• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hợp tác xã làm ‘bệ đỡ’ phát triển kinh tế nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 05/06/2024
Ngày cập nhật: 7/6/2024

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Thông qua hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các thành viên trong HTX đã liên kết lại cùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn, có cùng tiêu chuẩn, chất lượng cung ứng ra thị trường, thu hút được nhiều công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, với giá cao hơn so với bên ngoài thị trường. Đặc biệt, việc phát triển các HTX cũng đã góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nhằm định hướng và có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, chiến lược, kế hoạch phát triển HTX như: Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025...

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể rất được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm, bởi việc hình thành và phát triển các tổ hợp tác, HTX sẽ tập hợp được nông dân cùng nhau tham gia hoạt động sản xuất theo một quy trình nhất định trên các loại cây trồng, vật nuôi; năng suất, sản lượng các sản phẩm sau khi thu hoạch đạt cùng tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, nông dân tham gia HTX sẽ được hưởng được nhiều lợi ích khi ngành chuyên môn chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất trong thành viên và còn nhiều hỗ trợ khác của các đơn vị liên quan trong việc chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa sản phẩm tham gia hội thi xếp hạng sản phẩm OCOP, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu…

HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 80ha, sản lượng tôm thu về ước đạt 330 - 350 tấn/năm đã góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Chia sẻ về lợi ích khi tham gia HTX, ông Hồ Thanh Liêm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phú, xã Tân Hưng, huyện Long Phú bộc bạch: “Khi chưa vào HTX, nhiều nông dân thấy giống lúa nào có năng suất là làm, chăm sóc lúa cũng theo kinh nghiệm nhiều năm nên có khi chi phí đội lên cao mà năng suất không như mong muốn. Năm 2020, ngành chức năng, địa phương vận động, nhiều nông dân đã tham gia HTX. Hiện tại, HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phú có 128 thành viên, với tổng diện tích sản xuất 501ha, canh tác 2 vụ lúa/năm. Kể từ khi tham gia HTX đến nay, toàn bộ thành viên tuân thủ đúng các quy định ban giám đốc HTX đề ra về sử dụng giống cùng loại và giống lúa chủ yếu là giống đặc sản, giống chất lượng cao để gieo sạ các vụ trong năm. Đồng thời, thành viên cũng được ngành chuyên môn tập huấn quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhờ đó hầu hết các vụ lúa trong năm năng suất đều cao và chi phí đầu tư mùa vụ giảm. Lúa sau thu hoạch được công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra với giá cao hơn so thị trường từ 500 - 2.000 đồng/kg nên thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể. Hiện tại, đa số thành viên trong HTX có đời sống khá giả, có nhiều thành viên là hộ giàu".

Không riêng về cây lúa, tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập các HTX và phát triển kinh tế hợp tác. Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “HTX đã được thành lập hơn 10 năm qua. Ban đầu, diện tích nuôi tôm trong HTX chủ yếu bằng ao đất nhưng qua nhiều năm nhận thấy, việc nuôi tôm bằng ao đất khó kiểm soát dịch bệnh và năng suất không cao, do đó HTX đã chuyển diện tích 80/90ha nuôi tôm bằng ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ nuôi tôm công nghệ cao nên tôm nuôi được 2 - 4 vụ/năm, ước tính sản lượng tôm thu về từ 330 - 350 tấn/80ha/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng/năm”.

Theo ông Tuấn, mặc dù nuôi tôm công nghệ cao có chi phí đầu tư lớn nhưng bù lại tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, nuôi tôm theo kích cỡ mong muốn. Đặc biệt là năng suất tôm nuôi cao hơn gấp từ 7 - 10 lần so với nuôi ao đất, nhờ đó tăng thu nhập cho thành viên HTX.

Ngoài cây lúa, con tôm nuôi nước lợ thì cây ăn trái cũng được xem là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó việc nông dân tham gia vào HTX cây ăn trái đã góp phần tích cực phát triển kinh tế hộ và giúp địa phương quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, tạo ra sản lượng sản phẩm trái cây cùng loại lớn có cùng chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Huỳnh Thanh Lễ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Lợi, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách chia sẻ: “Mặc dù HTX thành lập, đi vào hoạt động chưa được bao lâu, nhưng nhà vườn trồng sầu riêng đã hưởng được nhiều lợi ích khi tham gia. Thành viên được tập huấn chuyển giao các kỹ thuật về canh tác cây sầu riêng; được nhiều công ty, doanh nghiệp và thương lái tìm đến thu mua sầu riêng với giá cao hơn so với bên ngoài thị trường; thành viên trao đổi kinh nghiệm canh tác sầu riêng để năng suất trái đạt cao hơn. Để trái sầu riêng của HTX an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, HTX canh tác theo quy trình VietGAP cho toàn bộ diện tích 41ha. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sao OCOP cho trái sầu riêng của HTX. Hướng tới, HTX vận động thêm thành viên, gia tăng thêm diện tích sản xuất…”.

Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin, tổng số HTX trong nông nghiệp là 204 HTX, với 10.081 thành viên/12.427ha và có Liên hiệp HTX artemia với 4 HTX, gồm 280 thành viên. Theo đó, có 4 HTX nuôi tôm đạt chứng nhận ASC. Ngoài ra, còn có 5 HTX triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 20 HTX nông nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 23 sản phẩm, đạt 3, 4 sao OCOP. Để hỗ trợ HTX lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, triển khai thực hiện Kế hoạch số 33/KH-SNN, ngày 23/2/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp; Kế hoạch số 34/KH-SNN, ngày 23/2/2024 về triển khai thực hiện phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

THÚY LIỄU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang