• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác rong mơ, lợi bất cập hại

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 07/06/2012
Ngày cập nhật: 8/6/2012

Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa hè nhiều ngư dân vùng biển Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại đổ xô đi “vét” rong mơ (theo cách gọi của người dân địa phương là rau ngoai) để bán cho các nhà thu mua xuất sang Trung Quốc. Công việc đơn giản, không mất chi phí lại cho thu nhập khá nên người dân đua nhau làm. Tuy nhiên, việc khai thác rong mơ rầm rộ, không tuân theo một biện pháp kỹ thuật nào đã khiến cho nguồn lợi này bị suy giảm nghiêm trọng.

Nguồn lợi từ biển cả

Rong mơ (tên khoa học là Sargassum), có dạng thân bụi, sống bám vào các riềm đá, rạn san hô, tại các vùng triều và hạ triều dọc bờ biển. Cùng với các nhóm rong biển và cỏ biển khác, rong mơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng hệ sinh thái ven biển. Rong mơ hấp thu chất dinh dưỡng, làm sạch nước, là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ hữu cơ và sự tương tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái rạn san hô. Đặc biệt các bãi rong mơ chính là nơi cư ngụ, ươm nuôi ấu trùng, sinh trưởng và sinh sản của rất nhiều loài thủy hải sản như cá chuồn, cá đuối, cá dìa, tôm hùm, mực…tại vùng biển Vĩnh Thạch.

Sau khi phơi, rong mơ được đóng vào bao để đem bán

Những năm gần đây, rong mơ ngày càng có giá trên thị trường nên được người dân sinh sống ven biển Vĩnh Thạch khai thác bán cho các thương lái. Giá rong mơ (đã phơi khô) trên thị trường hiện nay giao động từ 4.500 – 5.000 đồng/kg, khoảng 5 kg rong tươi được 1 kg rong khô; trung bình mỗi ngày một người khai thác rong mơ có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng. Vì thế ngay từ những ngày đầu tháng 4, khi rong mơ đang còn non, nhiều ngư dân đã đổ xô ra biển để khai thác.

Ở vùng bãi ngang Vĩnh Thạch chưa bao giờ ngư dân lại kiếm tiền từ rong mơ dễ như hai năm trở lại đây. Chỉ cần đợi đến thời điểm nước hạ trong ngày, phụ nữ, trẻ em lội ra biển tầm ngang đầu gối, đàn ông thì dùng thuyền thúng bơi ra thêm một đoạn là có thể hái rong mơ, lại có người thu mua ngay nên ai cũng hồ hởi.

Theo ông Hồ Thứ, một ngư dân ở làng biển Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) cho biết: “Ở dọc biển Vĩnh Thạch có gần trăm hộ gia đình khai thác rong mơ. Hàng ngày cảnh người người lên xuống dọc bãi biển để hái, hong phơi và chở rong mơ đi nhập cho các mối thu mua diễn ra tấp nập”.

Khai thác kiểu tận diệt

Hơn một tháng nay, đi dọc bãi biển Vĩnh Thạch, dưới biển, trên bờ ngư dân đổ xô khai thác và phơi đặc rong mơ. Chị Liên ở Vịnh Mốc cho biết: “Nhiều hôm đi làm được ít cá thì tranh thủ hái ngoai để kiếm thêm thu nhập. Mùa này nhiều nhà có thuyền cá sẽ tập hợp thêm nhiều người cùng ra biển khai thác ngoai, thu nhập cao hơn nhiều lần làm cá”.

Rong mơ có sẵn ngoài biển, người khai thác lặn xuống nhổ như nhổ cỏ chẳng tốn kém gì nên ai cũng làm được. Ngư dân coi đây là ưu đãi của vùng biển này, mỗi năm rong mơ đều có một mùa sinh trưởng nên họ vô tư khai thác. Anh Phương, một người khai thác rong mơ có tiếng ở biển Vĩnh Thạch cho biết: “Ngoai mọc như cỏ, bán được giá nên làm thôi. Nếu không có nó mỗi ngày đi phụ hồ còng lưng giữa nắng giữa mưa tôi chỉ kiếm được chừng 100.000 - 120.000 đồng, còn lấy ngoai có ngày tôi được cả triệu bạc. Từ đầu vụ đến giờ tôi thu được gần 20 triệu, chỉ bỏ công chứ không tốn đồng vốn nào. Nếu cả năm đều có ngoai để khai thác thì chắc tôi có thể làm giàu”.

Để có được nguồn thu nhập khá như anh Phương nói, nghĩa là mỗi chuyến xuống biển, người khai thác rong mơ cứ thi nhau nhổ, giật cây, những cây thân dai không thể dùng tay thì lấy liềm cắt. Gặp đám nào là bứt đám ấy. Đi dọc bãi biển Vĩnh Thạch có thể thấy hầu hết rong mơ khai thác đều ở dạng nguyên cụm, bong cả rể. Mọi năm người dân có đến hơn 3 tháng để khai thác rong mơ, nhưng năm nay do được giá lại nhiều người đổ xô đi làm nên mới một tháng đầu vụ đã cạn kiệt. Giờ đến Vĩnh Thạch hỏi mua rong mơ với số lượng vài tấn ai cũng lắc đầu. Những người dân ở đây cho biết, năm nay nhiều người làm nên mau hết, giờ may ra mỗi người một ngày chỉ kiếm được tầm 30 - 40 kg; chỉ trai tráng khỏe mạnh, ra các bãi đá nước sâu lặn mới mong vớt được khoảng một tạ.

Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết: “Rong mơ chưa được liệt vào danh mục cấm khai thác của Bộ NN&PTNT. Chính quyền địa phương chỉ có thể khuyến cáo bà con về những tác hại của việc khai thác rong mơ kiểu “tận diệt” như hiện nay. Về lâu dài, chúng tôi mong nhận được sự tư vấn của các nhà chuyên môn để bà con nếu khai thác cũng biết cách bảo vệ nguồn rong mơ phát triển lâu dài”.

“Ngôi nhà sinh thái” bị đảo lộn

Do chưa nhận thức được những giá trị to lớn về mặt sinh thái của rong mơ cũng như mong muốn tìm được nguồn thu cho gia đình vào những lúc nghề biển gặp khó khăn, nhiều hộ ngư dân ở Vĩnh Thạch đang khai thác rong mơ một cách rầm rộ để bán cho các thương lái. Nguy hiểm hơn, người dân lại khai thác vào thời điểm rong đang độ phát triển mạnh (từ tháng 3 đến tháng 7), đây là thời điểm mà trên các nhánh rong chứa vô số trứng của các loài cá chuồn, cá đuối, cá dìa, tôm hùm và rất nhiều loài hải sản khác vốn sinh sống trong vùng bãi ngang Vĩnh Thạch.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Để khai thác rong mơ, người dân thường lặn xuống và giật mạnh từng bụi rong làm vỡ nát, hư hại nhiều diện tích san hô, các riềm đá, kéo theo sự hủy hoại các hợp phần đáy và các quần xã sinh vật sống cùng. Với phương cách khai thác như vậy, ngư dân đã vô tình làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống, cắt đứt nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên. Việc ngư dân khai thác rong mơ đồng nghĩa với việc mất đi một số lượng lớn trứng các loài thủy sản do chúng dính vào. Một số trứng bị tách khỏi giá thể (cành rong), trôi lơ lững làm mồi cho địch hại. Cá thể nhỏ không có nơi cư trú, cá trưởng thành không có nơi sinh sản... và toàn bộ “ngôi nhà sinh thái” của chúng bị đảo lộn hoàn toàn”.

Ông Nam nói thêm: “Việc khai thác rong mơ trong thời kỳ mới sinh trưởng như hiện nay sẽ làm giảm giá trị kinh tế, ảnh hưởng đến việc sinh sản, sinh trưởng, phát triển của một số loài thủy sản, tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ. Vì chưa thể cấm triệt để việc khai thác nên vấn đề đặt ra là phải quy hoạch vùng và quy định thời gian khai thác từ tháng 6 hàng năm trở đi. Đồng thời hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý, chỉ sử dụng lưỡi liềm để cắt rong và để lại gốc tối thiểu là 30cm để đảm bảo hệ sinh thái biển cho thủy sản sinh trưởng và phát triển”.

Những người dân vùng biển Vĩnh Thạch kể rằng, trước đây đến mùa cá chuồn sinh sản, cứ lặn ra bãi rong mơ là có thể nhặt trứng cá về ăn. Trời nắng, tôm, cá, mực tìm vào rong mơ núp bóng nên cứ vào trong hốc đá sau các bãi rong mơ là có thể bắt được cá chuồn, cá đuối, tôm hùm, mực. Nhưng gần đây, tôm cá ngày càng hiếm.

Vùng biển Vĩnh Thạch đến nay vẫn chưa có bãi cho tàu thuyền neo đậu. Bởi vậy ngư dân ở đây chỉ có thể đánh bắt gần bờ. Nhưng với tình trạng khai thác rong mơ như hiện nay đã làm tôm, cá mất chỗ cư trú, sinh sản ở khu vực ven bờ. Hệ lụy tất yếu của nó chính là việc các giống loài thủy sản ven biển ngày một ít đi và nếu kéo dài có thể cạn kiệt.

Rong mơ phơi khô được các nhà thương lái mua với giá 5.000 đồng/kg. Theo các nhà khoa học, ước tính trong 1 kg rong mơ có hàng ngàn trứng các loại thủy sản mà theo tự nhiên chúng sẽ phát triển cung cấp cho ngư trường hàng tạ sản lượng thủy sản vào năm sau. Qua đó chúng ta có thể thấy kết quả của một bài toán nhỏ: Khai thác 1 kg rong mơ người dân thu được vài ngàn đồng nhưng đã làm mất đi hàng triệu đồng! Sự mưu sinh trước mắt của những ngư dân vùng biển Vĩnh Thạch đã tác động bất lợi đến sinh kế biển bền vững của mình.

Rong mơ là một loại rong biển được sử dụng để chiết xuất keo aginat dùng trong y dược, làm phân bón và thức ăn vật nuôi. Rong mơ sinh trưởng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm và tự chết vào mùa mưa. Rong mơ sống từng đám lớn, cao 40 - 60 cm, bám vào đá hoặc san hô, là nơi trú ẩn, kiếm ăn, sinh đẻ của nhiều loài thủy sản... - Nguồn: Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị.

NGUYỄN LỆ XUÂN

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang