• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi thú dữ tại gia: Cá sấu ra lộ, vô nhà

Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 25/10/2012
Ngày cập nhật: 26/10/2012

Ở ĐBSCL, lâu lâu người dân lại thấy cá sấu bò ra đường, mò vô nhà, lội trên kênh. Đây là nỗi lo của bà con nơi đây khi khu vực này có hàng ngàn trại cá sấu nhưng nuôi nhốt lại rất vô tư.

Các trại nuôi này hầu như không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến sự cố cá sấu sổng chuồng và “ngao du” khắp nơi.

Một con cá sấu của Công ty Quốc Việt (Cà Mau) bị tóm sau một thời gian sổng chuồng đi “ngao du” - Ảnh: TẤN THÁI

Khuya 12-10-2012, một nhóm thanh niên bất ngờ gặp con cá sấu đang bò trên quốc lộ 1. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định đây là con cá sấu của Công ty TNHH kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (TP Cà Mau). Do mưa lớn nhiều ngày, tường bao bị sập, hàng chục cá sấu của công ty này đã sổng ra ngoài. Cho đến nay vẫn chưa bắt hết cá sấu sổng chuồng, hiện vẫn còn một con đang sống trong “bầu trời tự do”.

Không chỉ vụ cá sấu sổng chuồng ở Cà Mau, trong những năm qua cũng từng có một số vụ cá sấu nuôi sổng chuồng tại Cần Thơ, Long An, Kiên Giang khiến người dân địa phương nhiều phen hú vía. Do đâu mà có tình trạng này?

Kiểm lâm chưa đến

Bạc Liêu là tỉnh nuôi cá sấu lớn nhất ĐBSCL. Tính đến hết tháng 8-2012, toàn tỉnh có trên 2.100 hộ nuôi với tổng đàn gần 163.000 con. Các huyện Phước Long, Giá Rai và Hồng Dân là những địa phương có nhiều hộ nuôi cá sấu của tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu, ở Bạc Liêu mới chỉ xảy ra một vài vụ sổng cá sấu con với số lượng ít. Chi cục Kiểm lâm đến kiểm tra, chuồng trại đều thấy đảm bảo diện tích 1 m2/con cá sấu, tường rào xây ximăng cao 1,2m, bên trên có lưới B40. Thế nhưng khi chúng tôi đi thực tế tại huyện Giá Rai - giáp ranh với TP Cà Mau, nơi có đến 33.250 con cá sấu được thả nuôi theo hộ gia đình - thì hoàn toàn trái ngược với những gì mà cơ quan chức năng tỉnh này cho biết.

Ông Lộ Văn Thống (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) nuôi cá sấu hơn một năm nay. Ông Thống cho biết chưa hề được cán bộ hướng dẫn về quy cách xây chuồng nuôi. Và từ đó đến nay chưa thấy có đoàn nào đến kiểm tra việc nuôi cá sấu. Thậm chí hồi giữa tháng 6 vừa qua, ông lên Sóc Trăng mua 42 con cá sấu con về nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký với cơ quan chức năng và cũng chẳng thấy cán bộ nào “hỏi thăm” chuyện này.

Ông Lộ Thanh Tùng, chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3 (xã Phong Thạnh Đông A), cho biết thêm từ khi xảy ra sự cố cá sấu sổng chuồng ở Cà Mau đến giờ không hề thấy chính quyền hay ngành nông nghiệp cảnh báo, khuyến cáo gì với nông dân về việc phải đảm bảo chuồng trại nuôi cá sấu.

Tương tự, bà Trần Thị Hoa, hộ nuôi cá sấu ở ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), cũng cho biết như vậy. “Vừa rồi ba chuồng cá sấu cặp kinh Phước Long - Vĩnh Mỹ của tui đã bị trộm lấy đi 100 con khoảng 2 tháng tuổi. Sau vụ này, tui đã chuyển toàn bộ số cá sấu còn lại vào bốn chuồng nằm trong khuôn viên nhà. Lâu lâu mới có kiểm lâm viên xuống hỏi nuôi bao nhiêu con, nhìn quanh chuồng rồi thôi” - bà Hoa kể.

Cách nhà bà Hoa không xa là trang trại nuôi cá sấu Phương Tín rộng 3 ha của ông Trương Thanh Mai. Có thể nói đây là trang trại có lượng cá sấu nuôi lớn nhất tỉnh Bạc Liêu (26.000 con). Mỗi năm trang trại này xuất bán 20.000 con cá sấu thương phẩm và cá sấu giống.

Ông Mai nuôi cá sấu từ năm 1997. Theo quan sát của chúng tôi, trang trại này được xây chắc chắn, đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, theo lời ông Mai, thường là người nuôi “tự bơi” từ khâu xây chuồng trại đến đầu vào, đầu ra. Việc kiểm tra hay hướng dẫn hoặc thông tin thị trường của ngành chức năng thì lâu lắm mới có một lần.

Một con cá sấu của Công ty Quốc Việt (Cà Mau) bị bắt sau khi sổng chuồng (ảnh chụp ngày 15-10) - Ảnh: Tấn Thái

Nuôi tạm bợ, tự phát

Trại nuôi cá sấu của bà Trần Thị Hoàng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có cả trăm con cá sấu trọng lượng khoảng 20kg chen chúc nhau lên bãi tắm nắng. Nhiều con nằm há miệng để lộ hàm răng nhọn hoắt. Chuồng cá sấu được xây dựng khá đơn giản: tường vây quanh xây từ mặt đất cao khoảng 1m, phần phía trên làm bằng lưới B40. Có lẽ do lâu ngày, phần tiếp giáp giữa tường và lưới B40 đã bị gỉ sét, có nguy cơ bong tróc.

Gần đó là một số trại nuôi cá sấu nhỏ lẻ (có hộ nuôi chỉ một con) cũng không khá hơn, hầu hết các chuồng nuôi tường xây chỉ cách mặt đất chừng 1m, xung quanh bên ngoài chuồng không có rào chắn dự phòng. Cá sấu rất dễ thoát ra ngoài khi chuồng bị ngập.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy ở huyện Thới Bình có không ít người nuôi cá sấu nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. Phân trần về chuyện này, chị Nguyễn Thanh Thoảng (xã Thới Bình) thản nhiên nói: “Để nuôi một thời gian rồi từ từ đăng ký cũng được”. Còn ông Nguyễn Bá Sang (xã Thới Bình), người đang nuôi 100 con cá sấu, nói: “Cơ quan kiểm lâm ở xa quá nên tôi chưa có thời gian đi. Gần nhà tôi có một chú công tác ở ngành kiểm lâm, định hôm nào tôi lại nhờ chú ấy lo giấy tờ giùm”.

Ông Hà Minh Trường - đội phó Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau - cho biết hiện trên địa bàn huyện Thới Bình có trên 50 hộ nuôi cá sấu có đăng ký với tổng cộng 2.925 con. Còn những hộ nuôi chưa đăng ký thì chưa nắm được số lượng cụ thể.

“Theo quy định, nuôi cá sấu phải đăng ký với cơ quan kiểm lâm. Khi chúng tôi kiểm tra chuồng trại nếu xây dựng đảm bảo thì mới cho nuôi. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều hộ nuôi cá sấu tới khi xuất chuồng mới đăng ký với chúng tôi. Đối với những trường hợp như vậy chúng tôi thường xử phạt hành chính” - ông Trường nói.

Trao đổi xung quanh vấn đề cá sấu sổng chuồng vừa mới xảy ra, ông Lê Văn Sử - giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau - cho biết Cà Mau là vùng sông nước, hộ nuôi cá sấu tự phát tương đối lớn, nếu để cá sấu sổng chuồng thoát ra sông rạch là nguy hiểm. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát của ngành cũng gặp khó do quy định về điều kiện gây nuôi còn quá chung chung. Lực lượng kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan, thấy chuồng trại xây kiên cố, lưới rào bảo vệ cẩn thận thì cho nuôi.

“Thời gian tới, sở sẽ siết chặt hơn việc quản lý, kiểm tra các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là với loài nguy hiểm như cá sấu” - ông Sử nói.

Đ.TRIỀU - M.QUỐC - T.THÁI

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang