• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gừng ‘cay’ vì rớt giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 14/12/2021
Ngày cập nhật: 15/12/2021

Những ngày này, nông dân nhiều nơi đang thu hoạch gừng phục vụ nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Tuy nhiên, giá gừng sụt giảm mạnh, nhiều hộ nông dân không thể lấy lại vốn sau gần 1 năm trồng, chăm sóc.

Giá bằng 1/3 năm trước

Với lợi thế sinh trưởng tốt, ít tốn công chăm sóc và có thể tận dụng các khu vực đất trống để trồng, nên những năm gần đây, gừng được xem là cây trồng mới, được nhiều nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, bước vào mùa vụ năm 2021, giá giảm sâu, khiến người trồng gừng như đang "ngồi trên đống lửa".

Bà Ngô Thị Hòa ở thôn 4, xã Đắk R’la (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) năm nay trồng hơn 1 sào gừng cao sản. Bước vào vụ thu hoạch, lòng bà Hòa nặng trĩu khi gừng tươi mất giá, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm này năm trước. Thu hoạch xong vườn gừng, gia đình bà Hòa không những không có lời mà còn phải chịu lỗ sau 8 tháng trồng, chăm sóc.

Theo bà Hòa, cuối quý I năm 2021, bà đầu tư khoảng 2,5 triệu đồng để xuống giống gừng. Thời điểm đó, giá gừng tươi đang ở mức cao nên mỗi ký gừng giống cũng từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Những tưởng cuối vụ giá gừng ổn định, nhưng bà Hòa lại hụt hẫng vì giá xuống thấp đột ngột.

Bà Ngô Thị Hòa buồn bã vì giá gừng năm nay giảm sâu

Năm 2020, có thời điểm giá gừng liên tục ở mức trên 30.000 đồng/kg nên năm nay, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng gừng. Mặc dù vụ gừng năm 2021 được đánh giá cho năng suất, chất lượng cao hơn năm trước nhưng theo các thương lái thu mua, nguyên nhân giá gừng xuống thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ ít và sản lượng gừng nhiều hơn các năm, kéo theo giá cả èo uột.

Nhiều nông hộ không tìm được đầu ra nên đành để gừng già hoặc thối ngay tại vườn. Trong khi đó, thương lái chủ yếu thu mua gừng loại củ to, ít nhánh và không quá già để phục vụ nhu cầu làm mứt tết và tinh dầu gừng.

Chị Nguyễn Thị Mai, thương lái chuyên thu mua gừng tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được hơn 200 tấn gừng, chủ yếu là xuất đi các tỉnh, thành phía Nam và phía Bắc. Nhìn chung, giá gừng giảm xuống khoảng 5.000-6.000 đồng/kg thì rất tội cho nông dân vì giá phân bón năm nay lại cao. Bán 5 kg gừng mà không mua nổi một bát phở thì không biết có lãi hay không ?”.

Trữ hàng, chờ giá tăng

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cũng chung nhận định khi nông dân trữ hàng chờ tăng giá thời điểm giáp tết. Theo ông Anh, gừng được trồng ở nhiều xã trong huyện với hai loại chính là gừng cao sản và gừng sẻ. Khoảng tháng 7, giá gừng dao động khoảng 25.000 đồng/kg do mới là đầu vụ và nhu cầu tiêu thụ gừng của người dân cao.

Tuy nhiên, từ tháng 9 trở lại đây, nông dân Tuy Đức thu hoạch đại trà thì giá gừng lại giảm sâu, hiện còn khoảng 7.000 đồng/kg. Nhiều nông dân đã quyết định “găm hàng” để chờ cuối năm giá lên mới xuất bán. Theo ước tính, huyện Tuy Đức còn khoảng 400 tấn gừng tươi chưa tiêu thụ, tập trung nhiều ở xã Quảng Tân.

Nhiều nông dân tiến hành thu hoạch gừng và chấp nhận xuất bán dù giá xuống thấp

Huyện Krông Nô có diện tích trồng gừng tương đối lớn và nhiều nông dân ở đây cũng quyết định giữ lại hàng. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro khi từ nay đến cuối năm, nhiều địa phương khác của Tây Nguyên cũng thu hoạch gừng. Dự báo sản lượng năm nay tăng cao hơn năm trước, trong khi thị trường tiêu thụ lại bị ảnh hưởng do dịch.

“Nông dân cần thu hoạch đúng thời gian để bảo đảm chất lượng gừng, cũng như hạn chế việc hư hỏng nếu để lâu dưới đất. Hiện nay, giá gừng tiếp tục biến động nhưng việc tăng cao như năm trước khó có thể xảy ra. Vì thế, bà con cần cân nhắc kỹ thời điểm xuất bán, tránh nguy cơ thua lỗ”, đại diện ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đưa ra khuyến cáo.

Qua tìm hiểu, gừng chỉ là cây trồng phụ, nông dân chủ yếu trồng xen canh, nên khó thống kê được thực tế diện tích hiện có là bao nhiêu. Thế nhưng, việc cây trồng lâm vào cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa" luôn là nỗi lo của nông dân mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, đối với bất cứ loại nông sản nào.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang