• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lợi ích kép từ chế biến rơm vỗ béo bò

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 24/08/2024
Ngày cập nhật: 26/8/2024

Để tận dụng nguồn rơm, hạn chế đốt đồng sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thành công mô hình chế biến rơm làm thức ăn vỗ béo bò tại huyện A Lưới.

Rơm cuộn phục vụ chế biến thức ăn gia súc

Hiệu quả

Mấy chục con bò nuôi theo mô hình gia trại, nhốt chuồng của ông Nguyễn Văn Trường ở thị trấn A Lưới (A Lưới) cần một lượng thức ăn lớn. Nguồn thức ăn xanh, thô tại địa phương khó có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô số lượng bò nuôi của ông Trường.

Được lựa chọn hộ triển khai mô hình chế biến rơm làm thức ăn chăn nuôi, vỗ béo bò tại gia trại đáp ứng nhu cầu của ông Trường. “Mô hình được triển khai từ tháng 4, đến nay đã thành công ngoài mong đợi. Mấy chục con bò của gia đình tôi không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn mà còn chóng lớn. Đây là niềm vui trước mắt và lâu dài khi tôi có nhu cầu, dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô số lượng đàn bò”, ông Trường phấn khởi.

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi thông tin, để thực hiện thành công mô hình chế biến rơm làm thức ăn chăn nuôi, vỗ béo bò tại huyện A Lưới, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 70% kinh phí mua rơm cuộn làm thức ăn, thức ăn tinh và thuốc thú y, 50% rơm làm đệm lót. Hộ tham gia mô hình đối ứng bò giống, máy móc chế biến rơm, chế phẩm vi sinh, các loại nguyên liệu thức ăn khác, 30% rơm cuộn làm thức ăn, thức ăn tinh, thuốc thú y và 50% rơm làm đệm lót.

Các loại nguyên liệu đưa vào chế biến thức ăn để nuôi bò vỗ béo gồm rơm cuộn, cỏ voi trồng, thức ăn tinh hỗn hợp, cám, bắp, bột sắn, chuối cây, rỉ mật, muối… tùy theo lợi thế nguyên liệu sẵn có tại gia đình, địa phương. Rơm sau chế biến được cắt ngắn và làm mềm, được máy trộn đều với các nguyên liệu khác tạo ra hỗn hợp thức ăn có mùi thơm dễ chịu, kích thích bò ăn nhiều hơn. Nhờ vậy, bò tăng trọng nhanh, khả năng kháng bệnh tốt, giảm tiêu tốn thức ăn. Theo tính toán của ông Trường và cán bộ khuyến nông, với giá bán bò thịt 75 ngàn đồng/kg, mô hình mang lại lợi nhuận gần 64 triệu đồng, bình quân một con bò vỗ béo trong 90 ngày lợi nhuận hơn 2,1 triệu đồng.

Cần nhân rộng mô hình

Ngày 20/8 vừa qua, TTKN tỉnh đã tổ chức đánh giá kết quả của mô hình chế biến rơm làm thức ăn chăn nuôi, vỗ béo bò tại A Lưới. Mô hình cho thấy, hiệu quả và triển vọng trong phát huy lợi thế chăn nuôi gia súc, bò nói riêng trên địa bàn huyện. Hiện nay, tại huyện A Lưới có tổng đàn trâu, bò hơn 13 ngàn con. Một trong những khó khăn nuôi trâu, bò là thiếu thức ăn trong mùa đông dẫn đến gia súc gầy và chết do đói rét. Trong khi đó, diện tích gieo trồng lúa hàng năm của huyện khoảng 2.150ha, sản lượng rơm khoảng 8.600 tấn rơm khô là nguồn phụ phẩm có giá trị, lợi thế để nuôi trâu, bò.

Đối với chăn nuôi trâu, bò, rơm rạ được xem một nguồn thức ăn thô chính, dễ bảo quản và dự trữ lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay rơm được sử dụng phổ biến ở dạng nguyên, chưa qua chế biến nên hiệu quả chưa cao. Đặc điểm của rơm rạ là kềnh càng và chất lượng dinh dưỡng thấp, có thành phần Silic cao (12-16%) là nguyên nhân chính dẫn đến khả năng tiêu hóa kém. Nếu chỉ cho ăn rơm rạ thì gia súc chỉ hấp thu được một lượng nhỏ chất dinh dưỡng.

Ông Châu Ngọc Phi cho rằng, chế biến rơm cuộn với các nguyên liệu khác để làm thức ăn vỗ béo bò là mô hình ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong chăn nuôi gia súc. Mô hình còn góp phần thay đổi nhận thức cho các hộ chăn nuôi trong việc dự trữ, sử dụng rơm làm thức ăn nuôi bò, đặc biệt trong mùa đông thường thiếu cỏ. Việc sử dụng rơm làm nguồn thức ăn chăn nuôi còn góp phần hạn chế đốt rơm trên đồng ruộng gây nhiều hệ lụy và tránh lãng phí.

Để tạo thêm thu nhập cho nông dân từ việc thu gom, tái sử dụng rơm rạ vào sản xuất nông nghiệp và hạn chế tình trạng đốt đồng, tỉnh có chủ trương hỗ trợ phát triển máy cuốn rơm, tăng cường sử dụng rơm vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, máy cuốn rơm đã phát triển phổ biến trên địa bàn tỉnh. Tận dụng lợi thế này, TTKN đã xây dựng thành công hai mô hình chế biến rơm cuộn để nuôi bò quy mô trang trại.

Để phát huy hiệu quả của mô hình, TTKN tỉnh đề nghị, các đơn vị chuyên môn cấp huyện, các xã quan tâm đánh giá nhu cầu của người dân để hỗ trợ nhân rộng mô hình chế rơm làm thức ăn chăn nuôi, vỗ béo bò; quy hoạch, hỗ trợ phát triển chăn nuôi vỗ béo bò quy mô trang trại, ứng dụng cơ giới hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến rơm cuộn với quy mô nhỏ, phù hợp cho chăn nuôi nông hộ. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến, ép rơm thành kiện vuông để tiện lợi cho quá trình dự trữ, chế biến phục vụ chăn nuôi.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang