• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Tháp: Nghề “chạy theo đuôi vịt”

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 21/03/2012
Ngày cập nhật: 22/3/2012

Để có cuộc sống ổn định cho gia đình, nhiều người nuôi vịt chạy đồng phải rày đây mai đó, lang thang khắp nơi cùng đàn vịt. Vất vả là vậy, nhưng đã trót với cái nghề này thì nhiều người xem ra không bỏ được.

Nghề lang bạt bốn phương

Dưới cái nắng chang chang như đổ lửa của buổi trưa, anh Trần Văn Chín vẫn miệt mài lùa đàn vịt hơn 1.000 con đi ăn tại cánh đồng thuộc ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Thấy tôi bì bỏm lội ruộng tiến lại gần, tưởng tôi là cán bộ thú y đến kiểm tra giấy tờ tiêm phòng đàn vịt, anh Chín nhanh nhảu hỏi: “Anh là cán bộ thú y hả, tôi để sổ tiêm phòng bầy vịt ở nhà rồi. Để tôi về nhà lấy”. Biết tôi là nhà báo muốn viết về cái nghề chăn vịt đồng của mình, anh niềm nở mời tôi vào nơi có bóng cây tiếp chuyện.

Nghề nuôi vịt chạy đồng đem thu nhập ổn định cho nhiều gia đình

Anh Chín kể, mình vào nghề nuôi vịt chạy đồng được 4 năm và xã Mỹ Long, nơi đàn vịt đang ăn cũng là quê gốc của anh. Gia đình đông anh em, khi anh cưới vợ cha mẹ cho anh 2.000 m2 đất lập nghiệp. Làm lúa không đủ ăn, học hỏi được kinh nghiệm, anh bàn với vợ mua 200 vịt nuôi thử. Sau hai mùa nuôi thấy đạt, vợ chồng anh vay vốn ngân hàng được 15 triệu đồng để phát triển đàn vịt với số lượng hơn 1.000 con như hiện tại.

“Làm nghề này phải lang bạt khắp nơi, nay ở quê chứ ngày mai đem bầy vịt đến Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang kiếm ăn là chuyện bình thường. Bữa nay về đồng nhà cho ăn nên vợ tôi không có ở đây chứ, đi đồng xa là vợ tôi lại đi theo để giữ phụ và lo cơm nước. Nghề này cực lắm, suốt ngày ở ngoài đồng, đến đâu cũng phải lo kiếm chỗ ở cho vịt ở trước, còn mình ở chỗ nào cũng được miễn là khi ngủ không bị mưa gió”. Anh Chín tâm sự.

Nhìn đàn vịt tung tăng kiếm mồi dưới ruộng, anh Chín bảo: “Chúng nó là cả gia tài của vợ chồng tôi. Do đó phải chăm sóc chu đáo, mình lo cho nó thì nó sẽ không phụ mình”.

Có lẽ không ai rành mùa vụ từng vùng bằng những người nuôi vịt. Bởi họ cứ lang thang theo đàn vịt đi hết cánh đồng này đến cách đồng khác. Hay tin có chỗ nào thu hoạch lúa là họ lại tìm đến.

Do phải tranh thủ chạy đồng sang các tỉnh bạn trong những ngày Tết nên trong 4 năm nuôi vịt, vợ chồng anh Trần Văn Chín đã đón 4 cái tết xa nhà cùng đàn vịt.

“Nghệ sĩ” chăn vịt

Thấy người lạ đến hỏi thăm, nhóm bạn chăn vịt cùng cánh đồng với anh Chín, gồm các anh: Lê Thanh Thái, Lê Văn Sơn đến trò chuyện. Anh Thái có tuổi nghề nuôi vịt chạy đồng khoảng 4 năm. Tranh thủ lúc đồng nhà mới thu hoạch lúa xong, anh lùa bầy vịt 1.400 con đến kiếm ăn, vài ngày nữa anh sẽ thuê tàu di chuyển đàn vịt xuống Sóc Trăng để thả vì được anh em làm nghề chăn vịt thông báo dưới đó vừa cắt lúa xong.

Còn đối với anh Lê Văn Sơn, có lẽ anh là người có thâm niên tuổi nghề nuôi vịt đồng nhiều nhất tại xã Mỹ Long. Anh Sơn kể mình năm nay 42 tuổi, đã trải qua gần 20 năm nuôi vịt đồng và 26 năm làm nghề chăn vịt. Từ lúc 16 tuổi anh đã được cha giao cho bầy vịt vài trăm con chăn thả vì thế tập tính vịt lúc no lúc đói, quậy quọ ra sao anh đều thuộc lòng. Vịt ăn trên đồng mà im ru, thong thả ăn một hồi lâu tự khắc túm tụm lại một chỗ, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, không có chạy lung tung là cánh đồng còn nhiều thức ăn. Có thể chăn thả vịt tiếp. Nếu bầy vịt chạy lung tung và kêu càm cạp, kít kít... râm ran là giá nào cánh đồng vịt đang ăn cũng hết thức ăn, phải kiếm đồng khác thả...

Đang trò chuyện, thấy nhiều chú vịt của mình chạy lạc đàn, anh Sơn túm vội cây sào có gắn bọc ni lông trắng quơ quơ cất lên tiếng “hồ dìa, hồ dìa” lùa mấy con lạc bầy vô đàn rồi và đếm không chớp mắt. Đối với người không trong nghề thì khó mà có thể đếm được số lượng vịt khoảng 1.000 con của anh Sơn đang nuôi vì chúng cứ chạy qua chạy lại lung tung nhưng đối với anh Sơn chỉ khoảng 15 phút đã đếm xong số vịt. “Khi đếm vịt chú phải chú ý quan sát, không được chớp mắt. Chớp mắt sẽ quên và lộn xộn liền”, anh Sơn nói về kinh nghiệm đếm vịt của mình.

Nghề chăn vịt có lúc cực, nhưng cũng có lúc nhàn khi vịt đã no bụng. Những lúc nhàn rỗi, giữa bốn bề bao la là đồng ruộng, những người chăn vịt lại nhâm nhi lai rai vài ba cốc rượu tâm sự chuyện nghề, chuyện gia đình. Đó là lúc họ thấy thư thả nhất.

Anh Lê Văn Sơn kể: Những năm gần đây nghề nuôi và chăn vịt đồng khó khăn vất vả trăm bề, ngoài việc đối diện với dịch bệnh cúm gia cầm, phải tiêm phòng cẩn thận, còn phải đối mặt với việc tìm ra nguồn thức ăn cho đàn vịt. Hồi trước, đồng lạ hay quen nếu người nuôi vịt quen biết với chủ có thể cho vịt vào ăn thoải mái; giờ kiếm được đồng trống thả vịt rất khó. Để có đồng thả vịt ăn người nuôi vịt phải mua đồng với chủ thông qua cánh cò đồng. Cò đồng khi kiếm được đồng chuẩn bị thu hoạch lúa sẽ đến thuê và báo địa điểm cho người nuôi vịt biết để đến đó thả. Cò đồng sẽ thu chênh lệch mức thu với hợp đồng thuê của chủ ruộng 5.000 đồng/công ruộng. Người nuôi vịt phải trả từ 20 - 40.000 đồng/công ruộng nếu muốn thuê đồng thả vịt.

Nhìn anh Sơn, người đàn ông mới 42 tuổi mà cứ ngỡ như đã hơn 50 tuổi. Nước da anh đen xạm, chân tay lởm chởm những đốm lở loét do bị nước ăn sau những buổi chăn vịt ngoài đồng.

Vất vả của nghề nuôi vịt chạy đồng là thế nhưng anh Sơn cho hay nhờ cái nghề này mà anh mua được đất, cất được nhà và chăm lo cho con cái học hành, kinh tế gia đình ổn định. Giờ con trai lớn của anh là Lê Thanh Phúc, 19 tuổi đang ôn thi Đại học và con gái nhỏ đang học lớp 9, Trường THCS Mỹ Long. Chỉ tay về phía tấm bạt ni lông được căn bốn góc bằng mấy cây tầm vông nhỏ, anh Sơn bảo: “Ăn bờ, ngủ bụi, chịu cực và bị nhiều người gọi chọc là thằng “vịt tàu” nhưng tôi cũng kệ. Phải ráng làm, lo cho con cái học hành để chúng nó không còn khổ như mình”.

Tâm sự với nhóm bạn của anh Chín, anh Sơn, anh Thái, tôi hỏi các anh nếu không gọi là nghề nuôi vịt đồng như nhiều người thường gọi, có thể gọi đó bằng nghề gì, anh Sơn cười hề hề nói: “Nghề chạy theo đuôi vịt vì đàn vịt chạy trước, người chăn vịt lúc nào cũng chạy sau”. Mọi người cười tươi vui vẻ.

Phú Thuận

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang