• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 13/05/2024
Ngày cập nhật: 15/5/2024

Thị trường tiêu thụ trái sầu riêng được mở rộng, nhất là khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhiều nông dân ở nước ta đã có được nguồn thu nhập rất tốt từ cây sầu riêng. Theo đó, sầu riêng cũng đang trở thành loại cây được nhiều người ưu tiên chọn trồng, dẫn đến diện tích trồng sầu riêng đang tăng mạnh tại nhiều địa phương. Điều này rất dễ tạo ra rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi mối liên kết giữa nông dân và các bên có liên quan còn chưa chặt chẽ.

Sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

Trong hơn 2 năm qua, đầu ra trái sầu riêng có nhiều thuận lợi và giá trái sầu riêng ở mức khá cao, giúp người trồng đạt được mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Đặc biệt, trong mùa nghịch tại ĐBSCL (khoảng tháng 11 đến tháng 3), giá sầu riêng có nhiều thời điểm đạt mức giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Cụ thể, hồi tháng 3-2024, sầu riêng Monthong loại 1 có giá lên đến 210.000-215.000 đồng/kg, loại 2 có giá 190.000-195.000 đồng/kg, loại 3 ở mức 100.000 đồng/kg. Còn sầu riêng Ri 6 loại 1 có giá 140.000-145.000 đồng/kg, loại 2 giá 125.000-130.000 đồng/kg, loại 3 ở mức 70.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, nhiều nông dân trồng sầu riêng xử lý ra trái nghịch vụ có thể thu được lợi nhuận 100-250 triệu đồng/công, thậm chí cao hơn nếu sầu riêng đạt năng suất cao.

Sầu riêng Ri 6 được trồng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, sầu riêng thuận mùa cũng bán được mức giá khá tốt so với trước nhờ thị trường tiêu thụ được mở rộng, đặc biệt từ tháng 9-2022, sầu riêng nước ta đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường có dân số rất đông và có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất lớn. Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn TP Cần Thơ, nếu năng suất sầu riêng đạt từ 2 tấn/công trở lên và giá bán trong mùa thuận duy trì ở mức giá từ 50.000-80.000 đồng/kg trở lên như trong những tuần vừa qua, nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 40-100 triệu đồng/công trở lên. Ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Giá bán sầu riêng thuận mùa không cao như mùa nghịch nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp hơn và năng suất trái đạt cao hơn nên nông dân vẫn thu được mức lợi nhuận khá cao. Thời gian qua, nhiều vườn sầu riêng cho trái thuận mùa tại huyện Phong Điền có thể đạt năng suất trái lên đến 2-3 tấn/công, thậm chí cao hơn".

Cần liên kết chặt chẽ

Giá cả và đầu ra trái sầu riêng đang có nhiều thuận lợi và tiềm năng phát triển của ngành hàng sầu riêng được nhiều người đánh giá còn rất lớn. Tuy nhiên, việc người dân tại nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng sầu riêng, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Cần Thơ không khỏi lo lắng về giá cả đầu ra của trái sầu riêng trong tương lai. Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở bởi thời gian qua việc tăng và giảm giá sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cung - cầu theo mùa vụ, cũng như còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực, nhất là Trung Quốc. Mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên có liên quan tại nhiều nơi còn chưa tốt, từ đó chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ để điều tiết cung - cầu một cách phù hợp vào từng thời điểm trong năm.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, nông dân trồng sầu riêng ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thời gian qua việc tiêu thụ sầu riêng của nhiều nông dân còn phụ thuộc vào thương lái, trong khi giữa nông dân và thương lái chưa ký được các hợp đồng chặt chẽ trong tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu thực hiện theo "hợp đồng miệng" và đặt một ít tiền cọc để làm tin. Điều này dễ dẫn đến tình trạng không mong muốn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng, nhất là việc "bẻ kèo" hay tranh mua, tranh bán không lành mạnh. Do vậy, rất cần doanh nghiệp đẩy mạnh tham gia liên kết với nông dân và với các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết bền chặt gắn giữa sản xuất với tiêu thụ. Mặt khác, cần sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Trên thực tế, ngành chức năng tại TP Cần Thơ cùng nhiều địa phương vùng ĐBSCL và các bộ, ngành Trung ương cũng đã và đang tích cực quan tâm khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất và tiêu thụ trái sầu riêng bền vững. Khuyến cáo nông dân thận trọng trong mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhằm hạn chế rủi ro. Kêu gọi nông dân cùng các thương lái, doanh nghiệp và các bên có liên quan phải kịp thời chuẩn hóa các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm... để đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, cũng như phải chung tay xây dựng, gìn giữ uy tín chất lượng của sầu riêng Việt Nam nhằm đảm bảo tốt đầu ra sản phẩm.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Cùng với việc khuyến cáo nông dân thận trọng trong mở rộng diện tích sầu riêng, ngành Nông nghiệp thành phố cũng tập trung triển khai các chỉ thị và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng. Tích cực kết nối, phối hợp các địa phương trong mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mở rộng thị trường tiêu thụ. Khuyến cáo các địa phương quan tâm theo dõi các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân và với các hợp tác xã để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn nếu có phát sinh". Cũng theo ông Nghiêm, để sầu riêng và các loại cây ăn trái phát triển bền vững, từ nhiều năm qua TP Cần Thơ cũng đã khuyến cáo bà con trồng cây ăn trái tùy loại theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp, không trồng ở những vùng điều kiện thích nghi không đảm bảo. Trồng theo hướng tập trung, đảm bảo điều kiện cấp mã số vùng trồng. Hỗ trợ và thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục Trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, chúng ta cần phải nghĩ đến việc sản xuất và bán trái sầu riêng lâu dài, bán trong nhiều năm, nhiều lần và bán được hiệu quả ngày càng tốt hơn. Nông dân và các bên có liên quan cần quan tâm sản xuất kinh doanh có trách nhiệm, phải "chắt chiu" cho sản phẩm và tránh các hiện tượng làm ăn theo kiểu "chụp giật" nhất thời. Thời gian qua, Cục Trồng trọt cũng đã khuyến cáo nông dân tại các địa phương khi muốn trồng sầu riêng hay một loại cây trồng gì mới, thì yếu tố đầu tiên là phải xem xét có thích hợp với đất đai, điều kiện đầu tư hay không và thích hợp với thị trường chúng ta đang có hay không...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang