• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 19/11/2021
Ngày cập nhật: 21/11/2021

Năm nay, đỉnh lũ không cao bằng mọi năm, tuy nhiên không vì thế mà việc ứng phó của nhà vườn bị xem nhẹ. Bởi thực tế những khu vực đất thấp nếu không chủ động vẫn có khả năng bị ngập úng cục bộ, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng cây trồng.

Các địa phương gia cố đê bao bảo vệ sản xuất. Ảnh: T.TRÚC

Canh tác hơn 3 công ổi Đài Loan và ổi Nữ Hoàng ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), gần 1 tháng nay ngoài việc be bờ, máy bơm túc trực 24/24 giờ sẵn sàng bơm khi có mưa dầm kéo dài thì anh Nguyễn Hoàng Tân còn chủ động đào rãnh xung quanh gốc ổi để cho cây thoát nước. Quá trình bón phân, phun thuốc, anh chuộng sử dụng các loại phân hữu cơ, dễ hòa tan khi gặp nước mưa để hạn chế tình trạng thối rễ cho cây. Anh Tân cho biết thêm: “Ở đây, đầu mùa mưa là bà con ai cũng chủ động gia cố đê bao của gia đình, chuẩn bị máy bơm sẵn sàng khi có nước cao là bơm ra ngoài. Nhờ việc gia cố đê bao nên việc bơm nước mùa lũ cũng nhẹ hơn trước đây. Năm nước nhiều thì bơm 40-50 lít dầu, năm nước ít thì 20 lít. Dù nước ít hay nhiều cũng phải chuẩn bị, bởi nếu không chuẩn bị sẵn sàng khi nước lên nhanh bơm không kịp là cây bị ảnh hưởng”.

Còn đối với nhà vườn trồng xoài Đài Loan ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, nhận thức được vùng này là khu vực thấp nên khi cải tạo đất mía sang trồng xoài, đa phần bà con ở đây đã mạnh dạn đầu tư thêm 5 triệu đồng/ha để mua cao su, đào rãnh tấn mé xung quanh bờ bao của vườn cây. Cách làm này tuy tốn kém ban đầu nhưng rất có hiệu quả trong việc hạn chế tối đa lượng nước bên ngoài theo lỗ mọi rò rỉ vào, từ đó tiết kiệm đến 50% chi phí bơm thoát nước và cây trồng cũng không bị tình trạng ngập úng rễ.

Anh Phạm Quốc Ninh, cán bộ kỹ thuật thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Những năm gần đây, nhà vườn ở thị trấn Búng Tàu áp dụng rất hiệu quả mô hình dùng cao su làm màng phủ để tấn mé ngăn lũ. Cách làm này hạn chế tối đa lượng nước theo các lỗ mọi, hang cua, hang cá rò rỉ vào bên trong vườn, vừa bảo vệ tốt cho rễ cây vừa giảm được chi phí bơm thoát nước ra ngoài.

Một thuận lợi khác đối với nhà vườn trồng cây ăn trái là những năm gần đây các địa phương đã tập trung nâng chất hệ thống thủy lợi theo hướng kênh mương được nạo vét thông thoáng kết hợp với các cống, trạm bơm được đầu tư phát huy tác dụng đã góp phần phục vụ tưới tiêu hầu hết diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hình thành được 915 vùng thủy lợi khép kín, có diện tích 100-300 ha/vùng, khả năng phục vụ 82.012ha, chiếm 60,3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Nếu cách đây khoảng 5 năm, trung bình mỗi năm mùa lũ về toàn huyện Phụng Hiệp có hơn 10.000ha đất sản xuất bị ngập úng thì mùa nước năm rồi dù được đánh giá là cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng toàn huyện chỉ có 3.000 vườn cây ăn trái bị ngập. Riêng năm nay 100% diện tích cây ăn trái của huyện đến thời điểm này trụ vững với nước lũ. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Những năm gần đây, việc phát triển thủy lợi ở huyện Phụng Hiệp thực hiện theo quy hoạch vùng kết hợp với hệ thống kênh nội đồng nên khi có yêu cầu sản xuất lớn thì chủ động đóng các cống, trạm bơm lại thì bên trong vẫn đảm bảo cho bà con sản xuất được. Năm nay nước lũ không lớn như mọi năm nên các hệ thống cống và trạm bơm chưa dùng đến, đa phần bà con sử dụng hệ thống đê bao gia đình để chống lũ.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì thời tiết trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra mưa trên diện rộng, trong cơn mưa có thể kèm theo giông, lốc cục bộ, kết hợp triều cường biển Đông gây thiệt hại ở nhiều địa phương. Cụ thể, đối với các huyện đầu nguồn như huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, một phần của huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy có thể ảnh hưởng mưa cục bộ kết hợp với triều cường biển Đông do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ ngày 20 đến 23-11 gây nước tràn qua bờ bao, ngập cục bộ một số khu vực trũng thấp, bờ bao không đảm bảo chống triều cường. Đối với các huyện hạ nguồn như huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần của huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh có thể ảnh hưởng mưa làm ngập cục bộ nhất là vùng trũng, thấp làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các ngành khác.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp của thiên tai, thông báo kịp thời, chính xác cho người dân biết để chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao đã xuống cấp do ảnh hưởng của triều cường phải kịp thời xử lý đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái, vùng mía nguyên liệu, vùng nuôi trồng thủy sản, khu dân cư... Khuyến cáo người dân khi mưa gây ngập cục bộ thì dùng máy bơm chủ động bơm rút nước để cứu vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản,… nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không đê bao, bờ bao bảo vệ.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, khu vực tỉnh Hậu Giang - Cần Thơ mực nước ít biến đổi những ngày tới và sau đó lên nhanh theo triều. Mực nước cao nhất tại trạm thủy văn Phụng Hiệp xuất hiện vào ngày 22-11 ở mức 1,54m trên báo động III là 0,14m; mực nước tại trạm thủy văn Vị Thanh cao nhất là 0,78m xuất hiện vào ngày 23-11 trên mức báo động III là 0,03m; mực nước cao nhất trong ngày vào những ngày triều cường xuất hiện vào sáng sớm từ 5-7 giờ và chiều tối từ 17-19 giờ.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang