Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 03/11/2024
Ngày cập nhật:
5/11/2024
Đây là nhận định của ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á. Theo ông Gabor Fluit,trong 15 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều thay đổi rất lớn, chăn nuôi Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt là áp dụng nhanh các công nghệ, kỹ thuật mới.
De Heus đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các địa điểm phù hợp để trồng bắp với diện tích lớn, giúp đạt năng suất cao hơn bằng cách chọn giống tốt hơn, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và một số vùng ở Tây Bắc.
Những thay đổi ngành chăn nuôi trong 15 năm qua
Là doanh nghiệp đầu tư rất sớm vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc De Heus châu Á cho biết tại Việt Nam trước đây phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vài chục con heo, vài trăm con gà, nhưng bây giờ người tham gia chủ yếu là trang trại lớn. Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì 15 năm qua, chăn nuôi Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt là áp dụng nhanh các công nghệ, kỹ thuật mới.
"Tôi có nhiều dịp đi thăm các nước mà De Heus đang có nhà máy thì thấy, ở một số quốc gia, người chăn nuôi rất e ngại đổi mới công nghệ, bởi họ luôn cho rằng công nghệ của họ đã tốt rồi. Trong khi người Việt Nam thì luôn muốn thử nghiệm cách làm mới, ví dụ như áp dụng các phần mềm tự động hoá trong trang trại.
Bên cạnh đó, thị trường chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn về dịch bệnh, sự cạnh tranh của các công ty lớn. Nếu muốn tiếp tục chăn nuôi, bắt buộc phải áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, người chăn nuôi nhỏ cũng gặp nhiều thử thách hơn về thị trường khi ngày càng có nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Và các hộ chăn nuôi thích nghi rất nhanh khi họ chủ động từ bỏ một số phân khúc không còn phù hợp", ông Gabor nhận định.
Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng theo ông Gabor, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng bị giảm sức cạnh tranh khi đang phải nhập khẩu phần lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (khoảng 60-70%).
"Vấn đề này, theo tôi cũng có 2 mặt. Ví dụ một số nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan cấm nhập khẩu một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, và để có đủ nguyên liệu thì người dân trong nước phải tự trồng bắp, khoai mì nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó Việt Nam chọn hoà nhập với xu thế của thế giới, do đó những loại nông sản Việt Nam có thế mạnh được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, như trà, cà phê, điều, trái cây, ngược lại sẽ nhập khẩu những loại nguyên liệu mà Việt Nam không có thế mạnh", ông Gabor nói.
Tổng Giám đốc De Heus châu Á phân tích: Muốn tự trồng được đầy đủ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam có thể tiết kiệm được 4-5 tỷ USD, nhưng ngược lại khi những diện tích đó được dùng sản xuất những loại cây trồng Việt Nam đang có thế mạnh, thì chúng ta có thể thu về 20-30 tỷ USD. Rõ ràng bài toán hiệu quả kinh tế sẽ quyết định việc đầu tư như thế nào.
Tuy nhiên, để giảm bớt tác động trước những biến động khó lường của thị trường và tình hình thế giới, De Heus đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các địa điểm phù hợp để trồng bắp với diện tích lớn, giúp đạt năng suất cao hơn bằng cách chọn giống tốt hơn, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và một số vùng ở Tây Bắc.
Phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Gabor phân tích: "Nhiều người cho rằng, nếu Việt Nam ít phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thì giá thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định hơn, tôi cho rằng không phải vậy. Bởi nếu Việt Nam trồng bắp trong nước nhiều hơn, giá bắp cạnh tranh được với giá bắp thế giới thì lập tức, Philippines rồi Thái Lan sẽ nhập bắp của Việt Nam, và đương nhiên sẽ kéo giá bắp tăng lên. Trong khi đó, việc nhập khẩu bắp về Việt Nam hiện nay được hưởng ưu đãi về thuế, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, thực tế là thấp so với các nước Đông Nam Á".
Ông Gabor Fluit cho biết, sau 15 năm đầu tư tại thị trường Việt Nam, De Heus có được bài học hiệu quả chính là con người - những khách hàng của De Heus. Khi chúng tôi chứng minh được hiệu quả từ các giải pháp dinh dưỡng động vật, thì khách hàng ngày càng tin tưởng chúng tôi. Một số doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực vừa cung cấp thức ăn, nhưng cũng vừa tự chăn nuôi thì họ đã trở thành "đối thủ" của người nông dân, còn chúng tôi đi theo con đường khác: Tập trung giúp người chăn nuôi phát triển chứ không cạnh tranh với họ.
Ông Gabor nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, như là chăn nuôi công nghệ cao và khoảng 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra toàn cầu khi các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế được thiết lập.
"Theo đó, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem người chăn nuôi cần gì để thành công. Câu trả lời là, họ sẽ cần thức ăn chăn nuôi tốt, dinh dưỡng tốt, con giống tốt… Ngoài ra, có rất nhiều thách thức đặt ra cho bà con như vấn đề dịch bệnh, các đối thủ cạnh tranh, giá cả không ổn định… Vậy nên chúng tôi sẽ trợ giúp họ về thức ăn, kỹ thuật chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn để họ thiết lập kế hoạch sản xuất cho tương lai. Đặc biệt là tìm kiếm các công nghệ mới phù hợp để họ dễ dàng tiếp cận, áp dụng. Bên cạnh đó, De Heus cũng làm việc với nhiều ngân hàng để giúp người chăn nuôi tiếp cận đủ nguồn vốn cần thiết nhằm phát triển mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững", ông Gabor nói.
Ông Gabor cũng tiết lộ, trong những năm đầu tiên có mặt tại Việt Nam, De Heus phải dựa nhiều vào sự hỗ trợ từ công ty mẹ. Theo thời gian, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành trung tâm lớn thứ 2 toàn cầu của De Heus. Trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh cũng được De Heus sử dụng làm trụ sở của toàn khu vực châu Á, hơn thế nữa, đây cũng là nơi đang triển khai các dự án hỗ trợ cho thị trường châu Phi.
"Bây giờ chúng tôi đang làm điều ngược lại trước kia. Thay vì việc phải mang các chuyên gia từ châu Âu đến Việt Nam thì bây giờ chúng tôi lại gửi các đồng nghiệp Việt Nam đi khắp thế giới. Đặc biệt với việc mua lại mảng sản xuất thức ăn của Masan, chúng tôi đã có thể phục vụ khách hàng tốt hơn so với trước, nhờ các nhà máy phân bố ở khắp các vùng chăn nuôi trọng điểm từ Bắc vào Nam. Hiện nay, các nhà máy cũng đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn hiện đại. Điều này đang mang lại cho De Heus lợi thế cạnh tranh rất lớn nhờ giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho khách hàng", ông Gabor chia sẻ.
Đỗ Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.