Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 02/09/2024
Ngày cập nhật:
3/9/2024
Đã không còn là những dự báo, chuyện thiếu tôm nguyên liệu đã chính thức được ghi nhận kể từ đầu tháng 8, sớm hơn so với dự tính của các doanh nghiệp. Và như một tất yếu của thị trường, giá tôm đã nhanh chóng bật tăng trở lại. Giá tôm đang tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới không chỉ mang đến tin vui, mà còn có cả sự tiếc nuối và băn khoăn nơi người nuôi tôm về quyết định có nên thả nuôi tiếp hay không.
Đây là lần tăng giá khá mạnh thứ hai sau lần tăng giá vào tháng 5. Tuy nhiên, nếu như ở lần tăng giá đầu tiên vào tháng 5 chỉ duy trì trong thời gian ngắn thì ở lần tăng giá này, theo nhận định của doanh nghiệp, giá tôm không chỉ neo cao trong thời gian dài hơn mà khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là tôm thẻ cỡ 50 con/kg trở về lớn. Việc giá tôm bật tăng trở lại là điều đã được dự báo từ trước, nhưng các doanh nghiệp vẫn có đôi chút bất ngờ, bởi theo nhận định của doanh nghiệp, chí ít cũng từ tháng 9 hoặc đầu tháng 10 giá tôm mới bật tăng trở lại.
Dù vụ nuôi hiện tại là rất khó khăn, nhưng do giá tôm đang ở mức cao nên một số trang trại có đủ điều kiện vẫn tiếp tục thả nuôi. Ảnh: TÍCH CHU
Nhận định về tình hình giá tôm đột ngột tăng mạnh thời gian gần đây, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Việc giá tôm thẻ cỡ lớn gần đây tăng mạnh chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm khi vụ tôm đã bước sang mùa nghịch, rất khó nuôi. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang vào cao điểm trả nợ hợp đồng, nên để có đủ tôm trả nợ hợp đồng, buộc các doanh nghiệp phải đẩy giá mua lên mới có đủ nguồn hàng. Theo tôi, giá tôm thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là tôm cỡ 40 con/kg về lớn”. Nhận định trên là khá hợp lý khi giá tôm thẻ cỡ 60 - 100 con/kg gần đây tuy có tăng nhưng không đáng kể so với tôm cỡ lớn.
Riêng về giá tôm xuất khẩu, theo các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều so với kỳ vọng, nhưng hiện ngoài số hợp đồng đã ký trước đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới theo kiểu gối đầu, nên chuyện cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, giá tôm nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đẩy lên mức cao hơn nhiều so với hiện tại. Ngay thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều không mua được đủ lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến mỗi ngày. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp bước vào cao điểm chế biến, nhu cầu tôm nguyên liệu là rất lớn, nên câu chuyện thiếu tôm nguyên liệu được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn. Đây cũng là lý do để các doanh nghiệp dự báo, giá tôm sẽ còn tăng thêm ít nhất là 10% từ nay đến tháng 10.
Điều này cũng khiến không ít hộ có đôi chút băn khoăn trước quyết định có nên thả nuôi tiếp hay không khi giá tôm hiện tại đã đủ để đảm bảo cho hộ nuôi có mức lợi nhuận khá nếu nuôi đạt năng suất, đặc biệt là nếu nuôi được về kích cỡ lớn. Tuy nhiên, đây lại là vụ nuôi không hề dễ dàng khi tập trung không ít yếu tố bất lợi cho nghề nuôi, như: thời tiết mưa bão nhiều, môi trường dễ biến động, dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là bệnh do EHP, chất lượng tôm giống không đồng đều… làm cho tỷ lệ nuôi thành công thấp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người viết, trước sức hấp dẫn tôm tăng giá, hiện một số hộ nuôi có đủ điều kiện đã quyết định tiếp tục thả nuôi vì theo họ, từ nay đến cuối năm nhu cầu tôm cỡ trung đến cỡ nhỏ từ thị trường Trung Quốc là rất cao. Tuy nhiên, để phòng rủi ro, họ chỉ thả nuôi một phần diện tích, còn lại chủ yếu chờ dứt mưa mới thả.
Liên quan đến việc thả nuôi ở vụ này, theo các trang trại nuôi tôm lớn, có kinh nghiệm thì vấn đề quan trọng nhất là làm sao chọn mua được con giống không có mầm bệnh EHP, bởi một khi mầm bệnh EHP đã có sẵn trong con giống thì dù trình độ kỹ thuật, tay nghề có cao siêu đến đâu cũng rất khó vượt qua, chứ đừng nói chi đến chuyện nuôi tôm về cỡ như mong muốn. Vì vậy, người nuôi phải hết sức cân nhắc, thận trọng trước khi đưa ra quyết định có nên thả nuôi tiếp hay không, thả với mật độ nào, diện tích bao nhiêu… để tránh rủi ro đáng tiếc, đảm bảo an toàn cho vụ nuôi.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.