mình đã biết rành, đến khi đi học mới thấy mình chẳng biết gì hoặc biết không đúng” - ông Xê bộc bạch. Tốt nghiệp trung cấp BVTV trở về, ông Ba Xê như thấy mình lớn thêm lên, công việc làm ăn của ông thuận lợi hơn nhiều, cuộc sống như thú vị hơn. Ông tự hỏi: “Mình có thể học lên cao nữa không?”. Trong khi chưa trả lời được câu hỏi ấy thì tình cờ ông nghe Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ mở lớp liên thông cao đẳng. Ông mạnh dạn đăng ký đi học và tốt nghiệp năm 2009, khi đã 66 tuổi. Cứ tưởng “sự học” trong đời như vậy là quá đủ, nhưng ngay sau đó ông lại được tin Trường Đại học Nông lâm TPHCM phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ mở lớp đại học liên thông hệ vừa học vừa làm. Ông lại một tuần 3 ngày vượt 70 cây số đến giảng đường. Tháng 11.2012, ông chính thức nhận bằng “kỹ sư nông học” loại khá. Kết quả học tập của khoảng 20 môn học, ông được 1 điểm 10 (môn “Thực tập giáo trình”), 3 môn điểm 9, còn lại là điểm 8, 7, 6, 5, không có môn nào thi lại.

Ông Năm Biểu cũng đến với lớp trung cấp BVTV là vì công việc bắt buộc, để rồi “biển học mênh mông” đã kéo ông ra khơi. Với đề tài tốt nghiệp “So sánh ảnh hưởng 6 loại phân bón lá trên cây dưa hấu” đạt điểm 9, ông trở thành á khoa của toàn khóa. Cũng giống như 5 người con của ông Ba Xê, cả 3 người con của ông Năm Biểu đều tốt nghiệp đại học. Ở tuổi 68, ông Năm Biểu vẫn còn khá “cường tráng”, nhờ ăn uống, sinh hoạt chuẩn mực, thể dục đều đặn. “Uống còn được nhiều, nhưng giới hạn ở 2 lon bia hoặc 100ml rượu đế” - ông Biểu nói về “bí quyết” giữ gìn sức khỏe. Bằng đại học chưa phải là cái ngưỡng học tập cuộc đời, khi ông nói: “Khoảng 1 năm nữa tôi sẽ lấy bằng C Anh văn để đủ điều kiện học lên cao học”. Đến thăm và tặng thưởng ông Năm Biểu về thành tích học tập mới đây, ông Phạm Thanh Phong - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An và ông Trần Hoàng Nhân - Giám đốc Sở GDĐT Long An - đều hứa nếu ông Năm Biểu học lên cao học, hội và sở sẽ tài trợ bất cứ điều gì mà ông cần cho học tập.

Châu Long thời nay

Bà Nguyễn Thị Bê - năm nay 68 tuổi - gặp ông Ba Xê trong lúc nghèo khó, cùng ông xây dựng mái ấm, lo cho 5 đứa con học hành đến nơi đến chốn. Những tưởng đã có thể an nhàn tuổi già, bà lại vất vả khi ông bỗng “trở chứng” mê học. “Ban đầu ổng đi học trung cấp để đủ điều kiện làm ăn, tui thấy cũng phải, nên một mình vừa coi cửa hàng, vừa quán xuyến chuyện nhà để chồng yên tâm ăn học. Đến khi ổng “đòi” học lên cao đẳng, tui phát hoảng. Nhưng ổng quyết tâm dữ quá, rồi anh Năm Biểu tới động viên, nên tui mới chịu. Lúc đó tui trộm nghĩ, chắc mấy ổng đi học ít bữa cho vui rồi nghỉ, hổng dè mấy ổng học tới cùng, rồi còn học lên đại học” - bà Bê nhớ lại.

Ông Biểu phục vụ văn nghệ ở nơi đến thực tập.

Không chỉ gồng gánh chuyện nhà cho chồng “ăn học”, nhiều lúc bà Bê còn phải “cùng đi học” với chồng. Đó là những khi ông Xê bị bệnh không thể đi học, bà phải lặn lội xuống trường xin phép cho ông. Ông bị tai nạn chân không đi lại được, bà phải “thân gái” chở chồng đến trường... Mỗi chiều “tan trường”, bà cứ thấp thỏm ngồi trước nhà đợi ông về. Những chiều mưa lớn, bà lo cho “chàng sĩ tử” của mình phải đi về đường xa trong mưa gió.

Cùng hoàn cảnh trên, trong thời gian ông Năm Biểu đi học, bà La Thị Kim - vợ ông - cũng vừa coi cửa hàng thuốc BVTV vừa quán xuyến chuyện nhà. Mà “chuyện nhà” của ông bà không hề đơn giản: Lúc nào cũng nuôi 50 – 100 con heo. Vốn là giáo viên tiểu học, bà Kim rất trân trọng chuyện học của chồng, bà tạo mọi điều kiện để chồng “nấu sử sôi kinh”. Bà nhớ lại: “Ban đầu tui còn gồng gánh nổi chuyện nhà, chuyện cửa hàng, về sau thấy đuối nên những ngày ổng đi học tôi phải đóng cửa hàng, chỉ tập trung lo cho bầy heo”. Bà Kim không lo chuyện “rượu chè say sưa” của chồng, vì ông Biểu sinh hoạt rất chuẩn mực. Bà chỉ lo một chuyện: Ông bị hẹp van tim đã lâu, chạy xe máy đường xa dễ buồn ngủ.

Về chuyện này, ông Biểu nêu kinh nghiệm: “Mỗi khi thấy muốn ngáp là biết thiếu máu lên não, tôi ghé vào quán nằm võng nghỉ, đợi khỏe đi tiếp”. Từ khi đi học, bệnh trạng của ông không những không nặng thêm, mà còn có dấu hiệu thuyên giảm. “Nhờ học mấy thầy ở trường phương pháp chữa bệnh, nhưng cái chính có lẽ do đi học thấy thoải mái đầu óc nên có lợi cho sức khỏe” - ông Biểu nói. Nói về chuyện vợ lo cho mình đi học, ông Biểu so sánh: “Không biết hồi xưa nàng Châu Long (trong vở cải lương Lưu Bình – Dương Lễ) lo cho Lưu Bình ra sao, chứ nếu không có vợ tôi, tôi không thể nào học hành tới nơi tới chốn”.

Sẽ nhân rộng gương hiếu học của hai ông Xê và Biểu

Ông Phạm Thanh Phong – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An - nhận định: “Gương học tập của hai ông Lê Văn Xê và Nguyễn Văn Biểu là rất đáng quý trong bối cảnh tỉnh Long An đang nỗ lực khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người ra sức học tập nâng cao trình độ, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh nhà công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Hội Khuyến học tỉnh sẽ nhân rộng những gương hiếu học điển hình này để mọi người, nhất là thế hệ trẻ noi theo, học tập tốt.

Nguyễn Phấn Đấu

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang