• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Năm Tỵ nói chuyện khai thác và bảo vệ rắn

Nguồn tin: CPV, 06/02/2013
Ngày cập nhật: 9/2/2013

Hiện nay, nhiều loài động vật trên thế giới ngày càng suy giảm về số lượng. Ở Việt Nam, rắn cũng như nhiều động vật khác đang trong tình trạng bị đe dọa, số cá thể của từng loài suy giảm nhanh do nhiều nguyên nhân.

Nhân dịp đón năm con rắn Quý Tỵ 2013, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phỏng vấn PGS.TS. Lê Nguyên Ngật, giảng viên Khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một nhà khoa học đã dành nhiều năm nghiên cứu về rắn.

Nhiều loài rắn đang bị đe dọa tuyệt chủng

Thưa PGS.TS Lê Nguyên Ngật, ông đánh giá như thế nào về những lợi ích mà rắn đem lại cho con người?

Rắn đem lại cho con người nhiều lợi ích. Thịt nhiều loài rắn như: hổ mang, hổ chúa, rắn ráo, rắn sọc dưa, ri voi là đặc sản nhiều người ưa thích. Rượu ngâm rắn (bộ 3, bộ 5 loài rắn) có tác dụng tăng cường sức khỏe, chữa các bệnh về cơ, xương, khớp, thần kinh. Mỡ, cao trăn, rắn và sản phẩm từ nọc rắn độc là dược liệu hiếm. Da trăn, rắn được thuộc làm hàng mỹ nghệ như ví, thắt lưng vừa đẹp, vừa bền.

Một số loài như trăn đất, trăn gấm, hổ mang, rắn ráo, rắn mống, rắn sọc dưa, rắn sọc đuôi khoanh thích ăn chuột (động vật gây hại). Rắn ăn thịt nhiều động vật, ngược lại rắn cũng là con mồi của nhiều loài đã tạo nên thế cân bằng trong tự nhiên, góp phần giữ cho môi trường ổn định, trong lành.

Hiện nay, nhiều loài động vật trên thế giới trong đó có bò sát ngày càng suy giảm mạnh về số lượng, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng hoàn toàn. Theo ông, loài rắn ở Việt Nam có ở trong tình trạng bị đe dọa?

Rắn ở Việt Nam cũng như nhiều động vật khác (thú, chim, cá...) đang trong tình trạng bị đe dọa, số cá thể của từng loài suy giảm nhanh do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, có 11 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như: Rắn hổ chúa thuộc nhóm IB (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); 10 loài, gồm: 3 loài trăn, 3 loài rắn cạp nia, rắn cạp nong, rắn ráo trâu, rắn hổ mang thuộc nhóm IIB (hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; trong đó có 3 loài ở bậc CR (rất nguy cấp), 4 loại EN (nguy cấp) và 7 loài VU (sẽ nguy cấp). Đây là những loài có giá trị bảo tồn.

Không nên khuyến khích ăn thịt rắn

Ông có suy nghĩ gì khi rắn hiện nay được coi là một loại “đặc sản” để ăn nhậu, ví dụ như ở làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội)?

Theo tôi, không thể cấm ăn thịt rắn vì đó là nhu cầu của nhiều người. Nhiều loài rắn không thuộc dạng cấm săn bắt, một số người sử dụng thịt rắn nuôi trong gia đình rất khó xác định, quản lý.

Tuy vậy, không nên khuyến khích ăn thịt rắn vì số rắn nuôi hiện nay chưa nhiều. Không nên săn bắt, sử dụng các loài rắn có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong Sách Đỏ Việt Nam 2007.

Gần đây ở một số nơi đã xuất hiện các mô hình nuôi rắn ở hộ gia đình hoặc nuôi rắn ở quy mô trang trại. Ông đánh giá như thế nào về tình hình trên và triển vọng của nghề nuôi rắn?

Từ năm 1962, Phòng Ngoại thương Hà Nội đã xây trại rắn ở Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội), sau đó ít năm không còn hoạt động. Khoảng 1990 có trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9); trại rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Đến nay ở nhiều nơi như Hải Dương, Sơn Tây (Hà Nội)... đã có các cơ sở nuôi rắn ở quy mô gia đình, trang trại với nhiều loài rắn khác nhau.

Việc nuôi rắn nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Cần tận dụng sự kết hợp của nhà nông còn nghèo vốn nhưng giàu nhân lực, nhà khoa học có một phần kiến thức, kinh nghiệm và nhà tài trợ có kinh phí, hảo tâm. Đương nhiên phải được phép của Kiểm lâm và chính quyền; phải tuân theo Luật Đa dạng sinh học, Công ước CITES mà nước ta đã ký tham gia.

Theo tôi, nghề nuôi rắn có nhiều triển vọng vì hiện nay đã có nhiều cơ sở ở các tỉnh nuôi nhiều loài rắn khác nhau; trong đó, nhiều người đã nuôi thành công, có thu nhập cao.

Theo ông, cần có giải pháp gì để bảo vệ rắn trong tự nhiên?

Để bảo vệ rắn trong tự nhiên, theo tôi cần có một số giải pháp:

Không săn bắt, sử dụng trái phép, nhất là những loài rắn có giá trị bảo tồn.

Bảo vệ rừng, biển là nơi có nhiều loài rắn sinh sống.

Chống ô nhiễm môi trường, như: Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; thải rác, thải nước không theo hướng dẫn, quy định; làm bẩn nước sông, suối, hồ.

Phát triển nuôi cứu hộ, nuôi sinh sản, nuôi rắn thương phẩm trong gia đình, trang trại.

Tăng cường hiệu lực quản lý, nhận thức về động vật hoang dã đến lực lượng kiểm lâm, các cấp chính quyền và người dân.

Cần trân trọng, bảo vệ rắn

Xin ông cho biết đôi nét về tình hình nghiên cứu khoa học về rắn ở Việt Nam hiện nay?

Nghiên cứu rắn ở Việt Nam chưa nhiều. Đã có 1 luận án Tiến sĩ về các loài rắn ở Việt Nam, 1 luận án Tiến sĩ khoa học và 5 luận án Tiến sĩ về sinh thái học một số loài rắn trong điều kiện nuôi như hổ mang, rắn ráo, rắn ráo trâu; 8 luận án Tiến sĩ khác và hơn 30 luận văn Thạc sĩ về Lưỡng cư Bò sát, trong đó có 2 luận văn về nuôi rắn hổ chúa. Hàng chục bài báo của các tác giả trong và ngoài nước về thành phần loài, phân bố, phân loại, sinh thái học, các loài rắn mới phát hiện... ở Việt Nam. Đã xuất bản 3 cuốn Danh lục Ếch nhái và Bò sát Việt Nam, trong đó có các loài rắn.

Số loài rắn đã biết ở Việt Nam năm 1996 là 146 loài, 2005: 172 loài , 2009: 192 loài, đến nay gần 200 loài, trong đó có khoảng 52 loài rắn độc thuộc 2 họ rắn Hổ và rắn Lục. Chắc chắn còn nhiều loài sẽ được phát hiện tiếp.

PGS.TS. Lê Nguyên Ngật giới thiệu một tiêu bản rắn hổ chúa trong bộ sưu tập rắn tại gia đình. Theo ông, đây là loài rắn đứng đầu trong các loài rắn quý hiếm nhất ở Việt Nam hiện nay.

Đối với nhiều người, rắn là một con vật rất đặc biệt, gợi nên nhiều suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Là một nhà khoa học, ông có suy nghĩ gì khi dành nhiều công sức và cả tâm huyết của mình để nghiên cứu rắn?

Nhiều người sợ rắn vì có thể bị rắn cắn, mang thương tật hay tử vong; có người thành kiến đến mức cứ thấy rắn là tìm cách đập chết. Số khác tôn thờ rắn, lập miếu hay đền thờ cúng; số khác nữa quan niệm "gặp rắn thì đi" với nghĩa rắn sẽ đem lại may mắn.

Tôi dạy môn Động vật học có xương sống và nghiên cứu về các loài Lưỡng cư Bò sát theo Giáo sư Trần Kiên. Những kiến thức về rắn cần cho giảng dạy nói riêng và đời sống nói chung nên tôi quan tâm đến các loài rắn. Hơn nữa động vật hoang dã ở nước ta khá phong phú, ít có nước nào như vậy; nên chúng rất cần được trân trọng, bảo vệ.

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình về rắn, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ ?

Khoảng năm 1977 - 1978, lần đầu tiên tôi phải cầm rắn hổ mang trên tay, lấy nọc để các bác sĩ, y sĩ, lãnh đạo của Xí nghiệp Dược phẩm Vĩnh Phú và nhiều người hiếu kỳ chứng kiến. Tôi rất sợ bị rắn cắn, nhưng may là mọi việc ổn thỏa.

Hồi đó, tôi nuôi rắn hổ mang con trong phòng ở thuộc khu tập thể trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một lần đi vắng, vô ý để rắn sổng ra ngoài, bò sang các nhà xung quanh. Khu tập thể báo với bảo vệ, nhờ bộ môn đến phá cửa bắt rắn. Lần đó tôi còn bị phá mất chuồng nuôi và giết mất một con rắn xanh mới đẻ thu từ Tam Đảo về và suýt nữa tôi bị “trục xuất” ra khỏi khu tập thể của trường. Sau này tôi luôn nghĩ mọi việc phải hết sức cẩn thận.

Nhiều người thợ bắt rắn được “ngưỡng mộ” về sự tài tình và mạo hiểm trong việc bắt rắn độc. Là người nghiên cứu rắn, chắc ông cũng rất giỏi trong việc bắt rắn?

Người bắt rắn không dùng bao tay, không sử dụng bất cứ loại thuốc nào xoa trên tay; nếu cẩn thận thì dùng gậy có móc lôi rắn ra rồi nắm nhẹ vào đầu hoặc thân rắn. Quan trọng nhất là không làm rắn bị đau, khi bắt được rồi thì tránh sao cho đầu rắn không tiếp xúc với cơ thể người, hoặc hướng đầu rắn ra xa.

Thực tế khi gặp rắn chỉ cần đứng im, đa số rắn sẽ chủ động bò đi; rắn chỉ tức giận khi bị quấy rầy hoặc bị va chạm. Riêng trăn lớn có thể coi trẻ em như con mồi; rắn hổ mang, hổ chúa thường chủ động tấn công, thậm chí có thể phun nọc ra xa 1-2 mét, với chúng phải hết sức cẩn thận.

Tôi bắt rắn không giỏi, những năm nuôi rắn tôi cũng bắt rắn hổ mang bằng tay trần, sau đó để an toàn hơn, tôi thường dùng gậy hoặc kẹp để bắt rắn.

PGS.TS. Lê Nguyên Ngật và chiếc gậy dùng để bắt rắn do Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất.

Là một người chuyên nghiên cứu về rắn, ông có điều gì gửi gắm nhân dịp đón năm con rắn Quý Tỵ 2013?

Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, tôi mong mọi người đừng thành kiến với rắn, đừng giết hại rắn mà quan tâm đến rắn nói chung. Tôi muốn có nhiều người nghiên cứu về rắn, nhiều người nuôi rắn với những thành công mới để trao đổi kinh nghiệm, nhằm khai thác và bảo tồn rắn có hiệu quả hơn; làm sao để nguồn tài nguyên rắn ở nước ta không bị mai một mà ngày càng phát triển.

Phạm Đức Thái

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang