• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hưng Hà (Thái Bình): Chủ động bảo vệ diện tích nuôi cá lồng

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 16/09/2024
Ngày cập nhật: 19/9/2024

Ảnh hưởng của bão số 3 và nước lũ dâng cao đã khiến một số hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Hưng Hà (Thái Bình) chịu thiệt hại. Các hộ đang chủ động khôi phục và thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ diện tích nuôi cá lồng.

Người nuôi cá lồng xã Điệp Nông (Hưng Hà) kiểm tra cá khi nước lũ giảm.

Chỉ còn vài tháng nữa, 40 lồng cá với gần 100 tấn cá trọng lượng từ 1kg trở lên của anh Đinh Văn Hùng, thôn Việt Yên, xã Điệp Nông sẽ được xuất bán, dự kiến thu nhập hàng tỷ đồng. Thế nhưng, bão số 3 đi qua cùng thời điểm nước lũ dâng cao đã gây thiệt hại 2 lồng cá với hơn 8 tấn cá lăng, mặc dù trước đó toàn bộ lồng cá đã được anh Hùng gia cố, chằng chống kỹ.

Anh cho biết: Không chỉ có các lồng cá bị ảnh hưởng trong bão mà mưa lớn kéo dài cộng với nước lũ dâng cao là nguy cơ khiến môi trường nước ở các lưu vực sông biến động. Người nuôi cá lồng lại đối diện với nhiều thách thức như nhiệt độ nước giảm đột ngột trong thời gian dài. Cả lượng oxy hòa tan trong nước, độ mặn, độ pH, độ kiềm cũng giảm. Ngoài ra, nguồn nước có thể cuốn theo nhiều rác thải, đất, đá..., gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi, nguy cơ cá khó thích ứng, biếng ăn, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm bệnh đột ngột và chết. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi tổ chức vệ sinh lồng bè, tập trung chăm sóc, phòng bệnh, tăng khẩu phần ăn để cá tăng sức đề kháng; tổ chức xuống giống nuôi mới cho kịp xuất bán trong dịp tết Nguyên đán để bù lại thiệt hại.

Hiện nay, xã Điệp Nông có 89 lồng cá của 4 hộ. Ngay sau khi nước rút, xã đã hướng dẫn người dân biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi và cơ sở hạ tầng; khẩn trương rà soát tình hình thiệt hại và triển khai ngay biện pháp khôi phục chăn nuôi.

Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Chúng tôi khuyến cáo bà con ngay khi nước rút cần vệ sinh nguồn nước, treo một số bao vôi ở đầu lồng để thanh lọc nước, phòng, trừ bệnh cho cá theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trường hợp cá có dấu hiệu nhiễm bệnh, khuyến cáo bà con liên hệ với cán bộ chuyên môn của huyện, xã để được hỗ trợ xử lý. Đồng thời, các hộ chủ động nguồn giống để nuôi trồng bổ sung khi nước rút.

Không chỉ ở Điệp Nông, tại thị trấn Hưng Nhân, 3 lồng cá của ông Trần Văn Hòe bị thất thoát hơn 30 tấn cá chép giòn và cá lăng đến kỳ thu hoạch.

Ông Hòe chia sẻ: Hiện tại tôi còn 10 lồng cá, mỗi lồng dự kiến gần 5 tấn cá. Mấy ngày qua, khi nước lũ dâng cao, địa phương cũng huy động nhân lực giúp gia đình tôi gia cố lại lồng bè, di chuyển đến nơi an toàn. Sau bão, lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với cá là rất cao do sức đề kháng giảm. Vì vậy, chúng tôi tăng cường phòng, chống dịch bệnh bằng các nguồn lực sẵn có. Đồng thời, gia cố, bổ sung hệ thống phao, tấm chắn, hệ thống dây chằng, túi cát góc lồng của các lồng nuôi phòng gió, nước lũ chảy mạnh tiếp tục làm hư hại lồng nuôi; khẩn trương khử khuẩn phòng cá bị nấm, bệnh gây hại; quan sát các yếu tố môi trường và sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn, chạy máy sục khí khi cần thiết để bảo vệ an toàn cho đàn cá.

Tại xã Hồng An, hơn 20 lồng cá với trên 100 tấn cá của các hộ đã bị mất trắng. Ông Trần Ngọc Tạo, Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Nước lũ đã làm vỡ hết các lồng cá. Chúng tôi đang nghiên cứu phương án kêu gọi các cấp, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ một phần giúp bà con ổn định tâm lý, sớm bắt tay vào nuôi trồng thủy sản vụ mới.

Hiện nay, người nuôi cá lồng ở Hưng Hà đã bắt đầu cải tạo, sửa chữa lồng cá bị hư hỏng, tổ chức vệ sinh môi trường ao nuôi để đầu tư sản xuất vụ mới. Ngành nông nghiệp huyện Hưng Hà đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể thiệt hại do mưa, lũ gây ra, bảo đảm kê khai đúng đối tượng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; hướng dẫn người dân biện pháp kỹ thuật để sớm ổn định sản xuất sau mưa, lũ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở, đơn vị sản xuất, cung ứng giống thủy sản trên địa bàn huyện tập trung sản xuất giống các loại cá nước ngọt, bảo đảm chất lượng con giống phục vụ người dân nuôi thả vụ mới.

Thanh Thủy

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang