• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Vụ lúa hè thu 2022: Nông dân gặp khó vì thời tiết bất lợi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 12/08/2022
Ngày cập nhật: 13/8/2022

Vụ lúa hè thu thường được xem là vụ mùa không “xuôi chèo mát mái” đối với bà con nông dân. Bởi, đầu vụ thời tiết thuận lợi, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt thì đến gần cuối vụ, lúa thường bị ngập úng, khó thu hoạch, mất giá và cũng khó tìm được thương lái bao tiêu. Và vụ lúa hè thu năm 2022 cũng không ngoại lệ.

Nhiều diện tích lúa hè thu ở khu vực Phường 8 (TP. Bạc Liêu) bị đổ ngã, ngập úng. Ảnh: C.L

NHIỀU KHÓ KHĂN

Đầu vụ hè thu năm nay, nước ngọt từ đầu nguồn đổ về khá dồi dào, kết hợp với những cơn mưa lớn đã giúp cho việc tháo chua, rửa phèn, cải tạo đồng ruộng của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi. Những ngày tiếp theo đó, thời tiết cũng thuận lợi, lúa sinh trưởng khá tốt, hạn chế sâu bệnh tấn công. Tuy vậy, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa lớn và triều cường. Dù ngành Nông nghiệp và các địa phương đã mở các cống lớn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A để xả nước, các trạm bơm nội đồng cũng hoạt động hết công suất, nhưng chừng ấy cũng không đủ để cứu hết các diện tích lúa bị ngập úng trên địa bàn tỉnh. Hậu quả là hàng ngàn héc-ta lúa hè thu hơn 30 ngày tuổi bị ngập úng cục bộ.

Theo thống kê của huyện Phước Long, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ 136ha lúa hè thu của bà con nông dân và nhiều diện tích hoa màu khác. Còn tại huyện Vĩnh Lợi, gần 200ha lúa hè thu có khả năng bị giảm năng suất từ 15 - 50%. Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Đợt ngập úng cục bộ vừa qua có nhiều nơi trên địa bàn huyện ruộng lúa của bà con ngập sâu 0,7m. Dù huyện đã huy động mọi nguồn lực để giúp bà con cứu lúa nhưng thiệt hại vẫn không thể tránh khỏi. Điều đáng nói, nhiều diện tích lúa trổ đòng đúng vào lúc mưa dầm nên có khả năng năng suất cuối vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Sau những nỗ lực khắc phục hậu quả, bỏ công chăm sóc, nhiều diện tích lúa bị ngập úng đã phục hồi và bước vào giai đoạn trổ, chín. Những tưởng mọi khó khăn của vụ mùa năm nay đã qua đi, thì liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện nhiều trận mưa lớn, kèm theo dông lốc, khiến cho nhiều diện tích lúa bị đổ sập hoàn toàn. Tại hầu hết các cánh đồng, máy bơm vận hành liên tục với hy vọng hạn chế được phần nào diện tích thiệt hại. Song, những diện tích trổ, chín bị sập, ngập nước thì coi như mất trắng. Bao công sức, vốn liếng của người nông dân một lần nữa bị dòng nước nhấn chìm, cuốn trôi.

Mặc dù đã nhận được tiền cọc lúa từ thương lái, nhưng nhiều nông dân vẫn trong tình trạng bất an trước nguy cơ thương lái bỏ cọc, khi chất lượng lúa ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương và nông dân trồng lúa đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn năng suất lúa trong điều kiện thời tiết được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp trong vài tuần tới. Ông Trần Minh Tân (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) than: “Lúa cũng được lái đến giao tiền cọc hơn tuần trước, nhưng mấy bữa nay mưa quá, lúa sập kiểu này chắc thương lái bỏ cọc luôn rồi, vì mua cũng khó chà gạo bán được. Thời tiết năm nay sao mà mưa gió triền miên hoài, nông dân làm ăn kiểu gì để sống đây!?”.

NỖ LỰC CỨU LÚA

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 56.000ha. Tuy chưa có thống kê cụ thể về diện tích lúa bị đổ ngã do mưa lớn trong những ngày qua, nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì hầu hết các địa phương đều có nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, ngập úng. Bên cạnh việc khẩn trương thu hoạch để “chạy đua cùng thời tiết” ở những diện tích đã đạt đủ độ chín, tại các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nhiều giải pháp để lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã vẫn đang được nhiều nông dân nỗ lực thực hiện để bảo vệ năng suất lúa trước điều kiện thời tiết bất lợi thường gặp trong vụ hè thu.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo kế hoạch chung của tỉnh, ngành Nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của cây lúa trong điều kiện mưa bão nhằm đạt năng suất cao nhất. Trước mắt, trà lúa nào đã đến ngày thu hoạch bà con cần khẩn trương tháo nước, bơm tát cạn đến đâu tiến hành thu hoạch ngay để tránh ảnh hưởng của các đợt mưa tiếp theo. Riêng những vùng lúa đang làm đòng hoặc đã trổ cong trái me, nên giữ mực nước tương đối để lúa không đổ ngã. Bà con không nên rút nước quá cạn, vì giai đoạn này nếu rút nước quá cạn bộ rễ sẽ yếu đi, cây lúa mềm, với sức nặng của bông lúa sẽ dễ đổ hơn. Bên cạnh đó, bà con cũng cần gia tăng các khoáng chất cho lúa như canxi, magiê, kali để tăng thêm sức chống chịu cho cây lúa.

Hết hạn mặn, dông lốc rồi đến mưa dầm, trong khi vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá - đó là “điệp khúc” mà người nông dân luôn phải đối mặt trước diễn biến cực đoan của thời tiết, của biến động giá cả thị trường. Trong khi giá lúa cuối vụ luôn là một ẩn số đối với người nông dân vốn chỉ quen tay cày, tay cuốc. Hơn lúc nào hết, nông dân rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc bảo vệ trà lúa hè thu, tìm đầu ra cho hạt lúa trong vụ này để nông dân không phải trải qua một vụ mùa trắng tay.

CHÍ LINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang