• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai: Huyện Thống Nhất đảm bảo môi trường trong chăn nuôi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 20/09/2024
Ngày cập nhật: 23/9/2024

Trước đây, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) có tổng đàn chăn nuôi thuộc tốp đầu của tỉnh với 2 vật nuôi chủ lực gồm heo và gà. Theo đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là bài toán khó với địa phương.

Thời gian qua, huyện Thống Nhất tập trung thực hiện kế hoạch rà soát, kiểm tra, di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch. Huyện định hướng giảm đàn vật nuôi, chuyển hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo về môi trường.

Mạnh tay xử lý ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất, chỉ tính riêng năm 2023, toàn huyện đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chăn nuôi với 105 trường hợp. Tổng số tiền phạt thu trên 2,1 tỷ đồng. Thời gian qua, huyện rất tích cực tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nên vấn đề môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Các cơ sở chăn nuôi còn lại trên địa bàn huyện rất quan tâm thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Trong đó, những trại chăn nuôi heo, nuôi gia cầm có quy mô lớn đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đặc biệt, họ đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học, nguồn phân trong chăn nuôi được xử lý thành phân chuồng sử dụng trong trồng trọt.

Bí thư Huyện ủy Thống Nhất Cao Tiến Sỹ cho biết, thời gian qua, địa phương rất quyết liệt trong việc xử lý môi trường và các vi phạm khác trong chăn nuôi. Kết quả kiểm tra, khảo sát tại một số con suối trên địa bàn huyện thấy có sự chuyển biến rõ rệt, giảm hẳn ô nhiễm do chất thải chăn nuôi cho thấy môi trường trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ. Quan điểm của địa phương không khuyến khích nhân rộng chăn nuôi nhỏ lẻ vì vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát giết mổ lậu gây mất an toàn thực phẩm. Ở đây, cần quan tâm để tìm mô hình phù hợp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề.

Trại heo ngưng chăn nuôi: Trang trại chăn nuôi tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất ngưng chăn nuôi. Ảnh: Song Lê

Ưu tiên môi trường hơn kinh tế

Huyện Thống Nhất là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều khu vực không còn phù hợp để phát triển chăn nuôi. Theo đó, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi ở trong khu vực dân cư, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn huyện đã ngưng chăn nuôi.

Theo một số hộ chăn nuôi heo tại xã Gia Tân 1, trước đây, trên địa bàn xã có nhiều trại chăn nuôi heo với quy mô hàng trăm con. Nhưng khi chính quyền có quy định không được chăn nuôi trong khu dân cư hoặc khu vực không phù hợp với quy hoạch, các hộ này đã ngưng chăn nuôi, còn vài ba hộ còn chăn nuôi cũng đều có kế hoạch di dời trại nuôi khỏi khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, hộ chăn nuôi heo tại xã Gia Tân 2 chia sẻ, trước đây, gia đình bà đầu tư trại nuôi heo ngay phía sau nhà ở. Gia đình bà được địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi. Nhưng khi dân cư xây dựng nhà cửa ở khu vực này ngày càng đông, gia đình bà cũng tính toán việc đầu tư trại mới xa khu dân cư, đồng thời hạn chế rủi ro dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ năm trước, gia đình bà Lan đã di dời đàn heo thịt qua trại nuôi mới, hiện chỉ có vài con nái mới sinh cần theo dõi sát bà vẫn để nuôi tạm tại trại cũ và đã có kế hoạch di dời trong thời gian tới.

Không chỉ với vật nuôi chủ lực có tổng đàn lớn là heo, nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện cũng ngưng chăn nuôi khi không còn phù hợp với quy hoạch chăn nuôi mới.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn huyện không ngừng giảm mạnh. Trước đây, chỉ tính riêng tổng đàn heo của huyện lên đến 441 ngàn con. Chăn nuôi theo quy mô trang trại hơn 3,5 ngàn cơ sở. Huyện cũng thu hút rất đông các trang trại chăn nuôi gia công. Nhưng thời gian qua, số trang trại chăn nuôi gia công trên địa bàn huyện giảm rất nhiều, đến năm 2023 còn 98 trang trại và hiện chỉ còn 27 trang trại. Theo đó, tính đến giữa tháng 6 năm 2024, toàn huyện chỉ còn 352 trang trại chăn nuôi có quy mô cấp huyện quản lý; 2 trang trại có quy mô cấp tỉnh quản lý. Về chăn nuôi nông hộ, trên địa bàn huyện có 679 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất, việc thực hiện kế hoạch rà soát, kiểm tra, di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, trên địa bàn huyện có 74 cơ sở phải thực hiện di dời ra khỏi vị trí đang chăn nuôi. Đến nay, huyện đã di dời được 46 cơ sở, những cơ sở, trang trại còn lại chủ yếu là chăn nuôi theo quy mô nông hộ và dự kiến đến đầu năm 2025 sẽ di dời hết số cơ sở này theo đúng lộ trình của tỉnh.

Song Lê

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang