• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 18/12/2021
Ngày cập nhật: 21/12/2021

Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Kon Tum không ngừng được mở rộng; song sản xuất và tiêu thụ vẫn còn bấp bênh và nhiều khó khăn. Nhận diện rõ những hạn chế, vướng mắc, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước triển khai những giải pháp khắc phục nhằm hướng tới phát triển cây ăn quả bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trái cây của tỉnh.

Tỉnh ta có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là một số loại cây như sầu riêng, bơ, xoài, mít, chuối, cây có múi. Phát triển cây ăn quả được coi là hướng đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo giá trị gia tăng cho ngành này.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng kém năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Việc mở rộng diện tích cây ăn quả được các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ; người dân chú trọng đầu tư, chăm sóc.

Cần xây dựng chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm trái cây. Ảnh: T.H

Hiện tại, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 6.375ha; trong đó, một số loại cây ăn quả có diện tích lớn như: Chuối 1.307ha (1.069ha đã cho sản phẩm), năng suất 131,93 tạ/ha; xoài 212ha (181ha đã cho sản phẩm), năng suất 95,19 tạ/ha; nhãn 240ha (193ha đã cho sản phẩm), năng suất 119,44 tạ/ha; cam 151ha (120ha đã cho sản phẩm), năng suất 55 tạ/ha; bơ 173ha (91ha đã cho sản phẩm), năng suất 75,68 tạ/ha; chanh dây 310ha (289ha đã cho sản phẩm), năng suất 164,63 tạ/ha; sầu riêng gần 1.500ha (200ha đã cho sản phẩm), năng suất 25 tấn/ha...

Cây ăn quả được trồng nhiều trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum.

Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây công nghiệp dài ngày, phổ biến nhất là trồng xen trong vườn cây cà phê nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là các khâu như chọn tạo, sản xuất giống, tình trạng bón phân mất cân đối, lạm dụng phân vô cơ, một số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap còn thấp, các khâu thu hoạch và bảo quản trái cây chưa phát triển như phân loại, làm sạch, đóng gói, bảo quản, lưu trữ…

Sản phẩm sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bán tươi cho thương lái tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Vì vậy, “đầu ra” của nhiều loại trái cây trở nên bấp bênh, giá cả không ổn định, nông dân thường rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, do phải phụ thuộc vào thương lái, thiếu các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, một số nhà đầu tư lớn cũng đã quan tâm, tìm hiểu và ý định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến trái cây, song đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có nhà máy chế biến trái cây.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra là tiếp tục rà soát, chuyển đổi một số diện tích trồng cao su và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện, phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000 ha.

Để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra và phát triển cây ăn quả bền vững, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp then chốt.

Trong đó, ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực, trồng tập trung và rải vụ một số cây ăn quả theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh kết hợp với việc đổi mới phương thức tiếp cận thị trường. Quan tâm đến cây ăn quả đặc sản nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh ở từng địa phương; tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa lớn. Đồng thời, hình thành tổ chức liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả bền vững, có quy chế sản xuất theo quy trình sạch, GlobalGap, VietGap, hữu cơ Organic... Xây dựng các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây bền vững; lập quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân mất mùa, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây...

Có thể nói, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Qua đó, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc phối hợp thực hiện của ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương, hy vọng đây sẽ là một trong “lực đẩy” đưa kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thiên Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang