• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm

Nguồn tin: VGP, 05/03/2013
Ngày cập nhật: 6/3/2013

“Không dám làm thì không thoát được nghèo” - tâm sự của chị Đặng Thị Hằng, trưởng thôn thuộc một xã vùng núi cao ở huyện Thạch Thông, Bắc Kạn, nơi đồng bào Dao sinh sống. Quyết tâm của chị khiến bao người dân nể phục, tin theo.

Đường lên Lủng Lỳ. Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Lúc chỉ đường cho tôi lên thôn Lỷ Lùng, huyện Bạch Thông, chị Nguyễn Thị Kim Thông, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn bảo: “Đường đến nhà chị Hằng khó đi lắm. Người dưới xuôi như em, chị sợ không đi nổi”.

Từng xuôi ngược ở Lai Châu, Hà Giang nhưng tôi chưa thấy con đường nào “khổ đau” đến thế: đá xanh lởm chởm, dày đặc ổ voi, ổ gà… Chiếc xe gắn máy cứ chồm lên, lại sụp xuống, cài số 1 mà đi cứ ì ạch. Thấy tôi dò dẫm đổ dốc, anh bạn bản địa người Dao cưỡi trên chiếc xe Win cười nói: “Đúng là tay lái miền xuôi chưa được tôi luyện”...

Tìm được loại cây chủ lực

Gần giữa trưa, chúng tôi có mặt ở nhà chị Đặng Thị Hằng, Trưởng thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Trong nhà, chị đang tổ chức họp bà con dân bản để chuẩn bị cho vụ mùa mới. “Thực tế cho thấy, cây dong riềng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa qua, có gia đình thu được gần 80 triệu đồng. Đây là loại cây chủ lực để bà con làm giàu”, chị Hằng nói đầy thuyết phục… Mới làm trưởng thôn được 3 năm nhưng chị Đặng Thị Hằng đã biến giấc mơ làm giàu của đồng bào dân tộc Dao ở Lủng Lỳ dần trở thành hiện thực, tỉ lệ hộ nghèo nơi đây giảm mạnh…

Chỉ tay về ngôi nhà sàn khang trang bên kia đường, chị Hoàng Thị Sính, người trong thôn cho hay: “Gia đình tôi mới làm căn nhà hơn 100 triệu đồng. Một phần không nhỏ tiền xây nhà từ cây dong riềng mà trưởng thôn Hằng mang về cho bà con trồng”.

Đầu đuôi câu chuyện thế này. Vào năm 2010, chị Hằng được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Lủng Lỳ khi mới 29 tuổi. Thời điểm ấy, cả thôn có 31 hộ, toàn là người Dao, trong đó có đến 27 hộ nghèo.Thương bà con quanh năm bám cây ngô, cây lúa mà không đủ ăn, chị luôn trăn trở tìm hướng làm ăn mới cho dân bản thoát nghèo.

Mùa đông năm 2011, trời rét căm căm. Một buổi sáng sớm lạnh buốt, chị Hằng bật dậy, rón rén sắp xếp hành lý giữa lúc bản làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ, khăn gói vượt hơn 60 cây số về huyện Chợ Mới tìm hiểu việc trồng cây dong riềng.

Toàn cảnh thôn Lủng Lỳ. Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Ngay lần đầu tiếp xúc, chị như bị loại cây này... bỏ bùa mê vì đã nhận thấy tiềm năng kinh tế to lớn của nó. Về nhà, chị vận động bà con khai hoang để trồng giống cây mới. “Mới đầu người dân còn e ngại, không hào hứng. Nhiều người còn bảo trồng xong không có chỗ mua lại vất đi”, chị Hằng nói. Thế rồi một lần nữa, chị lại một mình lặn lội sang huyện Na Rì nhưng lần này là đi tìm mối tiêu thụ. Mấy lần vượt núi, cuối cùng chị cũng ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dong riềng cho người dân trong thôn.

Có đầu ra, bà con yên tâm sản xuất. Mùa xuân năm ngoái, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Lủng Lỳ bắt đầu mùa vụ bằng giống cây trồng mới với hy vọng đổi đời. “Đưa cây dong riêng về cho bà con trồng, tôi lo lắm, cảm giác như đánh bạc. Nhưng không dám làm thì không thoát được nghèo”, chị Hằng cho biết.

Đất chẳng phụ người, ngay vụ đầu tiên đã thắng lớn, thôn Lủng Lỳ vui như mở hội khi cây dong riềng được mùa, lại được giá. Diện tích trồng dong riềng của thôn là 8 ha, cho sản lượng hơn 320 tấn với tổng giá trị gần 640 triệu đồng. Tính ra 1 ha trồng dong riềng, bà con thu về gần 80 triệu đồng, cao gấp 20 lần trồng lúa. Nhà trồng ít thu về khoảng 10 triệu đồng, nhà làm nhiều lên đến gần 80 triệu đồng mỗi năm. Chị Hằng nói kết quả như vậy cũng khiến chị bất ngờ...

“Năm nay, xã dự định mở rộng diện tích trồng dong riềng lên 50 ha. Tôi đã ký được hợp đồng tiêu thụ với vài cơ sở chế biến trong tỉnh. Bây giờ, cây dong riềng đã trở thành cây thoát nghèo, làm giàu của bà con xã Cao Sơn”, chị Hằng hào hứng nói thêm...

Thôn nghèo thay da đổi thịt

Đó là kết quả tất yếu. Ông Nông Thanh Pảo, Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn khoe với chúng tôi: “Bây giờ, thôn Lủng Lỳ kinh tế phát triển mạnh nhất xã. Tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức trung bình toàn xã”. Mấy năm trước, thôn nghèo xơ xác. Cây lúa, cây ngô chỉ trồng được một vụ nên không đủ ăn. Đói nghèo cứ luẩn quẩn từ năm này sang năm khác. Chỉ sau 3 năm làm trưởng thôn, chị Hằng đã đưa thôn từng được gắn mác nghèo nhất nhì xã thay da đổi thịt. Năm 2010, cả thôn Lủng Lỳ có 87% gia đình thuộc hộ nghèo, đến nay giảm chỉ còn 26%.

Với cách làm táo bạo, đưa giống cây trồng mới về cho bà con canh tác, chị đã giúp giấc mơ làm giàu của nhiều gia đình người Dao trong thôn trở thành hiện thực.

Niềm vui về mùa vụ tốt tươi (chị Hằng đứng giữa). Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

2 năm trước, gia đình chị Triệu Thị Quan, thôn Lủng Lỳ còn nằm trong diện hộ nghèo. Hai vợ chồng chị vất vả sớm tối bên nương rẫy mà chẳng được là bao. “Vợ chồng tôi cũng muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng kinh tế chỉ dựa vào cây ngô, cây lúa nên chẳng khá lên được”, chị Quan chia sẻ. Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, vợ chồng chị Quan đón niềm vui lớn: Chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

“Tất cả là nhờ có cây dong riềng mà trưởng thôn Hằng mang về cho bà con trồng. Nhờ có giống cây này mà gia đình tôi bắt đầu có của ăn, của để”, chị Quan cho biết. Năm ngoái, hai vợ chồng chị nhận trồng nửa ha dong riềng. Cuối năm thu hoạch thắng lớn. Mới bán một nửa sản lượng mà chị đã thu về hơn 10 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời cầm trên tay số tiền lớn như vậy, người phụ nữ có nước da ngăm đen, dáng cao gầy cứ run run vì chính niềm vui của mình.

Nói về nữ trưởng thôn người Dao này, chị Nguyễn Thị Kim Thông, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cứ tấm tắc mãi: “Chị Hằng còn trẻ nhưng làm việc cừ lắm. Bà con rất tin yêu. Chính sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của chị đã đem lại cuộc sống no ấm cho dân bản”.

Nguyễn Thắng

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang