• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ruộng hoang hóa: Nuôi trồng thủy sản thu lợi gấp ba

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 16/11/2023
Ngày cập nhật: 21/11/2023

Nhờ chuyển đổi những diện tích đất cấy lúa xen kẹt, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có thu nhập cao, đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất. 1ha nuôi trồng thủy sản có thể cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, cao gấp ba đến bốn lần so với canh tác lúa và trồng màu.

Ông Trần Hữu Thương, ở xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ) đánh bắt cá bán cho khách hàng.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình ông Trần Hữu Thương, ở xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ) đúng lúc gia đình đang đánh bắt cá. Mặc dù chỉ dùng vó để cất cá nhưng chưa đầy 30 phút ông Thương đã bắt đủ 1 tạ cá để giao cho khách hàng đặt mua.

Giao cá cho khách xong, ông Thương dẫn chúng tôi đi tham quan 4 ao nuôi cá với tổng diện tích gần 4.000m2 của gia đình. Vừa đi ông Thương vừa chia sẻ: Trong số 4 ao nuôi cá của gia đình hiện nay thì có 3 ao trước đây là ruộng cấy lúa, với diện tích khoảng 3.000m2, nhưng gặp khó khăn về nước tưới, lại nằm xen kẹt với khu dân cư nên thường xuyên bị chuột bọ phá hoại, dẫn đến năng suất lúa bấp bênh, có vụ được khoảng 70kg thóc/sào, có vụ thì gần như mất trắng. Cách đây khoảng 4 năm, tôi đã quyết định xây tường và đắp bờ bao quanh các thửa ruộng để nuôi các loại cá.

Hiện nay, ông Thương thường nuôi các loại cá như trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính và cá rô đồng theo hướng an toàn. Hàng năm, gia đình thả khoảng 10 nghìn con cá giống các loại, trong đó số lượng cá rô đồng chiếm 50%. Ông Thương thường thả cả vào khoảng tháng 2 và thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 12 âm lịch. Trung bình mỗi năm gia đình bán ra thị trường khoảng 4 tấn cá, với giá bán từ 40-70 nghìn đồng/kg (tùy từng loại cá), sau khi trừ chi phí còn thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Chia tay với ông Thương, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm với tổng diện tích 3.600m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Bình, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Trong 2 năm qua, mô hình này đã đem về thu nhập cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng/năm.

Được biết, diện tích nuôi ốc của gia đình chị Bình hiện nay vốn là ruộng cấy lúa của một số hộ dân trong xóm nhưng do khó canh tác vì đất nằm xen kẹt giữa các đồi trồng keo, thu không đủ chi nên các hộ đành bỏ hoang. Nhận thấy những chân ruộng này có thể nuôi được ốc nên năm 2021 chị Bình đã mượn lại của các hộ, sau đó đầu tư tu sửa lại các bờ ruộng, phát dọn cỏ, khử vôi bột, đồng thời khoan giếng để dẫn nước ra ruộng nuôi ốc nhồi.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc nhồi của gia đình, chị Bình cho biết: Tôi chia diện tích khu ruộng ra thành 12 ao nhỏ để nuôi theo hình thức gối vụ, mực nước trong ao luôn duy trì từ 1-1,5m. Thức ăn cho ốc hoàn toàn từ tự nhiên (như các loại lá cây, củ, quả, bèo tấm...), nhưng lượng thức ăn hàng ngày chỉ cho vừa đủ, tránh tình trạng dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước.

Ông Thương, chị Bình chỉ là 2 trong số nhiều gia đình chuyển đổi thành công từ đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Những thửa ruộng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất lại bấp bênh hoặc để cỏ dại mọc thì nay đã trở thành ao nuôi trồng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nếu như năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh đạt hơn 6.000ha mặt nước, sản lượng thủy sản đạt 17.241 tấn (trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 16.916 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 325 tấn), thì qua 10 tháng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng thêm gần 100ha, sản lượng đạt trên 18.000 tấn.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, giá trị sản xuất ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 515 tỷ đồng, vượt 6,5% so với năm 2021. Về sản xuất giống đạt 600 triệu con cá bột, 60 triệu con cá giống các loại, đáp ứng nhu cầu nuôi cá thương phẩm của nhân dân. Với kết quả sản xuất 10 tháng năm 2023, giá trị kinh tế từ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 600 tỷ đồng.

Với hiệu quả kinh tế từ các mô hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản được tổ chức sản xuất khoa học và phù hợp với quy hoạch của ngành, chắc chắn tiềm năng về diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ được khai thác, mở rộng, sản lượng, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế được nâng lên. Khi đó, thu nhập từ 1ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng thủy sản sẽ không dừng ở mức bình quân 100 triệu đồng/năm như hiện nay.

Vũ Công

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang