• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Chuyển từ chống sang đón lũ

Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 17/07/2012
Ngày cập nhật: 18/7/2012

Mấy ngày qua, ở các khu vực đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, nước son (dấu hiệu bắt đầu mùa lũ) đã ùn ùn đổ về với cường suất mạnh. Tại Tân Châu, trung bình mỗi ngày mực nước dâng cao từ 2 - 5cm. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân cho rằng năm nay sẽ có lũ lớn.

Ông Phan Văn Huy, nông dân xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), chuẩn bị tôm giống thả nuôi trong mùa lũ - Ảnh: Thanh Tú

Khác với mọi năm, năm nay người dân ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp rất bình thản không đắp đê, không chuẩn bị gì để chống lũ. Nhiều người quả quyết: “Năm nay chúng tôi sẽ đón lũ chứ không chống nữa”.

Háo hức trước mùa lũ

Khi thấy nước son đổ về, người dân tại các làng nghề đan lọp, lờ đánh bắt cá ở xã Long Thắng và xã Hòa Long, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) háo hức bắt tay vào sản xuất từ hơn tháng qua.

Ông Mai Thành Son, phó chủ tịch UBND xã Long Thắng, cho biết năm nay người dân dự đoán lũ sẽ lớn nên đã mạnh dạn đầu tư để tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần so với năm 2011, tức đạt 30.000 - 40.000 sản phẩm đánh bắt cá. Bà Trần Thị Diệu ở ấp Long Bình, xã Hòa Long, nói: “Năm rồi tui làm 4.000 chiếc lọp nhưng năm nay làm đến 5.000 chiếc vì tin rằng sẽ có lũ lớn. Năm nào lũ lớn sẽ có nhiều cá tép nên lọp, lờ được tiêu thụ nhiều hơn”.

Xã Long Hậu, huyện Lai Vung là nơi có làng nghề đóng xuồng nổi tiếng cũng đã nhộn nhịp vào vụ. Ông Năm Hồng, người có hơn 20 năm đóng xuồng, cho biết từ mồng 5-5 âm lịch làng nghề này đã bắt đầu ra quân đóng xuồng đón lũ. Mấy ngày qua một số thương lái từ An Giang, Long An, Tiền Giang đã tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, do giá gỗ năm nay tăng cao so với mọi năm nên nhiều hộ dân còn thận trọng, không dám đầu tư tăng sản lượng. Ông Năm Hồng đã chuẩn bị sẵn lượng gỗ để đóng khoảng 250 chiếc xuồng, tăng hơn 50 chiếc so với năm 2011.

Trong khi đó, tại vùng nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở hai xã Phú Thành A, Phú Thành B (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cũng đang rôm rả chuẩn bị con giống. Ông Nguyễn Sĩ Khánh, trưởng trạm thủy sản huyện Tam Nông, cho biết từ hơn hai tháng qua người dân đã chuẩn bị hơn 110 triệu con giống để thả nuôi khi lũ tràn vô ruộng. Phần lớn tôm giống đều phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh. Do dự báo năm nay có lũ lớn nên nhiều hộ cho thuê ruộng nuôi tôm cũng “làm giá” khi tăng thêm 10 triệu đồng/ha, nghĩa là muốn thuê ruộng phải bỏ ra tới 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên giá tăng cũng không làm người nuôi tôm chùn bước, ngược lại họ vẫn tìm đất để thuê nuôi tôm vì năm 2011 tôm càng xanh trúng lớn. Theo thống kê của huyện Tam Nông, diện tích nuôi tôm càng xanh mùa lũ sẽ đạt 1.000 ha, tăng 200 ha so với năm trước.

Ông Phạm Văn Huy ở xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết năm rồi ông chỉ thả nuôi khoảng 2 ha tôm càng xanh. Năm nay dự báo lũ lớn nên ông đã chuẩn bị 120.000 con tôm giống để nuôi 3 ha. Nhiều người khác cũng đang chuẩn bị làm ăn lớn trong mùa lũ sắp tới.

Mở đê đón lũ vào ruộng lúa

Bà Đỗ Thị Tha Thủy, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn (An Giang), cho biết suốt 12 năm qua huyện đều tổ chức sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ. Tuy nhiên, năm nay dù nông dân yêu cầu duy trì diện tích lúa vụ ba trên 35.000 ha nhưng huyện chỉ cho phép gieo sạ 31.000 ha trong các tiểu vùng đê bao an toàn. Diện tích còn lại sẵn sàng cho lũ tràn vào để lấy phù sa.

Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết chủ trương của tỉnh là nơi nào có đê bao an toàn thì mới sản xuất lúa vụ ba, tức đê phải cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Mặt khác, những nơi đã sản xuất lúa liên tục ba năm liền (khoảng 30.000 ha) thì kiên quyết xả lũ vào ruộng chứ không sản xuất vụ ba năm nay. “Việc đón lũ để thu nhận phù sa, đồng thời tiêu độc, xả phèn để các vụ sau lúa sẽ tốt hơn, trúng hơn” - ông Nưng giải thích.

Tại Đồng Tháp, chính quyền địa phương cũng chủ trương “mở đê đón lũ vào” chứ không chống lũ như những năm trước. Hàng chục ngàn hecta chuyên sản xuất lúa mùa lũ thuộc huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự đang án binh bất động, không còn hình ảnh hối hả đắp đê như trước đây.

Ông Mai Văn Xuyên, phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết rút kinh nghiệm từ mùa lũ năm 2011, năm nay huyện đã chủ động vận động người dân không sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ. Thay vào đó, đến khi nào lũ đạt đỉnh thì chủ động bơm tát ra để gieo sạ sớm. Thực hiện phương án này, người dân sẽ được lợi hai chuyện. Thứ nhất là đồng ruộng sẽ được tăng lượng phù sa, rửa độc, xả phèn. Thứ hai là không phải huy động hàng ngàn người và phương tiện thức trắng đêm chống chọi với cảnh vỡ đê như đã từng xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - người phát ngôn UBND tỉnh Đồng Tháp, chủ trương chung của tỉnh đối với việc sản xuất lúa vụ ba là chỉ làm ở những nơi đảm bảo an toàn. Để thực hiện phương án này, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư 150 tỉ đồng gia cố đê bao ở các huyện hạ nguồn. Những nơi này ít bị tác động của lũ nên làm vụ ba an toàn hơn.

Năm nay, ngoài tâm lý chung cho rằng năm Thìn bão lụt nên nhiều khả năng sẽ có lũ lớn thì thực tế đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu lũ lớn theo kinh nghiệm của nhiều lão nông như: đốt sậy buông lóng dài hơn trung bình hàng năm từ 2 - 3cm, kiến di cư lên làm tổ trên cây nhiều hơn và ve sầu kêu đông và lớn tiếng hơn so với mọi năm.

THANH TÚ - QUANG VINH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang