• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Thầy thuốc rắn ở đại ngàn U Minh

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 03/02/2013
Ngày cập nhật: 4/2/2013

Ở đại ngàn U Minh Hạ, vùng giáp ranh 2 xã Biển Bạch (Thới Bình) và Khánh Thuận (U Minh), Cà Mau, có một nhà nông biệt tài chữa rắn cắn, nghe danh ai cũng biết. Tên thật của ông là Hà Văn Thành (51 tuổi), biệt danh “thầy rắn Ba Thành”.

Chiếc phà nhỏ trước mặt tiền UBND xã Biển Bạch đưa xe chúng tôi ngang dòng sông Trẹm hiền hoà. Bờ đối diện là Lâm ngư trường Sông Trẹm cũ, nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Từ bến phà này, xe men theo con lộ nhựa xuyên rừng một đoạn chừng 1,5 km là đến nhà thầy thuốc rắn Ba Thành.

Trong căn nhà ẩm thấp bằng cây lá địa phương, bao quanh là đại ngàn rừng tràm, bên bình trà nóng ngày cuối đông, từ nghiệp bắt rắn và chữa rắn cắn của mình, ông Ba Thành hé lộ nhiều điều thú vị…

Anh Thành Rắn bắt rắn theo yêu cầu.

Trả nợ “thầy mo”

Thân sinh Ba Thành là cụ Hà Quang Thắng. Ngày trước, cụ Thắng là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Thời gian tại đây, ông phải lòng cô gái trẻ người dân tộc Thái tên Lê Thị Oa, quê Thanh Hoá. Chưa đầy một năm nơi xứ người, anh lính trẻ cùng cô gái miền sơn cước nên duyên vợ chồng. 6 người con lần lượt ra đời trong mưa bom bão đạn.

Sinh ra trong thời loạn nên cậu bé Thành sớm chứng kiến cảnh bom đạn, theo mẹ chạy bom đạn giặc khắp nơi ở vùng rừng núi Thanh Hoá - giáp ranh nước bạn Lào. Trong một lần trú bom trong hang động, Ba Thành bất ngờ bị rắn cắn, tím tái tay chân.

Bất chấp hiểm nguy, bà Oa ôm con chạy thụt mạng đến nhờ thầy Mo Tôm (thầy thuốc và là người có uy tín trong đồng bào Thái) chạy chữa. Sau vài giờ đắp lá thuốc, Ba Thành tỉnh lại.

Sau lần ấy, Ba Thành quý trọng thầy nên đeo chân thầy mo này bôn ba khắp buôn làng hái lá thuốc chữa bệnh cứu người, học nghề chữa rắn cắn.

Sau thầy Mo Tôm, Ba Thành tiếp tục theo thầy Mo Khai, thầy Mo Típ. Đây là những thầy được đồng bào dân tộc trọng vọng.

Ông Ba Thành tâm đắc, hái bất kỳ cây thuốc gì thầy cũng chỉ cho biết công dụng, cây đó chữa được bệnh gì, trị được độc loại rắn nào và chỉ luôn loài rắn đó đặc thù ra sao, sinh sống tập trung ở đâu. Cái quý ở các thầy là chữa bệnh cứu người không bao giờ nhận tiền hay nhận hậu tạ từ phía gia chủ, chữa xong đi liền, mời ăn cơm cũng từ chối.

Dù không nói ra nhưng ông Ba Thành ngầm hiểu đó như lời nguyền trong nghề. Cái duyên với các thầy không được lâu vì sau năm 1975, Ba Thành theo cha về lại Cà Mau sinh sống. Về Cà Mau, Ba Thành được cha cho ăn học đến hết lớp 9/10 (ngày trước bậc phổ thông chỉ 10 lớp), sau đó vào làm ở Xí nghiệp Xà Bông.

Đến năm 1996, ông xin chuyển về Ban Tự túc Tỉnh uỷ Minh Hải. Sau năm 2002, ông xin về giữ rừng ở Khánh Thuận cho đến nay. Trong quãng thời gian công tác, Ba Thành học lóm thêm ít nhất 3 thầy thuốc rắn tại địa phương, tham gia chữa nhiều ca thập tử nhất sinh được dân trong nghề biết tiếng.

Ông Ba cho biết, có một số cây thuốc địa phương không có. Bởi vậy, đi công tác đến đâu, biết có thầy này thầy kia chữa rắn, bắt rắn là mình trao đổi nghề. Nhờ vậy, về sau ông biết được rất nhiều cây thuốc nam có dược tính và thay thế được cây thuốc đã học, cứu người mau lẹ hơn.

Ở ẩn nổi danh

Ngày Ba Thành nộp đơn xin về giữ rừng và mua đất trồng rừng, canh tác lúa ở nơi hẻo lánh Khánh Thuận khiến không ít người ngỡ ngàng, tiếc nuối. Cho đến giờ, người biết được lý do thật sự khiến ông về ở ẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo Ba Thành, về làm kinh tế gia đình một mặt để có điều kiện lo cho 5 đứa con ăn học, một mặt ông không muốn tái diễn điều cấm kỵ trong nghề.

Ba Thành tâm sự: “Mấy chú, mấy bác lãnh đạo hồi đó thương và quý tôi lắm. Đi đâu cũng thường rủ theo bắt rắn làm mồi nhậu. Sợ động đến điều kỵ, tôi nghỉ làm luôn, về giữ và trồng rừng”.

Ba Thành có người bạn, động nhiều đến điều tối kỵ bị rắn cắn bỏ mạng. Đó là anh Phước, một thợ chuyên bắt rắn hổ đước, hổ đất ở miệt rừng ngập mặn Giáp Nước, huyện Phú Tân. Hồi còn tham gia chiến đấu ở biên giới Campuchia, Phước được đồng bào địa phương chỉ dẫn vài phương thuốc chữa rắn cắn và bắt một số loại rắn độc.

Về quê làm kinh tế, thói quen rượu chè lúc về đêm, ông Phước thường nổi hứng bắt rắn. Nhiều lần ông Ba Thành khuyên ngăn nhưng không nghe, mất mạng oan uổng.

Nhờ thực hiện tốt lời răn dạy của các thầy Mo và làm tốt những điều tối kỵ nên hàng chục năm trong nghề, ông Ba Thành chưa từng gặp sự cố. Ngoại trừ bắt rắn trong trường hợp bị bắt buộc, trước giờ Ba Thành chưa từng ăn thịt rắn, bắt rắn bán kiếm tiền hoặc nhận quà cáp, tiền bạc từ những nạn nhân được ông chữa khỏi vì rắn cắn.

“Lúc mới xuất hiện vài đám mưa đầu mùa, rắn bạ (rắn không nằm hang) ăn mồi, tìm nơi ấm để phơi nắng, mau tiêu hoá mồi. Thời điểm đông ken ấy, nếu tôi mà chịu bắt một ngày bán hơn chục triệu là bình thường”, ông khẳng định.

Hơn chục năm về miệt rừng U Minh, ông Ba Thành không nhớ rõ đã chữa khỏi cho bao nhiêu trường hợp bị rắn cắn, hàng trăm thì hơi quá, nhưng hàng chục thì có thừa.

Cứu vật, vật trả ơn

Gắn bó cả chục năm trời ở miệt rừng ấp 20, xã Khánh Thuận nên ông Ba Thành thêm yêu rừng, gắn bó với rừng. Ông có hai cây nỏ tự chế, ngày trước thường dùng săn thú rừng ở vùng cao những lúc thiếu ăn.

Song, từ ngày về sinh sống ở đại ngàn rừng tràm, ông cất chúng vào xó bếp, chỉ sử dụng những lúc bầy trăn đói bụng, cần chuột đồng.

Ngay cả một số loài thú hoang trong rừng, như: nai, nhím,… không may bị mắc bẫy của thợ săn tứ xứ, hễ đi rừng gặp là ông gỡ bẫy, băng bó vết thương rồi thả đi.

Ông Ba Thành cho biết: “5 năm trước, tôi đến nhà bạn nhân dịp đám cúng cơm. Nó khoe vừa mua được con heo rừng con khoảng 1,6 kg bị mắc bẫy do thợ săn bán nhưng dưỡng hơn nửa tháng trời mà vết thương ở chân không khỏi. Bạn đòi nướng đãi, tôi ngăn và ngỏ lời xin mua con heo đó với giá 1 triệu đồng. Mang về nhà, tôi đắp thuốc chưa đầy 1 tuần lễ con heo đi lại ngon lành. Giờ thì con heo ấy khoảng 60 kg”.

Con heo rừng què quặt ngày nào sau khi được Ba Thành giải cứu, chữa lành vết thương, nó háu ăn và lớn nhanh. Ông Thành cho lai với heo bản địa vùng cao. Không lâu sau, vợ chồng Ba Thành có bầy heo rừng lai đầu tiên, đến nay hơn 9 lứa giống.

Ông xây chuồng xi-măng, dành heo tốt để nái, bình quân mỗi năm bán ít nhất 100 heo giống, mỗi con giá 1 triệu đồng. Nhờ nguồn thu ấy, cộng với huê lợi từ lúa, cá,… mà đến nay, ông có tiền lo cho con mình ăn học.

Trò chuyện cùng chúng tôi gần cả buổi chiều, ông Ba Thành trải rộng đời tư, nghiệp rắn qua từng ly trà nhạt. Lo lắng nhất của ông Ba hiện nay là gắng sức làm dành tiền cho con ăn học. Cái lo kế là người kế nghiệp.

Theo ông, ở miệt rừng xa trạm xá, bệnh viện nhưng rủi ro bị rắn cắn xảy ra rất thường. Vì vậy, cần phải có người nối nghiệp, biết nghề để chữa trị giúp bà con khi ông không còn đủ sức khoẻ đảm đương. Người đó phải thật sự yêu nghề, có cái tâm trong nghề, làm không vì vật chất, tiền tài.

Đợt triều cường hồi tháng 10 vừa qua, nước ngập lênh láng đồng ruộng, ngập luôn khu vườn nhà ông khiến phần lớn cây thuốc nam chuyên chữa rắn cắn, ong vò vẽ đốt… bị úng gốc chết. Dù cố công gầy lại nhưng vẫn chưa đủ vì trong số ấy có một số loại cây miệt Cà Mau không có, ông phải cất công về tận miền núi Thanh Hoá và qua cả vùng biên giới nước bạn Lào để kiếm giống về trồng.

“Vài bữa con cái có việc làm hết rồi, tôi sẽ cất lại căn nhà, xin phép cấp có thẩm quyền cho tôi nuôi rắn hổ và heo rừng. Đây là những loài đang bị săn bắt lén lút rất nhiều, phải gầy giống lại. Với lại, nọc độc của rắn chữa trị rất nhiều bệnh nan y, cực hiếm. Khi mình có sẵn nguồn rắn, việc “lấy độc trị độc” sẽ dễ dàng và kịp thời hơn”, ông Ba Thành tâm sự.

Tiến sĩ Phạm Trọng Ảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết: “Tôi từng tìm đến tận nhà, tận mắt thấy anh Ba Thành chỉ những nơi rắn ẩn náu, thậm chí bắt cho tôi xem, chỉ bài thuốc để chữa trị loại rắn đó cắn cho mau khỏi. Phía Trại rắn Đồng Tâm từng 2 lần tới tận nhà, mời anh Ba Thành về công tác trên đó, hứa cấp đất, cấp nhà và chế độ đãi ngộ khác hấp dẫn nhưng ảnh cương quyết không theo. Bởi theo lý giải của ảnh, không làm nghề rắn vì tiền”.

Hải Yến

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang