• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây mai dương, cá lau kính: Loài ngoại lai gây hại hệ sinh thái Đồng Tháp Mười

Nguồn tin: Báo Long An, 15/06/2021
Ngày cập nhật: 17/6/2021

Theo báo cáo hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Long An mới đây do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện đánh giá, sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai gây hại như cây mai dương, cá lau kính làm ảnh hưởng hệ sinh thái và gây khó khăn, thách thức về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Long An.

Cây mai dương còn có một số tên gọi khác như ngưu ma vương, trinh nữ nhọn, mắc cỡ Mỹ,...; tên khoa học là mimosa pigra, thuộc họ mimosaceae, có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, bắt đầu xâm lấn vào Việt Nam những năm 1980. Mai dương thuộc loài cây bụi, đa niên, thường mọc nơi đất trống, ẩm ướt,... Cây có thể cao đến 6m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn. Mai dương phát triển mạnh tạo thành thảm cây bụi cao khiến các loài cây khác không phát triển được.

Một trong những nơi có cây mai dương sinh sôi, phát triển nhiều nhất trên địa bàn tỉnh là khu vực Đồng Tháp Mười. Hễ cứ bãi đất nào để trống hoang hóa lâu ngày hay những nơi ít người đi tới như bờ đê bao, bờ đường, hoặc ngay ở cặp các khu dân cư thì thường xuất hiện cây mai dương mọc lên. "Muốn diệt chúng không đơn giản vì tốc độ sinh trưởng cực nhanh" - bà Nguyễn Thị Hương, ngụ xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, nói.

Loài cây này còn xâm lấn và phát triển ở những nơi có hệ sinh thái phong phú. Chẳng hạn như ở Tân Hưng, loài cây này cũng sinh sôi, nảy nở ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Hạt của nó rơi xuống cuốn trôi theo dòng nước hoặc gió cuốn đi đến những nơi khác, cứ thế cây mai dương lại mọc lên.

Cây mai dương nảy nở, phát triển ở nhiều nơi

"Loài cây này không độc hại cho sức khỏe con người nhưng nếu để xâm lấn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cây trồng khác và hệ sinh thái. Tuy nhiên, tiêu diệt loài cây này cần phải kiên trì. Nhiều cây đã bị chặt cả gốc nhưng vì hạt đổ xuống thì thời gian sau lại mọc lên" - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết.

Ngoài ra, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện cũng bị sự xâm lấn của loài cá lau kính. Đây là loài cá xuất xứ từ Nam Mỹ và có thể sống trong nhiều điều kiện môi trường sinh thái khác nhau. Loài cá này xuất hiện trong tự nhiên ở nhiều nơi là do một số người đưa về nuôi làm cảnh, nuôi trong bể để ăn rong, rêu, côn trùng, làm sạch thành bể. Thế nhưng, có người đã thả ra ao, hồ và làm thoát ra ngoài tự nhiên.

Thức ăn của loài cá này thường là rong, rêu, tảo bám lâu ngày nhưng với đặc tính của chúng là phàm ăn, khả năng phát triển đàn rất nhanh nên ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái và các loài cá khác. Qua tìm hiểu, loài cá lau kính ở ao, hồ, sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh chưa đến mức nhiều nhưng việc người dân thả lưới và bắt được loài cá này cũng không phải lạ.

Cá lau kính thả ra ao, hồ, kênh, rạch, sông sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái

"Đối với những người đi giăng lưới, gặp cá này không ai vui nổi. Vừa mất nhiều thời gian gỡ vì chúng có ngạnh dài, sắc, da dẻ xù xì và rất dễ làm rách lưới. Giá trị loài cá này không bao nhiêu vì lắm xương, ít thịt" - ông Lê Văn Bảy, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, những sinh vật ngoại lai gây hại cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất và hệ sinh thái, gây mất thời gian và cả tiền bạc. Đơn cử như ốc bươu vàng, nông dân phải tốn kém thêm kinh phí để xử lý. Còn cây mai dương hiện nay vẫn sinh sôi, phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là ở khu vực Đồng Tháp Mười, trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Thế nhưng, được người dân, chính quyền, nhân viên Khu Bảo tồn quan tâm xử lý, chặt bỏ nên mức độ xâm lấn của loài cây này giảm nhiều so với trước.

Với loài cá lau kính, những năm qua, ngành Nông nghiệp ghi nhận xuất hiện ở các kênh, rạch, sông. Theo đó, nếu chúng sinh sôi nhiều thì rất nguy hiểm cho hệ sinh thái, ngành chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân không nuôi và thả ra tự nhiên nên ý thức được nâng cao.

"Một trong những loài gây ra nhiều bức xúc thời gian qua và hiện nay là cây lục bình sinh sôi, nảy nở quá nhanh ở các kênh, rạch, sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây ảnh hưởng môi trường và giao thông đường thủy. Ngành chức năng, địa phương thường xuyên quan tâm, vận động người dân ra quân trục vớt, tiêu diệt lục bình nhưng không xuể. Nhiều kênh, rạch, đoạn sông vẫn bị lục bình bao phủ" - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết./.

Lê Đức

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang