• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện rơm rạ và phân bón Việt ở Washington DC

Nguồn tin: VNN, 30/09/2008
Ngày cập nhật: 10/10/2008

Hai dự án của Việt Nam là “Rơm rạ cho nhà ở” và “Phân vi sinh Biogro” được đánh giá cao và nhận tài trợ 400.000 USD ở Washington (Mỹ). Thật bất ngờ và thích thú khi được biết "câu chuyện" này lại do một nhóm người Việt Nam viết nên.

Tôi thật bất ngờ khi hay tin ấy. Vì bao nhiêu năm nay, từ khi bố mẹ mình còn nuôi lợn vì mưu sinh, tôi cắt lúa ngoài đồng, chưa bao giờ tôi nghĩ phân chuồng hay rơm rạ lại gắn với phát triển, môi trường và được bàn luận ở Thủ đô Hoa Kỳ như hôm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ Hội chợ Phát triển Toàn cầu (Global Development Marketplace - DM). Hội chợ do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đã thu hút 1768 đề án từ 144 quốc gia.

DM được tổ chức hàng năm với sự hợp tác của WB, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và một số các nhà tài trợ quốc tế khác. Từ 1998 đến nay, DM đã cấp tài trợ khoảng 46 triệu USD cho các dự án sáng tạo của nhiều quốc gia và khu vực

Thế giới bàn về cuộc chiến chống đói nghèo, hội nhập đồng thời cũng lo trái đất nóng lên. FDI vào Việt Nam vẫn tăng dù kinh tế thế giới đang chao đảo.

Những cây cầu, đường cao tốc hay khu công nghiệp giúp đất nước thay da đổi thịt. Tuy nhiên, có những dự án mang chút lợi lộc nhưng lại ảnh hưởng thảm hại tới môi sinh.

Vì lợi nhuận, Vedan đã giết chết những dòng sông, tiêm thuốc độc vào nguồn nước của hàng triệu người.

Những dự án thép hàng chục tỷ đô la đang đợi phê duyệt. Sản xuất xi măng, sắt thép hay phân hoá học kèm nguy cơ rừng bị phá, ruộng lúa thành sân golf, môi sinh bị tiêu diệt và những dòng sông chết.

Tuy nhiên, có những người Việt Nam với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã thầm lặng lập dự án nhỏ nhằm giúp người nghèo nhưng không quên giữ gìn môi trường.

Họ mang ý tưởng đi thi và được cộng đồng quốc tế tài trợ cho những sáng tạo đó.

Mỗi năm có vài chủ đề về phát triển để các nước tham gia xin tài trợ qua các đề án. Năm nay (2008) có ba lĩnh vực: Liên kết những người nông dân hoạt động quy mô nhỏ với thị trường; Cải thiện đất canh tác cho người nghèo; và Tăng cường vai trò của nông nghiệp trong biến đổi khí hậu và giữ gìn đa dạng sinh học.

Từ 24 đến 26/9/2008, 100 dự án tiêu biểu của 42 quốc gia được giới thiệu tại trụ sở WB (Washington DC) tập trung vào chủ đề "Nông nghiệp bền vững vì sự phát triển".

Bốn dự án của Việt nam nằm trong số đó: Sử dụng phân vi sinh Biogro hữu hiệu cho canh tác lúa; Tận dụng rơm rạ để sản xuất vật liệu xây nhà ở; Vườn nổi trồng rau và hoa sạch; Tận dụng phân chuồng và rơm rạ để sản xuất phân compost.

Đến 26/9, WB và các nhà tài trợ đã công bố 24 dự án chiến thắng. Hai dự án “Phân vi sinh Biogro” và “Tận dụng rơm rạ” của Việt Nam được tài trợ 200.000 USD/dự án.

Biến rơm rạ thành nhà ở

Vào mùa thu hoạch, nông dân đồng bằng sông Cửu Long có hai nỗi lo: thu hoạch lúa và đốt rơm rạ. Lúa bán được cho thương lái nhưng rơm rạ đành phải đốt. Trái đất nóng dần lên vì hiệu ứng nhà kính do khí thải CO2, trong đó có phần dân ta “đốt rơm” gửi lên... Ngọc Hoàng.

Anh Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc Du lịch Bến Thành 16 năm, kể cho tôi nghe về dự án “ôm rơm”. Bước chân đi khắp miền quê, thấy chuyện nhà nông hun khói ngoài đồng, anh về mở công ty Vĩnh Sang (Vĩnh Long) nhằm tìm lối ra cho rơm rạ, thêm thu nhập cho nông dân.

Triết lý của dự án khá đơn giản. Thay vì đốt ngoài đồng, nông dân chở rơm rạ đến bán cho nhà máy. Tại đây, chúng được ép thành tấm lợp cách nhiệt và chịu nhiệt thích hợp với môi trường xây dựng nhà tại đồng bằng sông Cửu Long.

Biến rơm thành những tấm xây nhà

Trên thế giới, công nghệ chế biến rơm rạ thành ván ép xây nhà đã có từ nhiều thập kỷ. Nếu đến nhà bạn Việt kiều bên Mỹ chơi sẽ thấy nhà ở hơi ọp ẹp, đi lại trên sàn chòng chành như say sóng. Nhà có vẻ “tạm bợ” vì làm bằng gỗ thông và ván ép. Chỉ có tầng hầm được xây gạch bê tông chống thấm và làm móng.

Nhà nào khá hơn có chút gạch nung mỏng trang trí bên ngoài. Sau 50-60 năm, phá nhà cũ nát, lấy gỗ, mái lợp để tái sinh ra ván ép khác và tiếp tục dựng…nhà mới.

Sử dụng hiệu quả phân bón bằng bộ rễ cây khoẻ

Trong y tế, bác sỹ Việt Nam rất thích dùng kháng sinh. Cháu bé vài tuổi hơi sốt một chút, bác sỹ khuyên dùng kháng sinh. Uống vài liều khỏi, mẹ cười, con cười, bác sỹ vui và nhà thuốc được lợi. Nhưng cơ thể nhỏ bé dần dần bị kháng thuốc. Khi ốm nặng không kháng sinh nào chữa nổi. Những bác sỹ ấy được gọi là “licensed killer” hay "kẻ giết người có chứng chỉ".

Nông dân ta thích phân hóa học vì cây trồng phát triển nhanh. Quan niệm này giống hệt bác sỹ kê đơn kháng sinh bừa bãi. Họ dùng bất cứ loại thuốc kích thích tăng trưởng hay phân bón với giá rẻ mà không quan tâm đến hậu quả. Đây là cách tiêu diệt môi sinh thầm lặng và đôi khi có thể làm biến đổi gien của người tiêu dùng.

Số phân đạm bón cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 40%-50%, phần còn lại bị bay hơi và nằm trong đất vì bộ rễ cây không với tới được, ảnh hưởng tới môi trường đất và nước.

Tiến sỹ Phan Thị Công, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết việc sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay của ta khá tràn lan. Chất lượng sản phẩm còn nhiều điều phải bàn, ảnh hưởng môi sinh chưa được nghĩ tới một cách thấu đáo.

Ông Jean Michel Medoc, người Pháp, giới thiệu phân chuồng VN

Nhóm TS. Phan Thị Công và GS Ivan Kennedy, Đại học Sydney Úc, đã thuyết phục các nhà tài trợ chi tiền nghiên cứu khả thi dự án "Phân vi sinh Biogro", giúp cây phát triển bộ rễ khoẻ, sử dụng hiệu quả số phân đạm bón xuống ruộng, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm phân đạm bón mà vẫn duy trì năng xuất lúa.

Phân lợn trộn rơm ra…tiền

Nước ta có khoảng 27 triệu con lợn (số liệu 2007). Hàng ngày, mỗi "bác Trư" sản xuất ra 3 - 4kg chất thải. Dùng công nghệ Agrifiltre trộn rơm rạ với phân chuồng và biến thành phân composite. Môi trường giữ sạch, không mất ngoại tệ nhập khẩu phân bón hay bỏ hàng trăm triệu đô la xây nhà máy với nguy cơ ô nhiễm cao.

Viện CIRAD (Pháp) kết hợp với Viện Chăn nuôi (Hà Nội) thông qua dự án thâm canh chăn nuôi lợn, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường đang thuyết phục Ngân hàng Thế giới hãy giúp rơm rạ và phân lợn thành…tiền cho nông dân Việt Nam. Dù không được tài trợ nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện dự án.

Niềm vui của những người xa quê

Thật bất ngờ gặp những người châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh đến Washington DC với những dự án nhỏ, giúp xoá nghèo nhưng vẫn giữ môi trường trong sạch. Biết có đại diện của Việt Nam, anh Nguyễn Minh Dũng, một Việt kiều và là cán bộ cao cấp của World Bank, gửi email đốc thúc anh chị em người Việt làm việc ở DC đến thăm và động viên dự án của ta. Tuy đã mang quốc tịch Mỹ mấy chục năm nhưng có lẽ anh yêu đất nước hình chữ S và mầu xanh xứ sở hơn chính những người Việt Nam.

Thăm những quầy Việt Nam, xúc động được nghe tiếng Sài Gòn dễ thương của anh Nguyễn Minh Quyền và chị Phan Thị Công. Rất tự hào khi thấy hai người Việt lên bục nhận phần tài trợ quốc tế.

Hơi ngạc nhiên, hai quầy còn lại do mấy ông Pháp, Úc hay Canada làm người quảng cáo. Các ông Tây này thao thao về rơm rạ và phân chuồng Việt Nam, hiểu hơn cả người từng nuôi lợn hay đi gặt lúa như tôi. Nếu các quầy Việt Nam khác được những tà áo dài duyên dáng giới thiệu bằng tiếng Anh lưu loát, biết đâu số giải cao hơn và niềm vui của nhóm người Việt ở WB trọn vẹn hơn.

Quầy của Tiến sĩ Phan Thị Công đã thu hút không ít khách tới thăm. Ngoài chuyện phân vi sinh Biogro và bộ rễ cây thú vị, chiêc áo dài chị mặc mang vẻ đẹp riêng trong Hội trợ. Chị Công là một trong ba người được ông Robert Zoelick, Chủ tịch WB, mời ăn trưa.

“Vừng ơi, mở cửa ra”

Để đưa những ý tưởng trên vào cuộc sống, 200.000 USD tài trợ chỉ mới bắt đầu. Chìa khoá “Vừng ơi, mở cửa ra” nằm trong tay các nhà hoạch định chính sách và quản lý môi trường.

Xin người ký dự án hàng tỷ đô hãy nghĩ về tương lai đất nước, những dòng sông trong xanh và bãi biển đẹp mê hồn. Vedan - Thị Vải là ví dụ về thứ bột ngọt nhưng mang vị đắng cho đất nước đi lên. Đôi khi, những dự án “nhỏ” như trên là cứu cánh “lớn” cho hàng triệu nông dân và màu xanh Việt Nam.

Mấy cọng rơm rạ hay phân chuồng được tái chế đúng cách giúp đồng ruộng Việt Nam mát mắt giữa những dòng kênh nước ngọt. Vài trăm nghìn đô của những dự án nhỏ ấy có thể quảng bá cho đất nước “xanh sạch đẹp” hiệu quả hơn so với 15 triệu đô la chi cho một buổi tối để các chân dài khoe áo tắm.

Hiệu Minh (Ghi nhận từ Development Marketplace, Washington DC)

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang