Nguồn tin: Vasep, 05/09/2024
Ngày cập nhật:
6/9/2024
Sau bài Xanh hóa vùng nuôi, bài này xoay quanh việc Xanh hóa cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản. Đây là một mắt xích không thể thiếu và tầm quan trọng của nó cũng thuộc hàng đầu, bởi đây là điểm giao thoa giữa bên hoàn thiện sản phẩm và bên tiêu thụ sản phẩm. Dù các mắt xích trước tốt ra sao, nhưng mắt xích này không tốt thì người tiêu dùng khó cảm nhận được nỗ lực của bên tạo ra sản phẩm, việc tiêu thụ không đạt yêu cầu cao nhất. Cho nên các DN chế biến không thể coi nhẹ chuyện này.
Như đã nói “Xanh hóa” chỉ là mỹ từ chỉ việc thực thi nội dung cốt lõi các tiêu chí phát triển bền vững. Cho nên triển khai “Xanh hóa” phải bài bản có tính chất lâu dài, phải tính bước thực thi đủ các trụ cột các tiêu chí DN bền vững; trước tiên mỗi DN phải:
1/. Hình thành Ban Phát triển bền vững (PTBV). Tốt hơn hết lãnh đạo cao nhất DN phải trực tiếp điều hành Ban này. Thành viên là các lãnh đạo các cơ sở nội bộ có liên quan như nhà máy chế biến, cơ điện nước, bộ phận nhân sự, kế toán thống kê, quản lý chất lượng, cơ sở nuôi tôm (nếu có) và các bộ phận khác tùy tình hình cụ thể từng DN…
2/. Nhận diện thực trạng PTBV tại DN. Dựa trên ba trụ cột là môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là bộ tiêu chí PTBV phổ biến nhất hiện nay. Nội dung này cũng đã được VCCI tích hợp cho bộ tiêu chí CSI mà VCCI phát động các DN tham gia, hàng năm lập báo cáo về VCCI để được thẩm định, xác minh và xét chọn top 100 DN Việt bền vững. Quay trở lại, dựa trên các chuẩn mực Ban PTBV DN đối chiếu với thực trạng của mình, nhận diện điểm mạnh, yếu; những khoảng trống cần lấp…
3/. Xây dựng các mục tiêu phấn đấu và các thủ tục chính sách thực hiện. Trên nền tảng thực trạng và các yếu tố chủ quan, khách quan khác đối chiếu các tiêu chí và các mục tiêu quốc gia, ngành… Ban PTBV sẽ xây dựng các mục tiêu phấn đấu cho mình. Mục tiêu có thể là định tính, định lượng, định hướng… tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Các mục tiêu này xoay quanh ba trụ cột nêu trên là môi trường, xã hội và quản trị. Chú ý, tốt hơn, việc xây dựng mục tiêu, chính sách… đạt các yêu cầu S.M.A.R.T, chi tiết:
+ Cụ thể (Specific)
+ Đo lường (Measurable)
+ Khả thi (Attainable)
+ Thực tế (Realistic)
+ Khung thời gian (Timely)
Mục tiêu và chính sách thực hiện có thể tách thành hai nội dung, tùy tình hình DN.
4/. Đào tạo người lao động về PTBV.
+ Cấp quản lý phải hiểu nội dung ESG.
+ Người lao động phải hiểu biết về an toàn lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội, ISO 14001….
5/. Triển khai thực hiện:
Trên cơ sở mục tiêu, quy chế, chính sách thực hiện; trên cơ sở phân công trong Ban PTBV các thành viên thực hiện phần việc của mình.
6/. Thu thập số liệu, lập báo cáo hàng năm.
Số liệu thu thập dựa trên các nội dung ESG, cụ thể như:
+ Môi trường
- Tiêu thụ năng lượng: Điện, than, gas, dầu…
- Tiêu thụ nước sạch và xử lý nước thải
- Khối lượng chất thải: Chất thải nguy hại, không nguy hại
- Kinh tế tuần hoàn: Tái chế, tái sử dụng…
+ Lao động –Xã hội
- Lao động: Tổng số nhân viên, cơ cấu độ tuổi, giới tính, mức thu nhập
- An toàn và sức khỏe: Tai nạn lao động, đào tạo
- Các chương trình hỗ trợ cộng đồng
+ Quản trị
- Chính sách, quy định về môi trường– xã hội
- Cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ phụ trách về PTBV
- Mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hành động về PTBV
- Chứng chỉ/ chứng nhận về môi trường– xã hội
7/. Đánh giá lại và hoàn thiện hơn.
Bộ tiêu chí PTBV chú trọng nâng cao hàng năm. Tuy nhiên, khi xem xét việc thực thi của từng DN, bộ tiêu chí chú trọng khuyến khích các DN theo đuổi thông qua chia bộ tiêu chí thành 2 cấp độ, phần cơ bản và phần nâng cao. Các DN tự đánh giá và hoàn thiện hơn thông qua nỗ lực thực thi ngày càng tốt hơn các tiêu chí nâng cao. Thí dụ bộ tiêu chuẩn cho DN PTBV của VCCI hiện nay có 95 chỉ số cơ bản C (Core) và 58 chỉ số nâng cao A (Advance).
Tóm lại, Xanh hóa và sâu xa hơn là PTBV là con đường tất yếu các DN muốn tồn tại và phát triển phải tham gia. Trên chỉ là nội dung khái quát và chắc chắn chưa đầy đủ nhất, bởi chính bộ tiêu chí PTBV luôn được bổ sung và hoàn thiện hơn. Dẫu sao đây cũng những nét phác họa ban đầu các lãnh đạo DN chưa quan tâm nay nên lướt qua để chuẩn bị nền tảng và hành trang tốt hơn cho DN mình trên con đường cạnh tranh đầy gian khó này.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.