• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghề nuôi ong lấy mật

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 12/08/2024
Ngày cập nhật: 14/8/2024

Với lợi thế đất rộng, diện tích cây công nghiệp như điều, cao su, cà phê và cây ăn trái nhiều, Bình Phước đã và đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế cho thấy, nghề nuôi ong không cần nhiều vốn, cho thu nhập khá nên đã có nhiều hộ dân đầu tư nuôi ong.

Gắn bó với nghề nuôi ong gần 20 năm, gia đình ông Vũ Văn Bồng ở thôn 10, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng đang sở hữu 260 thùng ong. Trung bình 1 năm, đàn ong của gia đình ông cho thu khoảng 30 tấn mật, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Nuôi ong cũng nhàn, phù hợp cả với những người lớn tuổi như tôi, chỉ vất vả là lúc quay mật. Chỉ cần giá cả ổn định là người nuôi ong sống khỏe” - ông Bồng chia sẻ.

Theo ông Bồng, nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn. Đồng thời cũng cần hiểu biết về các loài hoa; cách luân chuyển đàn ong để tìm kiếm nơi có nguồn mật hoa dồi dào; cách học làm ong chúa, xử lý ong bệnh... Ong thường mắc bệnh bại liệt, tiêu chảy, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì ong rất dễ bị lây lan dẫn đến mất cả đàn. Ngoài ra, ong hay bị bọ trĩ cắn, làm suy kiệt gây chết. Do vậy, người nuôi ong phải am hiểu, có kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc mới mang lại hiệu quả cao.

“Ong thường bị tấn công bởi các loại sâu bệnh và vi khuẩn gây hại, làm suy giảm nghiêm trọng số lượng đàn. Bên cạnh đó, thuốc trừ sâu, phân hóa học được sử dụng trong nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và cho mật của đàn ong” - ông Bồng cho biết thêm.

Còn anh Vũ Văn Phòng ở thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng đang nuôi 200 thùng ong trong vườn cao su. Để đàn ong phát triển tốt, cho nhiều mật, anh đặt thùng ong cách xa trường học, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, bệnh viện, hệ thống kênh mương thoát nước thải... Một năm phải thay ong chúa 1 lần, thường xuyên vệ sinh thùng và khu nuôi. Mùa mưa che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa thấm ướt thùng.

Anh Phòng cho biết, trong quá trình nuôi ong lấy mật, người nuôi không chỉ tỉ mỉ, chịu khó chăm sóc mà còn phải am hiểu tập tính của ong, hiểu biết về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Đặc biệt, phải nắm được quy trình ra hoa của các giống cây, lựa chọn các loài hoa tạo mật tốt để ong hút nhụy. Như vậy mới có thể duy trì được số lượng đàn cũng như chất lượng mật.

Do đàn ong sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để tìm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây bệnh rất cao, nhất là mùa hoa nhãn vì người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Khi phát bệnh, người nuôi khó kiểm soát sự lây lan giữa các cá thể ong với nhau. Dịch bệnh có thể tiêu diệt đàn ong một cách nhanh chóng. Do đó, việc phòng bệnh cho ong là hết sức quan trọng.

Anh Phòng chia sẻ: “Mỗi thùng tôi để từ 6-10 cầu ong. Vào mùa mật chính, khoảng 10 ngày tôi quay mật 1 lần, mỗi thùng thu được 5-6kg mật. Thị trường tiêu thụ mật ong cũng thuận lợi, tuy nhiên vài năm nay giá giảm thấp. Hy vọng, thời gian tới, việc xuất khẩu mật ong thuận lợi, giá mật tăng lên thì người nuôi ong sẽ có cuộc sống tốt hơn".

Anh Vũ Văn Phòng vệ sinh thùng và khu nuôi ong

Hiền Lương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang