• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Năm rắn nói chuyện trăn

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 21/01/2013
Ngày cập nhật: 22/1/2013

Sau thời “nhà nhà nuôi trăn” khiến bao người phải sạt nghiệp, thì nay nghề này đang dần khôi phục.

Theo một số người có “dính líu” tới nghề nuôi trăn, hiện toàn tỉnh có khoảng vài trăm hộ nuôi loài động vật hoang dã được thuần hoá này, quy mô từ 5, 7 con đến trên 1.000 con. Riêng TP Cà Mau có trên 30 hộ nuôi.

Giá trăn hiện từ 280.000 - 330.000 đồng/kg tuỳ trọng lượng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Anh Trần Văn Tân ở xã Định Bình, TP Cà Mau sống bằng nghề nuôi tôm. Một lần có người thân ở Đồng Tháp gợi ý cho mấy con trăn con, anh mang về “nuôi thử”.

Ban đầu anh gài chuột con cho trăn ăn, dần dần trăn lớn, chuột không đủ, thỉnh thoảng làm vuông có tiền anh “chơi sang” mua vịt cho chúng ních. Những lúc “kẹt”, anh bắt cá phi ngoài vuông tập cho trăn ăn.

Những chú trăn rừng được thuần hoá qua nhiều thế hệ đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ảnh: Huỳnh Lâm

Nuôi trăn như… tiền bỏ ống

Thấm thoát “xuân sang, hạ đến, thu về, đông gõ cửa”, những con trăn của anh đạt trọng lượng trên 6 kg. Lúc đó, anh ra Cà Mau dọ chỗ “bán thử”.

Lần ấy, anh bán 2 con, tổng cộng được 2,7 triệu đồng. Thấy ham, còn lại 2 con, 1 đực, 1 cái, anh tìm hiểu sách báo, tài liệu về nuôi trăn, học hỏi thêm người này người nọ rồi cho trăn phối giống để đẻ lấy trăn con nuôi tiếp.

Tính ra, anh có hơn 8 năm nuôi trăn, hiện trong chuồng có gần 10 con trăn lớn và một bầy trăn con đang chuẩn bị bán. Anh cho biết, 1 con trăn con hiện có giá đến 300.000 đồng, anh nhẩm tính, bầy trăn trên 20 con của anh bán cũng được trên 6 triệu đồng.

Dù có nguồn trăn giống tại nhà, nhưng mấy năm nay anh chỉ duy trì nuôi dưới 10 con, còn lại bán cho xóm giềng. Anh bảo, nuôi nhiều cho ăn không nổi, vả lại, giá cả trăn cũng phụ thuộc vào thị trường nay tăng, mai giảm nên anh không dám đầu tư lớn.

Anh tiết lộ, cắc củm vậy mà như tiền bỏ ống, những lần bán trăn anh được bạc triệu, mua sắm được những thứ có giá trị kha khá trong nhà, trong đó có chiếc xe gắn máy.

Có một điều dễ nhận thấy là, giờ nghề nuôi trăn ở Cà Mau diễn ra rất thầm lặng, có lẽ rút kinh nghiệm từ việc nuôi ồ ạt dẫn đến trăn rớt giá thê thảm trước đây nên giờ các hộ rất dè dặt, “giấu nghề”, mỗi người tự tìm cho mình một lối đi riêng. Ở phường 8 có một cơ sở làm da trăn, trong quá trình thu mua trăn để giết mổ, những con trăn đẹp, chủ giữ lại tiếp tục nuôi dưỡng để tăng thêm trọng lượng kiếm thêm đồng lời. Khi trăn con có giá như hiện nay, ông chủ này đóng thêm chuồng và chọn lọc giữ lại được đến mấy mươi con trăn từ 10 - 50 kg để nuôi nái.

Ở phường 1 có trang trại nuôi đến hàng ngàn con trăn thịt, mỗi năm xuất chuồng thu hàng tỷ đồng. Ngoài ra, hộ này còn có khu trăn đẻ với trên 100 con để tự cung ứng nguồn giống trong quá trình nuôi. Vì nuôi số lượng lớn nên có mối mua thức ăn từ vùng trên, giá cả nới hơn mua lẻ.

Khi trăn đến kỳ xuất chuồng, lại được các cơ sở thu mua cạnh tranh giá cả, nhờ vậy vừa tiết kiệm được tiền thức ăn, lại bán được giá, mang lại lợi nhuận cao.

“Nghề trăn” cũng lắm công phu

Ngoài nuôi trăn thịt, trăn đẻ, mấy năm nay, trên địa bàn TP Cà Mau lại xuất hiện một số hộ nuôi trăn kiểng. Anh Nguyễn Thi (phường 8) là một trong những người thành công ở lĩnh vực này.

Anh Thi bước vào nghề nuôi trăn trên 10 năm. Ban đầu là nuôi trăn thịt, trăn đẻ, sau thời gian trăn rớt giá, vốn có máu mê trăn, thông qua bạn bè, anh bắt đầu bước vào làng trăn kiểng. Anh cho biết, trăn cũng có rất nhiều loại, mỗi loại có đặc điểm, vẻ đẹp riêng.

Đặc biệt, qua mày mò, học hỏi từ bạn bè, sách vở, anh đã lai tạo thành công giống trăn vàng lai và trăn bạch tạng rất quý hiếm trên thị trường.

Để có được giống trăn vàng lai, trăng bạch tạng, anh Thi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, lai tạo. Trăn con phải nuôi 3 năm mới phối giống được. Ban đầu anh đi phối giống giá đến 2 triệu đồng. Giờ anh tự nuôi trăn đực để phối giống và lai tạo. Từ trăn vàng lai, cũng phải lai tạo rất công phu và qua một quá trình dài mới ra được trăn bạch tạng.

Giá cả các loại này hiện cũng hết sức “khủng”, mỗi con trăn vàng lai con từ 800.000 - 1 triệu đồng, trăn lớn từ 5 - 10 kg giá từ 5 - 10 triệu đồng. Trăn bạch tạng thì giá càng hấp dẫn hơn, từ 8 - 10 triệu đồng/con trăn con. Là loại quý hiếm, giá cao nên chủ yếu cung cấp cho những người trong làng chơi trăn kiểng, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… và “du lịch” ra nước ngoài.

Ngoài anh Thi, ở TP Cà Mau còn có một số hộ thành công trong việc “chơi trăn” như ông Quang ở phường 4, ông Ngọc Anh ở phường 9…

Có một thực tế là, hầu hết các hộ nuôi trăn mỗi người một cách đều tự bươn chải, tự tìm đầu ra cho mình. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ thì giá thức ăn vừa cao, khi bán trăn thịt cũng bị các cơ sở thu mua ép giá nên nhiều người không mặn mà.

Với giá trăn con như hiện nay, nếu nuôi trăn đẻ sẽ cho thu nhập cao, nhưng người dân không dám đầu tư lớn vì sợ không có đầu ra.

Mặc dù thị trường tiêu thụ da trăn được mở rộng, xuất sang Ý, Trung Quốc, Nhật Bản… và cả tiêu thụ trong nước, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất da trăn ở Cà Mau chỉ bán qua trung gian cho các mối lái ở TP Hồ Chí Minh vì số lượng thu mua không ổn định.

Theo anh Thi, nếu được địa phương quan tâm, tìm đầu ra ổn định, có sự tổ chức, liên kết trong sản xuất… thì nghề nuôi trăn ở Cà Mau sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, góp phần đáng kể cùng Nhà nước trong công tác xoá đói, giảm nghèo.

Một tin vui cho người nuôi trăn là trong tháng 8 vừa qua, Đoàn CITES Việt Nam và nhóm chuyên gia về trăn của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đến thăm và khảo sát các cơ sở gây nuôi trăn tại Cà Mau.

Mục đích là chứng minh cho Tổ chức CITES thế giới biết rằng, da trăn xuất khẩu từ Việt Nam là sản phẩm từ gây nuôi chứ không phải săn bắt từ rừng tự nhiên để nhà sản xuất các mặt hàng từ da trăn an tâm mua sản phẩm từ Việt Nam, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho hộ nuôi trăn.

Trang Anh

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang