• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vị giám đốc Đài Loan trở thành anh nông dân Việt

Nguồn tin: Dân Việt, 22/02/2012
Ngày cập nhật: 23/2/2012

Đang làm giám đốc một doanh nghiệp ở Đài Loan, A Sị (tên thân mật của ông Cheng Chinh Chi) đã về quê vợ tại Việt Nam để làm... nông dân. Sau gần chục năm bám đất, A Sị đã trở thành một “Hai Lúa thứ thiệt".

Mối lương duyên bất ngờ

Khi tôi đến An Thạnh Nhứt (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng), chị Dự vừa về Đài Loan để coi sóc việc học của 2 đứa con nhỏ. Hơn 7 ha xoài đang mùa thu hoạch giao hết cho “ông xã A Sị” (tên gọi thân mật của anh Cheng Chinh Chi). Bằng vốn tiếng Việt khá thạo, A Sị “khoe” bây giờ anh đã là nông dân thứ thiệt ở đất Cù Lao Dung này.

Gia đình nhỏ của vợ chồng A Sị.

Kể về mối lương duyên của mình, A Sị cho biết, anh sinh năm 1955, trước đây theo học ngành xây dựng và thầu các công trình nhỏ ở Đài Loan. Đầu năm 1990 khi sang Việt Nam thực hiện một số công trình ở Sóc Trăng với tư cách là nhà thầu phụ, anh gặp, cô thôn nữ Hồ Thị Dự.

Chàng thanh niên 35 tuổi khi ấy thấy cô thôn nữ dáng người nhỏ nhắn trạc 20 tuổi đang chăm sóc vườn cây ăn trái, sẵn biết bập bõm mấy câu tiếng Việt, A Sị cũng “liều mạng” tán tỉnh. Thấy cô gái trả lời, anh hí hửng tán tiếp nhưng chừng 10 phút sau thì cụt vốn ngôn ngữ, thành ra phải nói chuyện… bằng tay.

Những ngày sau đó, A Sị và cô gái cũng chỉ trao đổi với nhau bằng vốn ngôn ngữ ít ỏi của chàng kỹ sư xứ Đài, nhưng mỗi ngày anh cũng cố học thêm vài câu. Dù nói với nhau không được nhiều, nhưng năm 1993, một đám cưới vẫn diễn ra bởi đôi trai gái yêu nhau thật lòng. Đến năm 1994, 2 vợ chồng về Đài Loan sinh sống.

Về Đài Loan, chị Dự học tiếng Hoa và đi học nghề rồi xin làm việc ở 1 nhà máy sản xuất hàng điện tử gần nhà. Chồng đi công trình liên miên, hàng ngày chị Dự tự lái xe đưa 2 đứa con tới trường rồi mới ghé xưởng. Vào mỗi dịp lễ tết, gia đình nhỏ của chị Dự đều về thăm nhà. Nhìn cảnh các chị em trong nhà làm quần quật mà vẫn không thoát khỏi chữ nghèo, 2 vợ chồng chị Dự nhìn nhau mà ứa nước mắt. Vợ chồng chị Dự cũng chỉ là người làm công ăn lương, chỉ có thể giúp người thân bằng cách cho con cá chứ không giúp được cần câu nên cả hai cứ suy nghĩ mãi.

“Tại sao đất quê mình màu mỡ, người nông dân ai cũng cần cù mà càng làm càng nghèo, điệp khúc “chặt rồi trồng, trồng rồi chặt” cứ mãi ám ảnh bởi không có giống cây nào mang tính đột phá và bền vững. Nhiều đêm cứ trằn trọc mãi với suy nghĩ này mà tôi không ngủ được” – A Sị nhớ lại.

Lão nông A Sị

Hơn một năm sau, vợ chồng A Sị mang về "một đống củi” (thực ra đó là những mầm cây) và gần chục nhân công tổ chức ghép cây. Nhìn kiểu ghép mà vợ chồng A Sị và nhóm nhân công làm, nhiều lão nông ở xứ cù lao này cười chảy cả nước mắt: “Người ta ghép da, ghép mắt còn chết lên chết xuống vậy mà vợ chồng con Dự chẻ nhánh ra rồi nhét mầm vào. Nhanh thì có nhanh mà sống chết còn phải coi lại nghen bây!”. Mặc kệ người dân bàn ra tán vào, 2ha xoài đầu tiên của chị Dự vẫn được ghép xong trong thời gian khoảng 1 tuần và nhóm nhân công về nước.

Ông A Sị với những quả xoài nặng 2 - 3 kg.

Chừng một tháng sau, cả xóm chị Dự mắt tròn mắt dẹt khi tỷ lệ mầm sống gần như là 100%, các nhánh đều cho ra lá xanh um và liền da. Sau thời gian thử nghiệm thành công với kiểu ghép mầm, vợ chồng chị Dự thuê thêm đất và tăng diện tích trồng xoài lên 7 ha. Sau 2,5 năm (tính từ lúc trồng cây bố mẹ), vườn xoài của chị Dự có trái đầu mùa.

Giữa năm 2005, vợ chồng chị Dự thu hoạch lứa xoài đầu được gần cả chục tấn, giá 25.000 đồng/kg. Từ năm 2007 tới nay, mỗi năm vợ chồng chị thu hoạch hơn trăm tấn trái, giá năm nào cũng trên 30.000 đồng/kg. Năm nay, “vườn soài A Sị” sau khi trừ hết chi phí, dự kiến lãi trên 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn xoài đang cuối vụ thu hoạch, A Sị cười tít cả mắt: “Điều tôi vui nhất là anh em bên nhà vợ bây giờ ai cũng chuyển qua trồng giống xoài này nên không còn nghèo nữa. Hồi vợ chồng tôi đem giống xoài này về trồng, người trong nhà và hàng xóm bảo “Xoài này không có nguồn gốc và tên tuổi, trồng làm kiểng chứ bán buôn gì!”. Không ngờ vài năm sau xoài ra trái chiến quả to gấp 2 - 3 lần so với xoài thông thường. Đặc biệt loại xoài này ăn sống rất ngon và giòn. Bây giờ thì trong xóm nhiều người thành tỷ phú xoài. Mà nói thiệt, kỹ thuật của họ còn hơn tôi nữa”.

Làm nông theo chuẩn VietGAP

Không chỉ đem về quê giống xoài tốt, vợ chồng chị Dự còn mang về nước giống mận và khế của xứ Đài Loan. Bây giờ người dân cứ quen gọi là “xoài A Sị”, “khế A Sị” và “mận A Sị” mà loại giống nào cũng cho trái ngon, bán được giá.

Lái chiếc xe máy mang biển số TP.HCM luồn lách trong những vườn xoài, anh Quách Anh Dũng - anh em “cọc chèo” với nông dân A Sị, bật mí: “Tui là dân Sài Gòn chính gốc nhưng 2 năm nay cũng bỏ phố về quê trồng xoài cùng A Sị, mỗi năm thu nhập cũng vài trăm triệu đồng. Giờ xóm này người ta thích ghép mầm kiểu A Sị, còn trồng cây thì luôn bọc trái và áp dụng kỹ thuật theo chuẩn xuất khẩu”.

Về khoản bọc trái, đến nay vợ chồng chị Dự vẫn băn khoăn tìm nguồn cung cấp trong nước nhưng không đảm bảo chất lượng. “Hiện túi bọc mua ở Đài Loan rồi nhập về Việt Nam chi phí khá cao nên chúng tôi phải tiết kiệm bằng cách tái sử dụng nhiều lần. Nói về “chuẩn” thì chúng tôi đang trồng theo VietGAP, dư sức xuất khẩu nhưng diện tích này còn ít, sản lượng không đủ cung cấp hàng chợ lấy gì mà xuất” – A Sị trăn trở.

Ngoài vườn xoài ở Sóc Trăng, hiện hai vợ chồng anh đang thuê đất ở Lâm Đồng để tiếp tục nghiên cứu trồng loại cây phù hợp…

Nói về vợ chồng A Sị, ông Lê Hoài Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhứt, hào hứng: "Vợ chồng A Sị không chỉ là nông dân giỏi làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp nhiều cho địa phương. Có lúc không cần địa phương đến vận động, vợ chồng A Sị đã chủ động tới UBND xã hỏi xem có đóng góp làm cầu, làm đường gì không rồi tự nguyện đóng góp. Nói chung các phong trào nhằm xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, vợ chồng này đều hăng hái đi đầu”.

Ghi chép của Hữu Danh

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang