• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biến đổi khí hậu làm gia tăng sâu bệnh hại

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 23/06/2022
Ngày cập nhật: 25/6/2022

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại trên cây trồng. Đây là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp và cần có giải pháp phòng, ngừa hiệu quả.

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH của Liên Hợp Quốc (IPPC) và Ngân hàng thế giới (WB), ở Việt Nam, ngoài tình trạng nước biển dâng, BĐKH cũng làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật.

Môi trường sống thay đổi đang là nguy cơ làm gia tăng các loại sâu hại, với khả năng thích nghi cao, mức độ gây hại nặng hơn cho cây trồng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tại nhiều địa phương trong nước đã xuất hiện thêm nhiều loại dịch hại mới, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, phải kể đến dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen, dịch rầy nâu, sâu ăn lá cà phê… Gần đây là sâu keo mùa thu gây hại cây ngô, bệnh khám lá sắn cũng xuất hiện tại nhiều địa phương.

Trong giai đoạn cuối vụ đông xuân năm 2022, nông dân trong tỉnh Đắk Nông đối diện với nhiều loại hình thời tiết bất thường như: mưa trái mùa, thời tiết lạnh, nắng nóng gia tăng…

Sâu keo mùa thu đang gây ảnh hưởng đến năng suất ngô của người dân xã Ea Pô (Cư Jút)

Ông Vi Văn Kim, ở thôn Thanh Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) cho biết, tần suất sâu bọ xuất hiện, gây hại gần như suốt vòng đời của cây trồng vụ đông xuân. Trong đó, nhiều nhất là các loại sâu ăn lá, rễ, hoa, quả.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, trong môi trường sản xuất luôn tồn tại đa dạng những loài sâu bọ, dịch hại. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại sâu hại trên cây trồng như: rệp sáp, rệp muội, rệp vẫy nâu, sâu đục cành, sâu ăn lá... xuất hiện nhiều hơn, với nhiều biến chủng dị thường.

Mức độ gây hại của các loại sinh vật này cũng nghiêm trọng, đặc biệt là chúng có khả năng kháng lại một số loại thuốc bảo vệ thực vật thông thường.

Ông Nguyễn Văn Vương, ở xã Thuận An (Đắk Mil) cho hay, ông trồng cà phê hơn 20 năm, nhưng gần đây mới bắt gặp loại sâu ăn lá cà phê. Tuy xuất hiện không nhiều, nhưng khó diệt, vì sâu non cuốn trong lá.

Gia đình ông Vương có 1,5 ha cà phê. Năm nay, ông thực hiện tái canh một phần bằng biện pháp ghép chồi. Nhưng khi chồi non vừa đến thời kỳ ghép thì xuất hiện sâu ăn lá.

Qua tìm hiểu, những tháng vừa qua, sâu ăn lá cà phê cũng xuất hiện tại một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Đắk Lắk… Loài sâu này gây hại bằng cách cắn phá đọt non, sau đó ăn dần đến lá bánh tẻ và lá già.

Các loại cây họ đậu cũng bị ảnh hưởng nặng do sâu bệnh gây ra

Những cây có mật độ sâu cao có thể bị ăn trụi lá, khiến cây mất dần sức, sinh trưởng phát triển kém. Sâu ăn lá cà phê vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Còn ban ngày chúng thường ẩn nấp, nên rất khó phát hiện.

Cũng theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu cho loài sâu này. Do đó, bà con có thể sử dụng biện pháp thủ công bằng cách diệt sâu non, thu gom nhộng và kết hợp một số thuốc có hoạt chất như: Alpha - Cypermethrin, Chlorpyrifos Ethul – Cypermethrin… để phun trừ.

Theo các chuyên gia, ngành Nông nghiệp cần phải đánh giá tác động của BĐKH đối với sự bùng phát của các loại sâu bệnh hại mới. Trong đó, cần chú ý các loại sâu thứ yếu có thể trở thành chủ yếu, gây hại mạnh trên các loại cây trồng.

Ngành Nông nghiệp cũng cần nâng cấp, bổ sung, cải thiện các biện pháp bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả phòng, chống sâu hại trong điều kiện BĐKH hiện nay.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang