• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong mùa mưa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 13/09/2021
Ngày cập nhật: 14/9/2021

Năm 2021, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng trên 36 độ C kéo dài, kết hợp gió Tây Nam thổi mạnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển các loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày. Theo dự báo, mùa mưa năm nay sẽ có các đợt mưa lớn, mưa kéo dài với lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ. Vào những ngày đầu tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện các đợt mưa nhỏ, từ ngày 10/9/2021, bão số 5 di chuyển về phía vùng biển các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại nặng trên diện rộng. Mặt khác, giá cả thị trường các sản phẩm cao su, cà phê, hồ tiêu… không ổn định nên việc đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ít được người dân quan tâm làm cho nhiều vườn cây phát triển kém và nhiễm nhiều đối tượng gây hại. Do vậy, tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong mùa mưa đang đặt ra rất cấp thiết.

Thu hoạch mủ cao su ở Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Hiện toàn tỉnh có trên 2.500 ha hồ tiêu, trong đó 2.100 ha đã cho thu hoạch; khoảng 4.666 ha cà phê, trong đó có 4.253,2 ha cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 4.584 tấn/ năm; trên 19.000 ha cao su, sản lượng mủ 15.000 tấn/năm. Cây hồ tiêu, cà phê, cao su là những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực tế cho thấy, sau các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2020, nhiều diện tích cây hồ tiêu ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Trên 200 ha hồ tiêu ở nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập úng, một số diện tích bị rụng lá và chết với tỉ lệ từ 30 - 40%, một số vườn bị chết 100%. Cây cà phê, cao su nằm trong vùng ảnh hưởng bởi mưa lũ nặng cuối năm 2020 cũng bị thiệt hại đáng kể. Đặc biệt thời gian gần đây bắt đầu có mưa, độ ẩm cao cũng đã tạo điều kiện cho các loại bệnh trên các loại cây công nghiệp phát sinh, gây hại.

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh 30 ha, bệnh chết chậm 141 ha, bệnh thán thư 205 ha, bệnh đốm lá 238 ha, rệp sáp 90 ha. Cây cà phê diện tích nhiễm bệnh khô cành 865 ha, bệnh thán thư 752 ha, rệp 120 ha, bệnh rỉ sắt 175 ha. Cây cao su bị bệnh xì mủ với diện tích bị nhiễm 205 ha, bệnh loét sọc mặt cạo diện tích bị nhiễm 168 ha. Để kịp thời chăm sóc và ngăn ngừa, hạn chế sự lây lan các đối tượng dịch hại ra diện rộng trong mùa mưa, Sở Nông nghiệp và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân triển khai, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với cây hồ tiêu là phải tạo hệ thống thoát nước khi mùa mưa đến theo ô bàn cờ, độ sâu từ 40 - 50 cm. Nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá. Đào rãnh thoát nước chính xung quanh vườn với độ sâu trên 50 cm. Vào đầu mùa mưa, những vườn nào có bồn giữ nước quanh gốc cần phá bỏ để chống đọng nước. Bên cạnh đó, tiến hành bón phân bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, mỗi gốc khoảng từ 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục và lượng urê, lân, kaly, vôi bột rắc quanh gốc theo quy trình. Quan tâm vệ sinh vườn tiêu, tỉa bớt cành của cây choái, cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, giảm độ ẩm. Bón vôi để hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên. Người trồng tiêu phải thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh chết nhanh, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt, tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần tuân thủ thực hiện theo “Quy trình tạm thời kỹ thuật tái canh hồ tiêu trên vườn bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm” theo Quyết định số 182/QĐ-SNN của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Đối với những vườn hồ tiêu đã bị bệnh chết nhanh cần xử lý bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất phosphonate, metalaxyl… bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Đối với cây cà phê trên vườn thời kỳ kiến thiết cơ bản cần vệ sinh vườn, đào rãnh thoát nước để vườn cây thông thoáng, không bị ngập úng. Xử lý thuốc phòng trị các loại bệnh trong mùa mưa như bệnh thán thư, rỉ sắt, nấm hồng, rệp… Những cây bị vàng lá, thối gốc nặng không có khả năng hồi phục cần đào, nhổ, đem đi tiêu hủy, sau đó bón vôi vào hố để tránh lây lan bệnh. Trên vườn cà phê kinh doanh cần tiến hành bón phân khi đất đủ ẩm bằng các loại phân đặc hiệu để nuôi quả. Chú ý tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh. Sau các đợt mưa lớn cần kiểm tra vườn để vun gốc, đóng cọc cố định khi cây bị đổ ngã và khơi thông dòng chảy, không để nước đọng trên vườn. Sau khi thu hoạch cần làm cỏ, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành chùm, cành tăm, chồi vượt, bón phân bổ sung dinh dưỡng để phục hồi cây, xử lý thuốc ở những vườn bị sâu bệnh. Tiến hành cưa đốn để tái sinh những vườn cây cà phê già cỗi và bị bệnh nặng.

Đối với cây cao su, tiến hành bón các loại phân chuyên dùng có hàm lượng đạm và kaly cao như NPK 16-8-16 với lượng bón từ 0,5 - 0,7 kg/cây, kết hợp các biện pháp chăm sóc, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những cây bị bệnh, chú ý bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo, bệnh gây rụng lá do các loại nấm. Đối với các loại cây ăn quả, cây có múi, cần đào rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn. Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng. Bón phân hữu cơ hoai mục khi đất đủ độ ẩm, lượng phân bón từ 10- 15 kg/gốc, kết hợp bón vôi. Ngoài ra, phun thêm các loại phân bón vi lượng để cây sinh trưởng, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận trong mùa mưa.

Bên cạnh tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong mùa mưa, tỉnh cũng đang quan tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng các loại cây chủ lực, hạn chế sự tác động bất lợi của sâu bệnh, bão lũ. Trước sức tàn phá của thiên tai, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên phát triển cây cao su một cách ồ ạt, đồng thời quy hoạch lại diện tích, những nơi vườn cây thường bị sâu bệnh gây hại, không chống chịu được với gió to, bão lụt, vườn cây già cỗi, năng suất thấp thì vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với cây hồ tiêu, để phát huy hiệu quả kinh tế thì cần phải quy hoạch vùng trồng tiêu cũng như triển khai các mô hình trồng tiêu bền vững đối với các địa phương trong tỉnh. Việc phát triển mô hình trồng tiêu an toàn là hướng đi đúng, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, được người dân đánh giá cao. Do vậy ngành nông nghiệp cần tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và tập huấn kỹ thuật để nhân rộng mô hình này. Hiện nay, với hơn 53% diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa và nhiễm sâu bệnh nặng, chủ yếu trồng trước năm 2000 thì việc tái canh để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng ngành hàng cà phê của tỉnh là việc làm cần thiết và đang được đẩy mạnh.

Việc tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong mùa mưa trước mắt và triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh về lâu dài sẽ đảm bảo để cây trồng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

Đan Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang