• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cá chình - đối tượng nuôi thu hút nông dân địa phương

Nguồn tin: Khuyến nông VN, 24/11/2022
Ngày cập nhật: 1/12/2022

Phú Yên là một trong số ít các tỉnh (gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi) có nguồn giống cá chình trong tự nhiên. Cá chình có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng.

Do đó, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã phổ biến và triển khai mô hình nuôi cá chình với nhiều hình thức như nuôi trong lồng bè, nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng cho bà con nông dân các địa phương trong tỉnh.

Ông Trần Văn Thảo ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa là một trong những hộ dân điển hình đang thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất của Trung tâm Khuyến nông theo quy mô hộ gia đình. Mô hình có diện tích mặt nước ao là 1.450m2, hộ ông Thảo cũng được hỗ trợ con giống, thức ăn và được khuyến nông viên phụ trách mô hình theo dõi, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho cá.

Ngoài phần thức ăn cho cá được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, gia đình ông Thảo còn tận dụng được nguồn nước và thức ăn tự nhiên từ hồ Sơn Tây. Nhờ vậy cá chình của gia đình ông Thảo sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 24 tháng nuôi, đến nay chình đạt kích cỡ khoảng 1,7-1,9 kg/con, tỉ lệ sống đạt khoảng 91%.

Ông Thảo chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá, cá chình có tập tính sống trong bùn và sợ ánh sáng, hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên thường cho ăn một cữ trong ngày vào khoảng chiều tối và phải cho ăn đúng giờ. Thức ăn cho cá chình không nên thay đổi đột ngột mà phải thay đổi từ từ. Thức ăn cho cá chình thường là thức ăn tươi như giun, ốc, cá tạp, cá rô phi, cá mè, trắm,... kết hợp với vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá. Thức ăn được băm nhỏ cho vừa cỡ miệng cá. Khi cá còn nhỏ, thức ăn nên xay ra để cá dễ ăn. Sàn cho cá ăn phải đặt ở vị trí hợp lý, thức ăn không nên để quá dư, thường lấy mức cá cho ăn trong 1 giờ làm chuẩn, điều chỉnh lượng thức ăn sao cho cá ăn hết trong 1 giờ là vừa. Tùy vào thời tiết, giai đoạn cụ thể mà điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Cá thường ăn mạnh vào những ngày nắng tốt, có gió và giảm ăn vào những ngày thời tiết âm u, có mưa, lặng gió…

Ông Thảo (áo xanh) trao đổi với cán bộ kỹ thuật TTKN Phú Yên về quá trình chăm sóc cá nuôi

Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình của Trung tâm Khuyến nông cho biết thêm: Cá chình rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường, thời tiết. Khi nước trong ao diễn biến xấu, cần kịp thời xử lý và thay nước. Mỗi lần thay nước không vượt quá 1/3 lượng nước trong ao và chỉ thay hơn 1/3 nước khi thật sự cần thiết, đồng thời ao nuôi cần duy trì hệ thống sục khí để cung cấp thêm ô xy cho cá chình phát triển. Đối với hộ ông Trần Văn Thảo, nhờ có nguồn nước và thức ăn tự nhiên của hồ Sơn Tây là lợi thế rất tốt để gia đình ông Thảo duy trì, phát triển và mở rộng quy mô nuôi cá chình trong thời gian tới.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai được 05 mô hình nuôi cá chình thương phẩm với nhiều hình thức nuôi cho bà con nông dân tại các địa phương và đã được các hộ nông dân tích cực hưởng ứng, như ở xã Hòa Xuân Tây (hồ Đồng Khôn), thị xã Đông Hòa và xã An Phú (hồ Lỗ Ân) - TP Tuy Hòa là những mô hình nuôi cá chình trong lồng bè; các mô hình ở xã An Mỹ - huyện Tuy An, thị trấn Phú Thứ - huyện Tây Hòa và phường Hòa Hiệp Trung - thị xã Đông Hòa là những mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng; hộ ông Trần Văn Thảo ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa thì nuôi cá chình trong ao đất.

Có thể nói, mô hình nuôi cá chình thương phẩm của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, giúp bà con nông dân tận dụng được diện tích mặt nước lớn, đất vườn nhà để xây dựng ao hồ, bể xi măng, phát triển đối tượng nuôi có giá trị tại địa phương, góp phần phát triển chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cá chình Phú Yên.

Trần Thị Hoàng Oanh - Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang