• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu hướng đến mục tiêu 'thủ phủ' tôm của cả nước

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 18/05/2022
Ngày cập nhật: 20/5/2022

Từ năm 2016, từ khóa “thủ phủ” tôm đã góp phần làm cho hình ảnh Bạc Liêu tỏa sáng với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại đứng đầu cả nước. Cũng từ đây đã chỉ ra đường hướng phát triển mới cho nền kinh tế tỉnh nhà và hình thành nên một trụ cột chiến lược để Bạc Liêu bứt phá. Với quyết tâm ấy, qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xem là trụ cột bậc nhất trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thế nhưng, hình hài về một trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước qua gần 7 năm thực hiện giấc mơ “thủ phủ” tôm vẫn chưa được hiện rõ. Đáng trăn trở và lo lắng hơn cả là Bạc Liêu sẽ chậm chân hơn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai gần và cả mai sau, nếu như không có giải pháp ngay từ bây giờ. Bởi Bạc Liêu đã và đang đứng trước hàng loạt các “nút thắt” và “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bài 1: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức

Phải khẳng định rằng, Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành có diện tích và sản lượng nuôi tôm lớn đứng vào tốp đầu của khu vực ĐBSCL và cả nước. Thế mạnh này đã góp phần cho tỉnh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động và trở thành nguồn thu số một về kim ngạch xuất khẩu. Song, với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình nuôi tôm, đã đặt ra hàng loạt vấn đề cho phát triển bền vững, nhất là sự suy thoái về môi trường đã đến lúc phải cảnh báo.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (TP. Bạc Liêu).

NHIỀU MÔ HÌNH ĐỨNG ĐẦU CẢ NƯỚC

Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) hơn 140.000ha, cho tổng sản lượng nuôi trồng đạt trên 295.000 tấn/năm. Trong đó, có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng… được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Đây chính là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu bứt phá và làm giàu từ con tôm.

Đặc biệt trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại đứng đầu cả nước, mà điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc. Với mô hình nuôi này, Tập đoàn Việt - Úc đã xây dựng các khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao bên trong các nhà kín. Các ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng một ao lắng với nhiều trang thiết bị hiện đại. Mỗi ao nuôi đều được trang bị thiết bị thu sóng siêu âm sonar, quạt nước, máy bơm ôxy… hoạt động liên tục 24/24 giờ, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho con tôm phát triển. Cùng với đó là các công nghệ vượt trội khác được ứng dụng như: công nghệ cho ăn tự động, đo lường tự động; thử nghiệm các phát minh mang tính đột phá, bền vững trong ngành tôm như: quy trình nuôi biofloc, quy trình nuôi bằng giá thể sinh học, quy trình xử lý nước tuần hoàn, quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh…

Bên cạnh mô hình nuôi tôm trong nhà kín, tập đoàn này còn áp dụng mô hình nhà màng bong bóng để nuôi tôm. Đây là công nghệ nuôi mới từ Israel được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là mô hình tiên tiến giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả nhất hiện nay. Với mỗi ao có diện tích 500m2, mật độ nuôi là 300 con/m2, cho thu hoạch từ 12 - 16 tấn/vụ/năm và mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha/năm cho các mô hình nuôi hiện đại bậc nhất này.

Ngoài Tập đoàn Việt - Úc, Bạc Liêu còn có nhiều doanh nghiệp nuôi tôm với các mô hình hiện đại khác cho siêu lợi nhuận như: Công ty TNHH MTV Long Mạnh, Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh…

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Có một thực trạng đáng báo động hiện nay chính là sự phát triển nóng của con tôm, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hiện các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn gần như “bó tay” với việc xử lý nước thải từ các mô hình nuôi này. Hệ quả là tình trạng tôm chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường. Trong vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở ấp Bửu 2 (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) thay nhau “thất trắng”. Đó là sự phát triển quá nhanh của các mô hình nuôi tôm tự phát, trong khi hệ thống kênh thủy lợi bị bồi lắng nhanh và không đủ nước cấp cho con tôm. Hiện, xã Long Điền Đông là địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện Đông Hải với khoảng 320ha.

Ông Phạm Tươi (ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông) than: “Trong mấy tháng nay, cả xóm tôm nuôi thay nhau bị thiệt hại và có hộ lỗ cả trăm triệu đồng. Nguyên nhân chính là không đủ nước để nuôi tôm, tôm chết nên mạnh nhà nào nấy xả nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, mặc dù hệ thống kênh thủy lợi rất cạn và cứ chảy đi, chảy lại chứ không thoát được ra ngoài. Thế là cả xóm phải chấp nhận lấy “nước kho”, nghĩa là nguồn nước bị ô nhiễm ấy cứ được lấy vào phục vụ cho nuôi tôm mới, khi tôm bị chết lại thải ra và hộ khác lại lấy vào, cứ “kho” đi “kho” lại nguồn nước cũ rồi kéo nhau thiệt hại hết”.

Theo ông Tươi, nguyên nhân làm cho thiếu nước trầm trọng là ngoài hệ thống kênh thủy lợi ít được nạo vét thì một số công trình khác còn “làm khổ” người dân khi thi công theo “tiến độ rùa” mà Dự án cống số 4 ở ấp Bửu 2 là một minh chứng.

Không chỉ địa bàn huyện Đông Hải mà nhiều dự án thủy lợi khác ở vùng Nam Quốc lộ 1A cũng thế. Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở xã Vĩnh Mỹ A qua 10 năm xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thành, huyện đã 2 lần xử phạt nhà thầu nhưng đến nay xây dựng vẫn chưa xong”.

Thủy lợi phục vụ nuôi tôm thì bức xúc, nhưng qua thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, hệ thống kênh mương thủy lợi hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu nước cho con tôm, trong khi lượng nước thải từ con tôm cứ tăng theo cấp số nhân.

Theo tính toán của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có chiều sâu mực nước từ 1,3 - 1,5m. Như vậy, với hơn 20.000ha nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2.600 triệu m3 nước thải ra môi trường. Trong khi đó, nước thải sau vụ nuôi tôm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus..., cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt để thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận, gây ô nhiễm nguồn nước, lan tràn dịch bệnh và gây nên thiệt hại trên diện rộng.

Một vấn đề đáng cảnh báo khác là sự phát triển nóng của con tôm còn làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và kéo theo nạn thiếu nước ngọt trầm trọng. Đó là thực trạng vào mùa khô, độ mặn vượt lên con số từ 30 - 40%0, trong khi độ mặn thích nghi và giúp con tôm sống được chỉ dừng ở mức từ 15 - 20%0.

Để “giải khát” và cứu con tôm, các hộ nuôi buộc phải khoan giếng hút nước ngầm, nhằm pha loãng nước mặn phục vụ nuôi tôm làm cho mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến sụt lún đất nền tự nhiên bình quân 1 - 2cm/năm. Từ đó, mỗi khi triều cường lên cao, diện tích ngập úng càng lớn hơn và kéo theo nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, vùng Nam Quốc lộ 1A lại là vùng nuôi tôm công nghiệp chính và trọng điểm của tỉnh với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (diện tích 4.000ha), nuôi thâm canh - bán thâm canh (diện tích gần 22.000ha).

Với những thách thức được đặt ra cho thấy, một trong những giải pháp hàng đầu trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước hiện nay chính là tập trung giải bài toán về môi trường. Bởi đây là vấn đề trọng yếu hàng đầu có liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững và quyết định Bạc Liêu có trở thành “thủ phủ” tôm của cả nước hay không!

* GS-TS khoa học Nguyễn Ngọc Trân - nhà nghiên cứu các vấn đề chiến lược của vùng ĐBSCL cảnh báo: Người nông dân vùng ĐBSCL sẽ phải trả giá đắt nếu như khai thác và gây lãng phí nguồn nước ngầm. Bởi với việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê-kông và biến đổi khí hậu, nông dân sẽ “chết khát”, nạn sụt lún, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ liên tiếp diễn ra nếu như không có ngay các giải pháp cứu lấy môi trường và quản lý tài nguyên nước.

* Giám đốc Sở TN-MT - Nguyễn Bình Thuận: Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Có thể nói, một trong những vấn đề được các ngành và địa phương quan tâm hiện nay chính là nạn ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

Để khắc phục những bất cập, thách thức này và góp phần xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, ngành TN-MT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý môi trường và quản lý tài nguyên nước ngầm để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cũng như quản lý tốt tài nguyên nước ngầm trước sự phát triển nóng của các mô hình nuôi tôm hiện nay.

Đối với công tác quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp nhằm hạn chế tình trạng xả nước thải, chất thải rắn, bùn thải… chưa qua xử lý ra sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và cả cộng đồng với chức năng là quản lý trực tiếp trong việc kịp thời phát hiện, tố giác và có ngay các giải pháp xử lý.

Cùng với đó là tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường hằng năm (2 lần/năm). Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ nuôi tôm siêu thâm canh thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Song song đó, tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Nam và các chuyên gia của các viện, trường để nghiên cứu, đề xuất mô hình xử lý nước thải, bùn thải… phát sinh từ quá trình nuôi tôm công nghiệp quy mô hộ gia đình, nhằm giúp các hộ nuôi tôm có mô hình mẫu để triển khai thực hiện xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường, góp phần bảo vệ môi trường nước sông, kênh, rạch...

Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng TN-MT hướng dẫn các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh có quy mô nhỏ và không thuộc đối tượng lập thủ tục môi trường phải cam kết thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải theo phân cấp quản lý tại Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đối với công tác quản lý tài nguyên nước ngầm, sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cộng đồng dân cư trong việc sử dụng có tài nguyên nước, đặc biệt là nước ngầm một cách hiệu quả bằng các biện pháp sử dụng kết hợp nước mưa, nước mặt, nước ngầm, khuyến khích người dân sử dụng nước mặt để nuôi trồng thủy sản. Áp dụng các mô hình tiết kiệm nước trong sản xuất, tích trữ nước trong các ao, hồ, bể chứa và các biện pháp công nghệ kỹ thuật canh tác, tuần hoàn nước, hoặc tái sử dụng, thu gom nước mưa, xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho sản xuất.

Thường xuyên quan trắc để theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước mặt và mực nước dưới đất tại các trạm quan trắc quốc gia và các công trình đang khai thác với quy mô lớn, thông báo cho người dân được biết có những biện pháp điều chỉnh nguồn nước trên địa bàn tỉnh phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

LƯ DŨNG - HOÀNG LAM - L.D

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang