• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhà sư trị rắn độc ở Bảy Núi

Nguồn tin: TP, 08/10/2008
Ngày cập nhật: 9/10/2008

Thời khẩn hoang mở đất ở vùng Bảy Núi (An Giang), con người phải thích nghi với điều kiện tự nhiên và đấu tranh với các loài thú dữ để sinh tồn.

Quá trình ấy tích lũy nhiều kinh nghiệm chinh phục thiên nhiên, phòng tránh thú dữ nguy hiểm... trong đó có các bài thuốc quý trị rắn độc cắn cứu người ở chốn rừng sâu được truyền lại đến bây giờ.

Theo hương lộ từ thị trấn Tri Tôn về xã Lương Phi, khoảng 3 km đến ngã ba ấp An Thuận (Châu Lăng, Tri Tôn) rẽ phải vào con đường nhựa hơn một cây số sẽ tới chùa Nam Qui Trên (chùa Phnôm Pilơ) ở chân núi.

Gặp chúng tôi, một nhà sư trẻ niềm nở đón tiếp. Vị sư trẻ là Đại đức Chau Kol trụ trì chùa, là cháu ngoại của “thần y” chuyên trị rắn độc cắn, cố Hòa thượng Chau Sum.

“Thần y” Chau Sum

Nói đến nghề trị rắn độc cắn ở vùng Bảy Núi, không ai không biết đến cố Hoà thượng Chau Sum. Hơn 60 năm tu hành, Hòa thượng Chau Sum đã cứu sống hàng nghìn người bị rắn độc cắn. Nhiều người nói bài thuốc quý trị rắn cắn của Hòa thượng Chau Sum là tuyệt chiêu.

Nhiều chuyện huyền bí về tài chữa rắn của cố Hoà thượng Chau Sum được thêu dệt. Nào là Hòa thượng dùng thêm mẹo và bùa để giải hết nọc rắn độc trong bệnh nhân, nào là ông ngồi niệm “thần chú” và huýt gió khiển con rắn đến bên cạnh nạn nhân để đền tội. Những câu chuyện đồn đại ly kỳ về biệt tài của “thần y” Chau Sum trị rắn độc cắn lan khắp cả vùng Bảy Núi.

Nhiều người ở các huyện đầu nguồn, bên kia biên giới Campuchia mỗi khi nước lũ tràn đồng thường bị rắn cắn, chở đến chùa đều được Hòa thượng Chau Sum cứu sống.

Hòa thượng không lấy tiền chữa trị cho bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn được nuôi cơm và cho tiền xe về nhà. Và nhiều trường hợp khác bị rắn độc cắn đến nhờ Hòa thượng Chau Sum chữa trị đều qua khỏi.

Theo những ghi chép còn lại, có năm có tới hàng trăm lượt người đến nhờ Đại đức Chau Kol chữa trị rắn cắn và bình phục trở về. Những người đến đây đều là nhà nghèo, họ lên rừng làm rẫy kiếm củi bị rắn cắn.

Bệnh nhân bị vết cắn nông thì chỉ cần làm thuốc uống và đắp thuốc xong, sức khỏe phục hồi rồi trở về nhà. Nạn nhân bị vết cắn sâu, nhà xa bệnh nặng thì ở lại chùa điều trị cả tuần mới được về.

Những bài thuốc cứu người của cố Hòa thượng Chau Sum đều có trong sách y học cổ truyền. Nhiều cây thảo dược đó mọc tự nhiên ở vùng đồi núi này. Tùy trường hợp mà gia giảm các vị thuốc để giúp bệnh nhân chóng bình phục.

Chủ yếu các món thuốc sau: Cây ngải rắn, cây môn nước, trái trút, thuốc rê, phèn xanh và rượu đế. Có bài thuốc thêm cây kim vàng, kim trắng để chữa trị cho người bị rắn độc khác cắn.

Chính nhờ phương pháp cứu chữa hiệu quả học được từ các lão tiền bối, kết hợp những kinh nghiệm tự nghiên cứu về thảo dược để trị bệnh, Hòa thượng Chau Sum đã tạo nên huyền thoại về “thần y” Chau Sum chuyên trị rắn độc cắn ở miệt Bảy Núi. Người dân trong vùng vô cùng thương tiếc khi Hòa thượng viên tịch lúc tuổi 84 tại chùa Phnôm Pilơ, cách nay hơn bốn năm.

Lưu truyền bài thuốc quý

Ngôi chùa Nam Qui Trên xây dựng cách nay gần 90 năm, Đại đức Chau Kol (26 tuổi) là vị sư trụ trì thứ 5 sau 12 năm tu học. Đại đức là người con thứ tư trong gia đình nghèo 10 anh chị em, người cha đã 60 tuổi (bị bệnh bán thân bất toại), còn mẹ 58 tuổi.

Người em trai của Đại đức tu được ba năm phải hoàn tục về giúp gia đình làm ruộng rẫy. Nhờ lập thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đại đức Chau Kol được Giám đốc Công an tỉnh An Giang tặng giấy khen cuối năm 2006.

Trong 7 năm theo Hòa thượng Chau Sum để chữa trị cho nhiều người bị rắn độc cắn, Đại đức đã lĩnh hội gần hết các phương pháp và những bài thuốc quý trị rắn độc cắn, được truyền hết tâm huyết cả đời cứu nhân độ thế từ Hòa thượng Chau Sum. Giờ đây Đại đức cũng là thầy chữa rắn cắn nổi tiếng vùng này.

Chỉ cần nhìn vết thương nạn nhân là Đại đức biết ngay đó là loại rắn gì cắn. Đại đức Chau Kol cho biết: “Nếu bị rắn hổ đất cắn thì nạn nhân kéo đờm khó thở, mắt thâm quầng. Còn rắn hổ mây cắn thì họng nạn nhân nhiều đờm, mắt đục. Rắn chàm quạp cắn thì nạn nhân mê sảng, lỗ chân lông và chân răng chảy máu, do nọc loài rắn này rất nóng”. Từ đó, Đại đức có phương pháp và chọn bài thuốc chữa trị kịp thời.

Đại đức Chau Kol kể lại trường hợp anh Chau An (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) bị rắn chàm quạp cắn vào chân. Anh Chau An được đưa đến chùa trong tình trạng cổ quặt sang một bên, miệng trào ra máu, sắp tắt thở do tim ngừng đập.

Toàn thân anh tím tái, lỗ chân lông vài nơi rịn máu, chân trái sưng tấy lên như thân cây chuối. Sau khi xem vết thương, cố Hòa thượng ra phía sau chùa hái ngải rắn và vài cây dược liệu khác bỏ vào cối giã nhuyễn, vắt lấy nước cho nạn nhân uống, còn bã thuốc đắp lên vết thương rút nọc rắn ra. Chỉ ba phút sau, anh Chau An chớp mắt rồi tỉnh lại.

Chị Trương Thị Nhỏ ở ấp Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên), con chị là Lê Thị Cẩm Tiên (13 tuổi) cùng các bạn rước đèn vui Tết Trung thu, trên đường đi cháu Tiên không may bị rắn hổ đất cắn.

Chị Nhỏ liền buộc garo phần trên vết thương bên chân trái của cháu và tức tốc đưa cháu đến chùa Nam Qui Trên khi nhớ lại cách đây gần 10 năm, chồng và em rể của chị cũng được Hòa thượng Chau Sum cứu sống.

“Chúng tôi đưa cháu Cẩm Tiên đến trong đêm, Đại đức Chau Kol xem kỹ vết thương rồi làm bài thuốc chữa trị liền cho cháu.

Những ngày đầu cháu rất mệt mỏi, đi tiểu tiện khó và lẫn chất màu đỏ như máu... Hiện đã qua sáu ngày điều trị, bệnh tình của cháu 10 phần đã giảm 5. Chân trái từ gối trở xuống còn sưng do vết thương. Chừng hai ngày nữa giải hết nọc rắn độc, các vết bầm tím mới lặn đi và mắt hết vầng thâm” - Chị Nhỏ kể.

Đại đức Chau Kol tâm sự, trong 4 năm qua có rất nhiều người bị rắn cắn đưa đến nhờ ông chữa, có ba người ở xa đưa đến đây quá trễ, không cứu được khiến ông rất day dứt. Đại đức Chau Kol cho biết, ông đang tập trung truyền những bài thuốc quý cho các vị sư trẻ hơn ở xã Lương Phi và vài môn đệ khác. “Để cứu người bị rắn cắn kịp thời phải có nhiều người” - Đại đức Chau Kol nói.

Hồng Giang

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang