• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Cóc đổ vào Nam

Nguồn tin: Báo Bình Định, 20/05/2012
Ngày cập nhật: 21/5/2012

Hơn 3 tháng qua, nhiều địa phương ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) rộ lên chuyện bắt cóc, mua bán cóc gây náo động không gian làng quê cả ngày lẫn đêm. Đồng quê giờ vắng tiếng cóc; muỗi, côn trùng trỗi dậy…

Những chú cóc đã bị bắt, sắp “đi” Nam.

Đêm quê không yên tĩnh

Thường ngày, nông dân huyện Phù Mỹ làm đồng đến đỏ đèn mới về. Đêm đến, cánh đàn ông thường quây quần bên ấm trà, chuyện trò việc đồng áng. Hơn 3 tháng qua, thói quen này đã thay đổi. Anh Hà Tấn Trung, ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh, cho biết: “Mới 5 giờ chiều, đồng đã thưa bóng đàn ông. Họ nghỉ sớm để đi bắt cóc. Cóc rời hang vào giờ này nên phải tranh thủ, nhanh chân!”. Anh Bốn Hồng, ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, tâm sự: “Thường đêm, anh em chúng tôi tụ lại uống trà. Mấy tháng qua, nhiều người bận bắt cóc nên ít gặp!”.

Theo chân anh Nguyễn Viện, ở thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, dạo làng, tôi có dịp chứng kiến cảnh bắt cóc. Trời vừa sập tối, ánh đèn pin nhoang nhoáng khắp nơi; tối sẫm lên thì ánh đèn rọi dày đặc. Đèn từ làng đi ra các ngả. Đèn lố nhố bãi hoang, gò rộng. Đèn ẩn hiện cả khu nghĩa địa; quất ngang, lia dọc bờ tre. Tiếng chó sủa om om, láo nháo; tiếng người bắt cóc í ới phá tan sự tĩnh lặng của xóm làng.

Người bắt cóc làm chuyến hành trình ngang dọc xóm làng chỉ với chiếc đèn pin hoặc đèn đội và bao đựng. Họ bắt cóc từ vườn ra rào, từ làng ra đồng; hết nơi này, họ chuyển sang nơi khác. Những đêm mưa giông, họ bắt thâu đêm.

Ở quê, nhiều nhà chưa có tường rào, người bắt cóc vô tư giẫm qua vườn mà không cần hỏi chủ. Có chủ nhà nào hỏi: “Đi đâu?”, người bắt cóc thản nhiên: “Cóc!”. Quen dần nên nhiều người thấy đèn rọi trong vườn nhà cũng không màng hỏi han.

Giá cóc hiện nay 25.000 đồng/kg, cũng có lúc tăng lên 30.000 đồng/kg. Người bắt giỏi mỗi đêm được vài mươi kg, dở ít ra cũng được 3 - 4 kg. Cóc lớn, 1 kg khoảng 15 con; cóc nhỏ, khoảng 20 con.

Bắt cóc là việc nhẹ nhàng, lại cho thu nhập cao nên nhiều nơi, người người rủ nhau đi bắt cóc. Ông già, trẻ em cũng mang đèn, xách bao đi “lượm” cóc. Em Hà Văn Tiến, 12 tuổi, ở thôn Chánh Thuận, khoe: “Trung bình mỗi đêm, em bắt được vài ký cóc. Em đi với các ông già trong làng. Bạn em ở thôn này có 11 đứa đi bắt cóc!”.

Quanh việc bắt cóc, mua, bán cóc cũng xảy ra không ít chuyện phiều nhiễu làm xáo động nếp sống làng quê. Cách đây không lâu, bà L.T.H, ở xã Mỹ Thọ, sáng ra đồng phát hiện rau trồng bị mất trộm, bà gióng miệng chửi vang: “Mấy thằng bắt cóc hái chứ không ai vào đây cả!”. Anh T.V.L, ở xã Mỹ Phong, bắt được 4 - 5 kg cóc bán, rủ bạn vào quán nhậu cả ngày; vợ tìm đến “quậy tưng”. Đêm 9.5.2012, một nhóm thanh niên ở xã Mỹ Hòa giấu hung khí trong bao, “cải trang” người đi bắt cóc, kéo đến địa bàn xã Mỹ Trinh gây gổ, đập phá quán cà phê Chợt Nhớ…

Bắt cóc ban đêm.

Hành trình mua - bán cóc

Chuyện bắt cóc, mua - bán cóc diễn ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ suốt từ đầu tháng 2.2012 đến nay; xuất hiện đầu tiên ở thôn Chánh Đạo, do anh C. (thường gọi “C. cóc”) khởi xướng và làm chủ cơ sở thu gom. Anh C. tiết lộ, anh gom cóc để bán cho những người nuôi kỳ đà ở miền Nam. Từ Chánh Đạo, để có đủ cóc giao thường xuyên cho mối hàng, anh C. mở rộng nhiều điểm thu mua đến các xã xa hơn như: Mỹ Phong, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Quang, chợ thị trấn Bình Dương.

Hàng ngày, anh C. dạo một vòng khắp các xã này để gom cóc. Với những vùng cách trở, không cùng tuyến đường thu gom, anh C. nhờ người mua hộ, cho hưởng hoa hồng. Phương tiện thực hiện việc thu gom, vận chuyển cóc của anh C. rất đơn giản: Một thùng gỗ lớn, chiếc cân đồng hồ loại 100 kg và chiếc xe máy. Việc mua bán diễn ra nhanh gọn. Theo thông lệ, cứ đến “giờ G”, người bán mang cóc đến, anh C. có mặt để cân. Không trả treo, không bớt ngắt. Cân đâu giao tiền đó, không nợ, không cần biết mặt biết tên. Điểm thu gom cóc thường là các quán cà phê nhỏ hay nhà mua bán nông sản ở các ngã ba, ngã tư đường liên thôn, xã. Xã rộng, đặt hai điểm; xã nhỏ đặt một điểm.

Chị H. - một người mua cóc tại một điểm thu gom ở gần chợ Bình Dương (huyện Phù Mỹ) - cho biết: “Tôi mua rồi bán cho mối hàng ở miền Nam. Mua xong, gởi xe vào ngay; họ nhận được cóc sẽ gởi tiền ra. Có ngày, tôi gom được vài ba tạ; có ngày vài ba chục kg. Nhiều người khác do liên tục lập điểm thu gom mới nên mua được nhiều cóc hơn, nhất là ở các điểm tại An Lão, Hoài Ân!”.

Tại một cơ sở thu gom cóc.

Khi quê không còn cóc…

Cóc sống đơn lẻ, thường phát tiếng kêu kẽo cọt lúc trời sắp đổ mưa giông. Phạm vi kiếm ăn của cóc có mùa lên đến 600 m2. Nông dân thường kết hợp tin tức từ phương tiện thông tin đại chúng với tiếng cóc để dự đoán thời tiết, định hướng công việc nhà nông. Những đêm mưa giông, cóc nhảy rông ra bãi rộng, ráp đôi tình tự, đẻ trứng dày mặt nước. Rồi vô vàn nòng nọc ra đời, cóc con trưởng thành, làm phong phú thêm hệ sinh thái động vật đồng quê.

Song mấy cơn mưa gần đây, ở nhiều làng quê Phù Mỹ, tiếng cóc kêu thưa hẳn, cũng ít thấy cóc đẻ trứng!

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Trinh, nhà ở sát mép ruộng, tâm tình: “Ở nông thôn, tiếng chim, tiếng dế, tiếng cóc thân quen lắm. Vắng một thứ thấy thiếu, thấy buồn! Cả tháng nay, cóc không kêu, đêm ngồi uống trà, tôi thấy trống trải lắm! Trước, có đêm ngồi nhìn cóc ăn sâu bọ quanh gốc cây cảnh, ăn muỗi dưới bóng đèn, tôi nhẩm tính mỗi chú cóc ăn được cả trăm con muỗi; vài chục con sâu bọ. Cóc còn ăn cả ốc con và trứng ốc. Vài tháng nay, ốc bươu vàng ở đồng này nhiều lên, cắn rụi đám rau muống tôi mới trồng. Bướm nở nhiều, sâu theo đó cũng nhiều hơn, phải tốn nhiều công sức, tiền nong cho việc diệt trừ !”.

Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, có đứa con trai 3 tuổi bị bệnh còi xương, bụng ỏng đít beo, được người làng bày bắt cóc làm thịt sạch sẽ, nấu cháo cho ăn. Chị dạo xóm nhiều đêm nhưng chỉ bắt được vài con. Anh Trần Văn Biên, cùng thôn với chị Phượng, tìm cóc trị bệnh thần kinh tọa mãn tính nhưng cũng thấy khó. Anh phàn nàn: “Nếu không có người bắt bán thì thiếu gì cóc. Chỗ nào cũng bắt, biết tìm cóc đâu bây giờ?!”.

Thầy giáo T.P., dạy ở Trường THCS Mỹ Trinh, than phiền: “Đang kỳ thi nhưng nhiều em học sinh lơ là chuyện học. Đến lớp có em ngủ gật, nhiều em không thuộc bài, không làm bài tập. Dò hỏi, tôi biết một số em ban đêm bận đi bắt cóc bán!”. Còn ông Võ Hà, 68 tuổi, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, phàn nàn: “Không biết lý do gì mà mấy tháng nay muỗi nhiều hẳn lên”.

Suy nghĩ về thực trạng bắt cóc, mua bán cóc đang diễn ra xung quanh, ông Sơn bùi ngùi: “Tôi buồn bởi nhiều người chỉ nghĩ cái lợi trước mắt, không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Tôi khuyên con cháu không nên bắt cóc bán và không cho ai đến vườn nhà tôi bắt. Tôi mong địa phương, các ngành liên quan sớm có biện pháp nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của cóc trong đời sống, nông nghiệp và chấm dứt hẳn tình trạng bắt cóc, mua bán cóc như hiện nay!”.

TẤN PHƯỚC

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang