• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện về người “giàu từ từ” ở làng An Bình (Quảng Trị)

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 15/02/2012
Ngày cập nhật: 16/2/2012

Người ta thường quan niệm, giàu bất ngờ là cái sự giàu đầy lo ngại. Giàu từ từ hàm chứa sự dành dụm, vất vả, khổ cực, của cải có được là thành quả của mồ hôi, nước mắt, lòng nhẫn nại, nghị lực phi thường và sự nhạy bén hiếm gặp nên rất bền vững, cái sự giàu ít người đủ sức theo...

Từ cựu binh Trường Sa và “nhà báo làng”...

Từ chợ Ngã Tư Sòng ngược lên đường xuyên Á, qua quãng giữa thân làng An Bình, Cam Thanh, Cam Lộ (Quảng Trị), bắt mặt ra phía bắc, hun hút một cánh đồng lúa xanh nõn, kế tiếp là một bờ đê vững chãi được bao bọc bằng lưới thép rộng đến 6 ha, phía trong đê lại là đồng lúa kết hợp nuôi cá, chuồng trại nuôi lợn thủ công và khu chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín đang dần hoàn tất. Cơ ngơi bề thế này là của anh Hồ Văn Dương.

Khi tôi đến thăm, thấy bộ dạng anh Dương thực đúng là một nông dân thời làm ăn năng động, một tay dắt bò, một tay áp điện thoại vào tai chỉ đạo thiết kế khung nhà xưởng với những thông số kỹ thuật mà chỉ có những kỹ sư cơ khí mới am hiểu. Gặp tôi, anh cười hiền, nụ cười thường thấy ở những người dẻo dai và mẫn tiệp, từng trải qua đường xa, gánh nặng. Câu chuyện lan man bắt đầu từ những ngày anh Dương ở trong quân ngũ.

Anh Hồ Văn Dương bên mô hình lúa - cá.

-Thi thoảng có ai nhắc đến, lại nhớ Trường Sa lắm anh à - anh Dương bồi hồi. Năm 1982, tôi vào bộ đội Hải quân, được cử ra công tác tại đảo Ba Bình, Bình Hưng thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là những ngày trẻ trung, sôi nổi nhất của cuộc đời tôi. Do năng động, chịu khó, tôi nhận nhiệm vụ làm liên lạc của đại đội. Cũng nung nấu ý định phấn đấu làm tốt nhiệm vụ để công tác lâu dài ở đảo, nhưng vì lý do sức khỏe, lại giảm sút thị lực, nên phải ra quân, sớm chia tay đảo, chia tay đồng đội, tiếc quá!

Năm 1984, anh Dương xuất ngũ trở về địa phương và được phân công làm đội trưởng đội vườn ươm của HTX. Đầu năm 1986 lại rẻ ngoặt qua phụ trách đài truyền thanh xã Cam Thanh. Nói là phụ trách nhưng anh Dương ra tay làm tuốt, từ viết, thu thập, biên tập tin tức đến dàn dựng chương trình và kiêm luôn nhiệm vụ phát thanh viên. Đài truyền thanh xã Cam Thanh bấy giờ là một đài mạnh có từ 16 - 18 loa, công suất 25w, 2 máy TA 250w và 1 máy TA 600w, trên 4 km đường dây phủ kín địa bàn 3 thôn. Thời gian phát thanh buổi sáng 1,5 giờ, trưa 1,5 giờ và buổi tối kéo dài đến 5 giờ (từ 17 giờ đến gần 22 giờ đêm). Nhờ đài truyền thanh này mà công tác điều hành sản xuất, xây dựng đời sống mới của địa phương được triển khai tích cực.

Đã gắn bó với nghề “nhà báo làng” ngót 20 năm, am tường hết mọi ngóc ngách của một đài truyền thanh cơ sở thì đến năm 2005, anh Dương được cử giữ cương vị Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thanh, đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2004 - 2011. Những ngày lăn lộn với nông dân, với phong trào sản xuất ở địa phương đã giúp anh rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích để áp dụng vào quá trình lập nghiệp từ trang trại sau này.

Làm cán bộ xã nhưng trong tâm trí anh Dương luôn thường trực những toan tính tương lai. Làm gì để có thể gắn bó và sống một cách đàng hoàng với đất ruộng quê mình luôn làm anh trăn trở, cả trong bữa ăn, cả trong giấc ngủ...

... đến ông chủ trang trại vùng Bàu Đìa

- Thực ra tôi bắt tay làm trang trại từ trước năm 2004. Nhận thấy xứ Đồng đất hoang hóa còn nhiều, tôi và một người nữa đổ công sức khai hoang được 7 ha làm lúa nước, một năm một người cũng thu được hơn 22 tấn lúa. Làm đến năm thứ 4 thì tôi quyết định bàn giao lại cho bà con, ai có nhu cầu thì canh tác và chuyển hướng đầu tư trọng tâm vùng Bàu Đìa hiện nay - anh Dương bộc bạch.

Hệ thống chuồng trại nuôi lợn theo mô hình công nghiệp khép kín đang được xây dựng tại trang trại.

Được giao 6 ha đất hoang hóa, bạt ngàn cây cỏ, thấp trũng, đất quá lâu ngày không được cày xới vón cục lại như những tảng bê tông, việc đầu tiên mà anh Dương tiến hành là động viên vợ không được nản chí. Tiếp đó là những ngày trằn lưng với đất, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, tiền bạc thuê cơ giới phụ với sức người thau chua, lên bờ vùng, bờ thửa, tạo thành 6 ô ruộng vuông vắn. Toàn bộ diện tích được rào dậu bởi tường xây và lưới thép kiên cố.

Nước từ lòng hồ Trúc Kinh được đưa vào làm ngọt đất và luôn giữ ở mức thích hợp để gieo lúa và thả cá. Trên bờ bao, hệ thống chuồng trại nuôi lợn cũng đã hoàn tất. Đường điện dài 1,4 km đã được đầu tư vào tận chân ruộng. Con đường cấp phối nối từ đường xuyên Á vào đến trang trại dài hơn 1,4 km cũng đã được nâng cấp. “Nhà điều hành” được xây dựng kiên cố cũng đã hoàn thành. Từ đây, bắt đầu chu kỳ sản xuất của một trang trại được xây dựng trên vùng đất hoang hóa bao đời.

Từ năm 2010, anh Dương tiến hành gieo cấy giống lúa Xi23 trên diện tích hiện có. Lúa chỉ làm trong một vụ với mức thu từ 14 - 15 tấn (tương đương với 3 ha ruộng, sau khi trừ diện tích đê bao, kênh mương). Vụ tiếp theo, anh Dương để lúa tái sinh ngay trên ruộng chứ không tiến hành làm đất gieo cấy tiếp. Lý do là vì nếu gặt xong, cho nước vào để gieo cấy lại sẽ làm cho nước bị chua, mực nước xuống thấp, không thể thả cá được. Mô hình lúa - cá chỉ thích hợp với ruộng lúa tái sinh vì cá cần bóng râm và nguồn thức ăn từ cây lúa cộng với nguồn phân bón còn lại trong ruộng mà không nên xáo trộn. Cá được thả hỗn giao với 6 vạn con gồm các loại như rô phi, chép, trắm, mè, chim... trên 6 ô nuôi. Mỗi năm thu hoạch, riêng tiền bán cá cũng cho gia đình anh Dương mức thu 100 - 150 triệu đồng.

Trên bờ bao, anh Dương bố trí hệ thống chuồng lợn với số lượng nuôi thường trực 100 con lợn thịt và 6 con lợn nái để gây nguồn giống. Chất thải của lợn được đưa xuống ruộng, đó là nguồn phân bón hữu ích, đồng thời là nguồn thức ăn cho cá. Mỗi năm anh Dương xuất chuồng 10 lứa, ngót 1.000 con lợn. Những năm mới triển khai, anh Dương cho biết, việc nuôi lợn hầu như chưa có lãi, chỉ là để tận dụng phân bón cho lúa và thức ăn cho cá. Nhưng 2 năm gần đây, nuôi lợn theo kiểu này đã thu lãi được trung bình 100.000 đồng/con khi xuất chuồng. Anh Dương hóm hỉnh: “Khi con lợn đói, nó gào lên, có người biết mà cho ăn ngay. Nhưng khi con cá đói, nó không kêu lên được. Mình nhờ con lợn nhắc để con cá cũng có cái ăn, thật nhất cử lưỡng tiện”.

Hiện tại anh Dương đang tất bật với dự án xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn theo quy trình công nghiệp khép kín với quy mô khoảng 600 con, trên diện tích nhà xưởng 1.000 m2, vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Khuôn viên trang trại đã dành hẳn một khu đất cao ráo để xây dựng khu chăn nuôi này. Anh Dương cho biết, phần con giống, thức ăn chăn nuôi và công tác thú y sẽ có đối tác là một công ty có uy tín chịu trách nhiệm. Dự kiến trong tháng 3/2012, công trình sẽ được đưa vào sản xuất.

Trên bờ đê lộng gió, tôi ướm hỏi anh Dương:

- Cần bao nhiêu tiền để có một cơ ngơi như của anh?

- Đầu tư mỗi lúc một ít, vấn đề quan trọng là phải tìm mọi cách để làm cho dấn vốn mình sinh nở thêm ra - anh Dương khiêm nhường.

- Bây giờ đã có thể gọi anh là người giàu ở thôn An Bình được chưa?

- Chưa được - anh Dương cười đôn hậu. Ai đó nói làm giàu không khó là chưa đi đến tận cùng của sự làm ăn gian truân. Làm giàu chính đáng khó lắm, rất cực nhọc và lao lực...

- Nhưng anh phải hướng tới cái sự giàu có bền vững chứ?

- Đương nhiên, nhưng phải từ từ thôi, tất cả đang ở phía trước...

ĐÀO TÂM THANH

Các tinkhác

30/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
24/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
16/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang